Như con ong cần mẫn rót mật cho đời. Ngày ngày, những thầy, cô giáo đã không ngại khó khăn, vất vả trong cuộc sống để truyền đạt kiến thức, ánh sáng văn hóa cho bao thế hệ học trò. Với họ, phần thưởng lớn nhất là khi nhìn thấy học trò của mình ngày một trưởng thành và sống có ích cho xã hội.
Giáo viên Trường tiểu học Trần Bình Trọng (quận Liên Chiểu) hướng dẫn các em làm bài tập. |
Thầy Kha kể, sau khi tốt nghiệp ngành âm nhạc Trường trung cấp Văn hóa-nghệ thuật Đà Nẵng, thầy về nhận công tác tại Trường tiểu học xã Hòa Bắc. 7 năm công tác, đôi chân thầy đã đi hết mọi ngõ ngách của vùng quê này. Mùa mưa lũ, dạy ở các điểm trường lẻ: Tà Lang, Giàn Bí, không ít lần thầy và đồng nghiệp xắn quần lội suối để đến với học sinh. Những hôm mưa lũ ùn ùn kéo về bất ngờ, không về chỗ trọ được, thầy phải tá túc nhà dân ở Tà Lang để ngày mai dạy tiếp.
Mỗi tuần về quê một lần, đường xa xôi cách trở, chuyện hư hỏng xe phải dắt bộ giữa đường rừng xảy ra như cơm bữa. “Thật tình, đôi lúc cũng nản chí do điều kiện cuộc sống ở đây còn quá khó khăn, không ít lần tôi có ý định bỏ nghề hoặc chuyển công tác. Nhưng mỗi lần bắt gặp đôi mắt trẻ thơ ngời sáng trong giờ học, tôi lại thấy không thể xa rời các em được” - thầy Kha tâm sự.
Đến nay, thầy Thái Quang Huy (phường Phước Ninh, quận Hải Châu) cũng đã có gần 10 năm công tác tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương, xã Hòa Bắc. Gần 10 năm công tác tại đây, bất kể mưa hay nắng, sáng nào thầy Huy cũng phải thức dậy từ 4 giờ 30, vượt gần 40km để mang cái chữ lên cho các em học sinh ở xã Hòa Bắc. Những hôm trời mưa gió, nước ngập tuyến đường đồng Hòa Liên, thầy chạy xe cắt đường đi vòng sang xã Hòa Sơn để kịp giờ lên lớp. Mặc dù khó khăn là vậy, nhưng thầy Huy luôn yêu nghề, gắn bó với các em học sinh nơi đây.
Những năm trước, khi nhắc đến làng Vân, thôn Hòa Vân, phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu), nơi những bệnh nhân phong điều trị và sinh sống, nhiều người ngại đến đây vì sợ bệnh tật... Thế nhưng, cô giáo Hà Thị Thu Oanh đã xung phong ra dạy ở Hòa Vân. Hơn 10 năm qua, hằng ngày cô băng rừng đi bộ gần 10km để mang ánh sáng văn hóa đến cho các em học sinh nơi đây. Cơ sở vật chất của điểm trường lẻ thôn Hòa Vân thiếu thốn trăm bề, giáo viên phải dạy lớp ghép 2, 3 trình độ, phải soạn nhiều giáo án giảng dạy cùng một lúc... Vậy mà, chưa một lần cô cảm thấy nản lòng với học sinh.
Cùng suy nghĩ như cô Oanh, mặc dù đã nghỉ hưu, suốt 2 năm nay, cô Nguyễn Thị Quảng, giáo viên Trường tiểu học Hải Vân đã tình nguyện ra dạy tiếng Anh cho học sinh làng Vân. Mỗi tuần 2 buổi, cô Quảng đi bộ cắt đường rừng Hải Vân để đến lớp. Ông Trần Hữu Đức, Trưởng thôn Hòa Vân cho biết, bà con ở đây quý các cô lắm. Cứ mỗi lần đến Ngày Nhà giáo Việt Nam, các em học sinh và phụ huynh đua nhau bứt hoa rừng, hái trái cây... làm quà tặng cô giáo, thể hiện sự tri ân những người đã không quản ngại khó khăn, mang ánh sáng văn hóa đến cho các em.
Ai cũng biết, khi đã chọn nghề giáo thì cũng đồng nghĩa đã chọn cho mình cuộc sống thanh bạch, giản dị, không giàu có; dẫu vậy, hằng năm vẫn có biết bao thế hệ trẻ đã lựa chọn nghề giáo. Ông Nguyễn Tấn Lưu, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức thành phố Đà Nẵng cho rằng: Ở bất cứ thời nào, nghề giáo cũng được xã hội xem trọng, vì “sản phẩm” mà họ tạo ra cho xã hội là con người.
Vì thế, nhà giáo cần phải có tư cách, đạo đức tốt và cái tâm trong sáng, để giáo dục thế hệ trẻ “vừa hồng vừa chuyên”. “Để những thầy, cô giáo có điều kiện tiếp tục cống hiến hết sức mình cho xã hội, mong sao, trong thời gian đến, Nhà nước cần tiếp tục có chính sách, chế độ phù hợp hơn nữa” - ông Lưu nói.
|
Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN