.

Học tiếng Anh ở trường phổ thông: Chưa đạt yêu cầu

.

Những năm qua, môn ngoại ngữ giảng dạy tại nhiều trường phổ thông chủ yếu là tiếng Anh. Điều đáng quan tâm hiện nay là hoạt động dạy và học môn học này ở nhiều trường vẫn còn nặng về lý thuyết, học sinh học để lấy điểm, còn các kỹ năng thực hành vẫn còn nhiều hạn chế.

Học sinh Đà Nẵng học tiếng Anh sớm

Dù được học tiếng Anh bài bản từ lớp 6 đến lớp 12, nhưng hiện nay, năng lực sử dụng kiến thức tiếng Anh của nhiều học sinh THPT vẫn còn hạn chế.

Ngoài chương trình dạy học môn tiếng Anh bắt buộc cho học sinh THCS, THPT theo quy định của Bộ Giáo dục-Đào tạo, thời gian qua, ngành Giáo dục-Đào tạo thành phố Đà Nẵng triển khai thí điểm dạy học chương trình tiếng Anh tự chọn (Let’s Learn English) và tiếng Anh tăng cường (Let’s go) cho học sinh bậc tiểu học từ lớp 3 đến lớp 5. Đến nay, đã có 100% trường tiểu học trên địa bàn thành phố dạy chương trình tiếng Anh cho học sinh, trong đó, có 10 trường dạy chương trình tiếng Anh tăng cường. Nếu so với nhiều địa phương khác trên cả nước, học sinh ở Đà Nẵng có điều kiện tiếp xúc với ngoại ngữ tương đối sớm.

Theo bà Trịnh Thị Phương Hiền, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục-Đào tạo nhận xét, chương trình thí điểm môn tiếng Anh ở cấp tiểu học đem lại hiệu quả rất tốt. Đây là cơ sở nền tảng cho học sinh tiểu học làm quen với ngoại ngữ để sau này lên cấp THCS các em tiếp tục phát triển khả năng ngoại ngữ của mình. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các trường tiểu học hiện nay là mức thu học phí thấp, cụ thể: tiếng Anh tăng cường: 50.000 đồng/học sinh/tháng; tự chọn: 3 nghìn đồng/học sinh/tháng. Trong khi đó, giáo viên dạy môn tiếng Anh ở các trường chủ yếu là hợp đồng, vì thế, tiền học phí không đủ chi trả lương cho giáo viên,  nhà trường không đủ mua sắm thiết bị dạy-học.

Học để lấy điểm

Ở bậc THCS, học sinh học tiếng Anh 4 năm. Theo phân phối chương trình ở cấp học này, học sinh sẽ được rèn luyện 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết làm nền tảng nâng cao khả năng ngoại ngữ của mình ở cấp THPT. Theo thầy Phạm Phú Quang, tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Liên Chiểu) cho biết, học hết chương trình lớp 6, lớp 7, học sinh mới chỉ giới thiệu được về bản thân, mô tả các vật dụng...

Đến chương trình lớp 8, lớp 9, học sinh được học ngữ pháp, làm bài tập  nhiều. Hay nói cách khác, sau khi học xong chương trình tiếng Anh THCS, học sinh sẽ có trình độ tương đương chứng chỉ B. Nghĩa là, các em đủ khả năng nghe, nói, đọc, viết ở mức độ vừa phải. Tuy nhiên, trong thực tế, số lượng học sinh này còn hạn chế. Cụ thể, nhà trường hiện có 303 học sinh lớp 8 và 276 học sinh lớp 9, nhưng chỉ có khoảng hơn 20 học sinh có thể nghe, nói, đọc, viết ở mức độ tạm được.

Mặc dù đã được học trong nhiều năm, nhưng hiện nay, có rất nhiều học sinh lớp 12 vẫn không thể nghe, đọc, viết được các văn bản tiếng Anh hay nói những câu thông dụng; trong khi điểm số học tập môn tiếng Anh nhiều em lại đạt yêu cầu. Nói về kết quả học tập môn tiếng Anh của mình, H., học sinh Trường THPT Ngô Quyền cho biết, từ năm lớp 10 đến nay, học kỳ nào em cũng đạt trên trung bình. Thế nhưng, khi chúng tôi hỏi em có thể sử dụng kiến thức tiếng Anh đã học để nói chuyện không, thì H. lắc đầu...
 
Nói về chất lượng dạy và học môn tiếng Anh, ông Nguyễn Thanh Phương, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền cho biết, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2007-2008, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp môn tiếng Anh của nhà trường xếp thứ 5 toàn thành phố. Tuy vậy, ông Phương cũng chỉ dám khẳng định rằng, trong số 1.750 học sinh của nhà trường năm học 2008-2009, cũng chỉ có khoảng 15% học sinh có thể nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh ở mức độ tạm được. “Trong thời gian đến, Ban giám hiệu nhà trường sẽ yêu cầu giáo viên ngoại ngữ tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học, trong đó, chú trọng đến khả năng thực hành của học sinh”, ông Phương nhấn mạnh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Hoa, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo cho biết: Để khuyến khích, nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông, trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2009-2010, ngoài hai môn thi chính là ngữ văn và toán, Sở Giáo dục-Đào tạo sẽ tổ chức thi thêm môn ngoại ngữ để lấy điểm khuyến khích cộng vào điểm xét tuyển của học sinh.

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.