Các cô giáo, thầy giáo là người đang đứng ở trung tâm của những biến đổi lớn lao nhất của thế kỷ XXI, vì rằng sự thay đổi lớn nhất của thế kỷ này sẽ là sự thay đổi về tri thức, về hình thức và nội dung, về ý nghĩa của tri thức, về trách nhiệm của tri thức, đặc biệt là về những đặc điểm của con người có giáo dục. Không có những con người có giáo dục đó, sẽ không thể nào có một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh mà chúng ta hướng tới.
>> Ánh lửa của trí tuệ (Kỳ 1)
Vậy thì ai quyết định đặc điểm ấy nếu không phải là các cô giáo, thầy giáo đáng kính của chúng ta! Chính vào lúc này, tôi lại nhớ đến Đại, nhớ đến công việc mà Đại đã làm và đang làm, nhớ đến sự nghiệp giáo dục mà chúng tôi đã gắn bó, nhớ đến những niềm vui và nỗi buồn của người làm nghề dạy học trong nỗi suy tư nghề nghiệp. Quả là Đại đúng: các cô giáo, thầy giáo chỉ có thể thực hiện được sứ mệnh cao quý của mình khi vượt ra khỏi cái thực trạng “làm giáo dục bằng kinh nghiệm, bằng thói quen, bằng mò mẫm, thậm chí không loại trừ bằng lợi ích của một nhóm người mà không xây dựng cho mình một nền tảng lý luận để phát triển giáo dục. Vì không có lý thuyết nên không có cách làm thực tiễn phù hợp với lý thuyết đó. Và do đó, không biết phải bắt đầu từ đâu, thực hiện điều đó như thế nào”.
Sòng phẳng và rành rẽ, Đại giải thích: “Nếu bậc học tiểu học là cơ hội cuối cùng để duy trì, gìn giữ bản sắc dân tộc thì ở bậc đại học lại là cơ hội đầu tiên để hòa nhập, hội nhập quốc tế. Một chương trình tiểu học không cần phải giống nước nào và cũng không cần nơi nào công nhận thì ngược lại, chương trình đại học phải là chương trình quốc tế và bằng cấp phải được thế giới thừa nhận. Một bằng tốt nghiệp đại học chỉ dùng ở “tiêu thụ nội địa” là một bằng đại học “trâu ta ăn cỏ đồng ta”, chỉ có sức để kéo cày chìa vôi thôi”.
Ấy vậy mà, có một sự thật đắng cay: cái cày chìa vôi có từ thời nhà Lý cách đây gần một nghìn năm vẫn còn hữu dụng trên các cánh đồng của thời nông thôn, nông nghiệp Việt Nam đang trên con đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa, đặc biệt là trên các thửa ruộng bậc thang vùng núi đá ở Hà Giang và nhiều tỉnh miền núi phía Bắc! Nhưng không thể đem cái cày chìa vôi ấy vào trong tư duy về nguyên lý giáo dục của thời đại của nền văn minh trí tuệ. Khi mà con người bắt đầu thổi hồn vào những vật vô tri vô giác gồm những thanh nhỏ của trí tuệ, liên kết chúng lại thành một sân chơi toàn cầu và nối kết trí tuệ của họ thành một hệ thống, thì cái gì sẽ xảy ra? Đây là sự kiện lớn nhất, phức tạp nhất và kỳ lạ nhất trên trái đất.
Với việc đan dệt những sợi dây trí tuệ từ kính và sóng radio, loài người bắt đầu nối kết tất cả các khu vực, tất cả các quá trình, tất cả các khái niệm thành một hệ thống khổng lồ. Từ nền tảng mạng lưới trí tuệ phôi thai đó ra đời một nền tảng hợp tác mới cho nền văn minh mới đòi hỏi một nguyên lý giáo dục mới. Điều quan trọng nhất cần suy nghĩ là sự quá độ sang nền văn minh trí tuệ trên cơ sở công nghệ thông tin có một ý nghĩa sâu sắc về mối quan hệ biện chứng giữa xã hội loài người và giới tự nhiên cũng như mối quan hệ giữa con người với con người, tức là mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội. Và chỉ có thể hiểu được ý nghĩa sâu sắc về quan hệ biện chứng đó khi khẳng định vai trò của con người, nhân tố quyết định của mọi thành tựu. Chính ở đây cần làm nổi rõ lên vai trò quyết định của giáo dục-đào tạo và sứ mệnh cao cả của người thầy giáo.
Xã hội công bằng, dân chủ và văn minh mà chúng ta đang hướng tới, sự công bằng trước hết và quan trọng nhất là công bằng về cơ hội để chiếm lĩnh được tri thức. Hiện nay, khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng doãng ra, sự phân tầng xã hội ngày càng rõ, là một khía cạnh của động lực thúc đẩy kinh tế theo quy luật nghiệt ngã của phát triển. Nhưng điều ấy lại đang là một thực tế bức xúc. Phải vượt qua thực tế nghiệt ngã này bằng sự tỉnh táo và nghiêm cẩn. Những nóng vội, duy ý chí muốn đốt cháy giai đoạn để rồi phải trả giá quá đắt, vẫn còn là bài học nóng hổi: chủ nghĩa bình quân chỉ có thể chia đều sự nghèo khổ chứ không thể chia đều cho người nghèo sự giàu sang.
Nhưng cùng với sự xác lập quan điểm đó, lại phải thấy rằng, một trong những bất bình đẳng xã hội sâu xa nhất, tệ hại nhất phải kiên quyết phấn đấu để giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ dần, đó là sự bất bình đẳng về cơ hội thăng tiến của bất cứ ai trong xã hội mong muốn, và có ý chí vươn lên. Đất nước ta vẫn đang là một nước nghèo, mức sống của đại bộ phận cư dân vẫn còn quá vất vả. Tước bỏ của con em nhà nghèo việc học, chính là xóa bỏ hoặc làm thui chột khát vọng và ý chí vươn lên đó, cũng tức là tước bỏ cơ hội thăng tiến xã hội của đông đảo con em dân nghèo trong xã hội.
Khi tước mất cơ hội ngồi vào ghế đại học của các thanh niên nông dân đã vượt qua được ngưỡng phổ thông thì điều đó sẽ là gì nếu không phải là làm thui chột và triệt tiêu sức bật vốn tiềm ẩn ở chính cái nôi của văn hóa dân tộc? Mà xem ra, tiềm năng và khát vọng chiếm lĩnh tri thức từ học vấn được hấp thu trong bậc học phổ thông được nuôi dưỡng trong những mái tranh nghèo của làng quê lam lũ dường như mãnh liệt hơn hoặc ít ra cũng không kém trong những căn biệt thự tiện nghi, và dứt khoát là hơn hẳn những chàng trai, cô gái trong trang phục sành điệu đang ăn sống nuốt tươi những cặn bã của văn minh chưa kịp tiêu hóa.
Chúng ta đang chứng kiến sự bất công xã hội nặng nề trong lĩnh vực này mặc dầu những cố gắng của ngành giáo dục và đào tạo, của Nhà nước và xã hội là rất đáng trân trọng, song e vẫn còn cách khá xa những đòi hỏi của phát triển. Tuy nhiên, thành bại của sự nghiệp giáo dục và đào tạo không chỉ do nó mà còn do hệ thống lớn hơn mà giáo dục và đào tạo chỉ là một hệ thống nhỏ nằm trong đó. Chẳng hạn như, tạo ra sự bình đẳng về cơ hội thăng tiến để cho những ai có ý chí vươn lên đều có thể thực hiện thì không thể chỉ là công việc của hệ thống giáo dục và đào tạo mà là tùy thuộc vào trình độ kinh tế và cách phân phối lợi ích trong xã hội nhằm bảo đảm sự công bằng trong cống hiến và hưởng thụ, trong đó hàm chứa cả sự ưu tiên dồn góp cho những tài năng nổi trội có điều kiện phát triển.
