(ĐNĐT) - Bằng cách này hay cách khác, phong trào Gia đình hiếu học và học hành thành đạt đã có tác dụng khuyến khích, động viên mọi người ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, học tập suốt đời.
UBND thành phố tắng bằng khen cho đại diện các gia đình hiếu học. |
Bây giờ, khi bốn đứa con đã học hành đỗ đạt, có công ăn việc làm ổn định, gánh nặng cơm áo cũng không còn là nỗi ám ảnh như trước, chị Đinh Thị Sửu (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) vẫn nhớ như in những ngày tháng khốn khó của cả gia đình. Cuộc hôn nhân tan vỡ sau 16 năm chung sống, chị Sửu nhận nuôi cả 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Vừa động viên, giúp các con vượt qua sự khủng hoảng tâm lý, vừa phải quần quật làm thêm để đảm bảo cuộc sống của cả 5 mẹ con.
Đều đặn trong nhiều năm liền, cứ 4 giờ sáng, cái “tổ hợp sản xuất” của mẹ con chị Sửu bắt đầu khởi động. Mẹ trằn lưng xay đậu, các con phụ giúp vắt đậu, nấu sữa, làm sao cho đến 6h30 là phải bán xong hơn ba chục lít sữa đậu nành, để mẹ đi dạy, con đi học. Tối đến, con học bài, mẹ lại xoay sang buôn bán hàng khô mực, chăm lo lợn gà…
Nhưng rồi các con mỗi ngày một lớn, cùng với “sự kiện” đứa con đầu đỗ vào đại học, những thứ phải trang trải trong sinh hoạt, học tập càng nhiều hơn, chị Sửu chuyển hướng sang nuôi chim cút. “Nhờ chị Hòa hàng xóm cho mượn sổ nghiệp chủ nhà thế chấp ngân hàng vay 3 triệu đồng, tôi mới có vốn để “khởi nghiệp”. Học phí học kỳ I năm thứ nhất của con cũng phải nhờ đến học bổng của Hội khuyến học mới có tiền mà đóng”. Chị xin dạy hợp đồng ở các trường ngoài, con đi làm gia sư phụ giúp mẹ tiền mua sách vở, tài liệu…
Đến giờ, cả 4 đứa con của chị Sửu đều tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định. Chị Sửu tâm sự: “Một nách 4 đứa con dại, cơm ăn, áo mặc cho các con cũng là một thách thức lớn nhưng tôi vẫn quyết tâm nuôi các cháu học hành đến nơi đến chốn. Mình là giáo viên, muốn khơi dậy sự ham học của học sinh thì trước hết, gia đình mình phải là một gia đình hiếu học. Có như vậy thì những lời mình khuyên nhủ, dạy bảo trước học sinh mới đủ sức thuyết phục”.
Gia đình anh Trần Phước Nam (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) đã phải lăn lộn với đủ mọi công việc để tần tảo nuôi 6 đứa con ăn học: chồng lái xe thuê, nhận làm tất cả các công việc nặng nhọc khác, vợ thức khuya dậy sớm với việc buôn gánh bán bưng, luôn bám các chuyến xe lên miền núi để trao đổi hàng hóa… Với những đồng tiền chắt chiu từ trong khó nhọc, vất vả của hai vợ chồng anh Nam, 4 đứa con đầu sau khi tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định, đã trở lại phụ giúp cha mẹ nuôi hai em sau ăn học, cùng tốt nghiệp đại học.
Nhiều gia đình nghèo thấm thía nỗi đau “thiếu chữ”, quyết tâm không để cho con cái thất học, đã dồn hết sức, tạo điều kiện thuận lợi cho con ăn học.
Anh Đinh Công Mai (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) đã phải bán căn nhà đang ở lấy tiền gửi ngân hàng, dùng tiền lãi hàng tháng nuôi 3 đứa con tốt nghiệp đại học. Hay như gia đình ông Đặng Văn Phước (Hòa An, quận Cẩm Lệ), thu nhập của một hộ thuần nông dù ít ỏi nhưng vẫn chắt chiu nuôi con ăn học, để rồi 6 người con đều tốt nghiệp cử nhân, kỹ sư, bác sĩ…, trong đó có một thạc sĩ.
Đến nay, sau 5 năm phát động, thành phố Đà Nẵng đã có hơn 19.000 gia đình được công nhận là gia đình hiếu học, chiếm 12% so với tổng số hộ dân toàn thành phố. Như tộc Phan Bảo An có đến 100 hộ đăng ký và đã có 60 hộ đạt danh hiệu gia đình hiếu học. Tổ 43 phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà) có 40/65 hộ được công nhận. Nhiều địa phương đã tổ chức các CLB Gia đình hiếu học để trao đổi kinh nghiệm nuôi dạy con cái, giúp nhau “học tốt, làm tốt, sống tốt”.
Không dừng lại ở đó, đã có 6 tổ chức và cá nhân của CLB Gia đình hiếu học phường Thanh Bình (Quận Hải Châu) nhận bảo trợ dài hạn cho học sinh mồ côi nghèo với mức 600.000 đồng/tháng. Các mô hình “hiếu học và học hành thành đạt” được nhân rộng, có tác dụng rất lớn trong việc hình thành xã hội học tập. Dù hoàn cảnh, điều kiện kinh tế có khác nhau nhưng các gia đình được công nhận là “gia đình hiếu học và học hành thành đạt” đều ý thức được rằng “học hành như chèo thuyền ngược nước, không tiến ắt sẽ lùi”; con cái luôn được giáo dục, rèn luyện, nuôi dưỡng tinh thần ham học, khơi gợi niềm ham mê sáng tạo…
Hiền Lương