Một tiền đề không thể thiếu là những thể chế bảo đảm được quyền tự do dân chủ cơ bản cho mọi công dân và mỗi cá nhân, tạo được môi trường cởi mở cho sự trao đổi, tuyển lựa; một không gian đủ rộng cho hoạt động của mỗi cá nhân, trước hết là hoạt động của tư duy. Đó chính là cái điều mà bạn tôi bỗ bã đòi hỏi: “Cái cần “nổi loạn” nhất là sự nổi loạn của tư duy thì lại trì trệ, lại không dám, chỉ biết cam chịu”. Xin ai đó an tâm về thuật ngữ “nổi loạn” của Hồ Ngọc Đại. Đó là một thuật ngữ mà nhà triết học Hêghen dùng để nói về biện chứng của sự phát triển mà Ph.Ăngghen mượn để khẳng định rằng “mỗi bước tiến mới sẽ tất yếu biểu hiện ra như là một sự xúc phạm tới cái thiêng liêng, là một sự nổi loạn chống lại trạng thái cũ, đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hóa”.
Rút cục thì đó là đổi mới tư duy của mỗi con người trong thời đại mà mỗi cá nhân đối diện với thách đố của thời đại, và thời đại đứng trước những thách đố của mỗi cá nhân. Những cá nhân đó bao gồm các cháu bé của tôi bên ánh lửa đốt lên để xua tan buốt giá của sương muối bên đèo đoạn dốc Mèo Vạc–Đồng Văn, hay chú bé vùng Đất Mũi, nơi “ngón chân cái của Tổ quốc chưa khô bùn vạn dặm” kia, rồi những cô giáo và thầy giáo kính yêu của các cháu. Tư duy họ đổi mới nhờ được khởi động bằng đầu óc và bản lĩnh của những người dám suy nghĩ và dám hành động như những Hồ Ngọc Đại và những đồng nghiệp, chiến hữu của anh đang dấn thân trong ngành giáo dục và đào tạo. Trong họ đang nhen nhúm, ấp ủ để rồi thổi bùng lên ngọn lửa trí tuệ của thời đại. Không xa xôi gì lắm đâu, đó là ánh lửa các cháu bé đốt lên để sưởi ấm bên dưới Cổng Trời ở Hà Giang mà tôi từng ngồi sát vào để được xua bớt đi cùng các cháu cái giá lạnh của sương muối vào buổi hoàng hôn buốt giá. Đó là ánh lửa của ngọn đèn le lói dưới thung lũng mờ sương có dòng sông Nho Quế uốn lượn, ánh đèn của cô giáo dưới xuôi lên dạy các cháu. Đó là ánh lửa trong tim những Hồ Ngọc Đại và đồng nghiệp của anh đang giục giã những đổi mới trong sự nghiệp giáo dục-đào tạo nhằm đáp ứng những đòi hỏi phát triển của đất nước. Ánh lửa trí tuệ.
Ngọn lửa mà người bạn đáng kính đã quá cố, giáo sư Cao Xuân Hạo, đòi hỏi khi anh cố đính chính lại cách dịch mấy câu thơ của Nadim Hítmét:
Nếu tôi không cháy lên
Nếu anh không cháy lên
Thì làm sao
Bóng tối
Có thể trở thành
Ánh sáng?
TƯƠNG LAI
.
.
CẢM NHẬN VÀ GHI CHÉP NHÂN NGÀY 20 THÁNG 11
Ánh lửa của trí tuệ (Kỳ 2)
Thứ Năm, 20/11/2008, 07:50 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
- Biểu dương 36 cá nhân, tập thể đạt danh hiệu “Gia đình hiếu học và học hành thành đạt”
- Năm học 2010-2011, học sinh lớp 3 phải học môn ngoại ngữ bắt buộc
- Tuyên dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân đạt thành tích xuất sắc năm học 2007-2008
- Hoạt động nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11
- Ánh lửa của trí tuệ (Kỳ 1)
- Lãnh đạo thành phố thăm và chúc mừng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam
.
.
.
.
.