Năm 1996, Bộ Giáo dục-Đào tạo đưa tiếng Anh vào dạy thí điểm ở bậc tiểu học từ lớp 3 đến lớp 5. Đây là môn tự chọn, nên các trường, địa phương không bắt buộc phải chọn chương trình, không tổ chức đánh giá hiệu quả của việc dạy và học.
| |
Một giờ dạy tiếng Anh tại Trường tiểu học Tiểu La (quận Sơn Trà). |
|
Năm học 2004-2005, sau một thời gian tham quan, khảo sát tại một số thành phố lớn, đồng thời nhằm nâng cao chất lượng môn tiếng Anh bậc tiểu học, Sở Giáo dục-Đào tạo Đà Nẵng đã đưa vào thí điểm chương trình tiếng Anh tăng cường tại một số trường như Hoàng Văn Thụ, Phan Thanh (quận Hải Châu); Hòa An (quận Cẩm Lệ); Lê Lai, Hoàng Diệu (quận Ngũ Hành Sơn); Ngô Gia Tự (quận Sơn Trà)... Mỗi tuần, học sinh được học 6 tiết. Chương trình đòi hỏi có sự đầu tư về phương tiện như:
sách giáo khoa (sách Let’s go), hệ thống nghe, nhìn... cũng như giáo viên giảng dạy. Để thực hiện chương trình, các trường huy động kinh phí từ phụ huynh học sinh. Bà Trịnh Thị Phương Hiền, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục-Đào tạo thành phố cho biết: Năm học đầu tiên (2004-2005) đưa vào thực hiện thí điểm theo phương thức xã hội hóa, có sự cam kết giữa nhà trường và gia đình nên việc thực hiện chương trình khá thuận lợi.
Tuy nhiên, do tiếng Anh chưa phải là môn học bắt buộc nên chưa có cơ chế tuyển giáo viên biên chế. Các trường tự thuê giáo viên để đứng lớp. Kéo theo đó, học phí cho môn học này khá cao, từ 20 đến 50 nghìn đồng một tháng tùy theo từng trường, chưa kể đến đầu tư kinh phí vào đầu mỗi năm học. Những giáo viên được dạy môn tiếng Anh tăng cường đều có trình độ cao đẳng, đại học, có nghiệp vụ và kỹ năng sư phạm. Những năm đầu thực hiện, đã có 18 trường dạy thí điểm trong tổng số 101 trường tiểu học của thành phố.
Do mức học phí cao, không thống nhất giữa các trường nên đã có nhiều ý kiến khác nhau. Sau khi khảo sát, Sở Tài chính đã có ý kiến chung quanh vấn đề học phí, nên hiện nay nhiều trường phải ngừng dạy chương trình này vì không có kinh phí hoạt động. Năm học 2008-2009, thành phố chỉ còn 10 trường duy trì dạy tiếng Anh tăng cường. Kinh phí các trường tự xoay xở, không phụ thuộc vào phụ huynh học sinh nhằm “không bỏ phí” những lớp đã đầu tư trước đó.
Được biết, sau khi chương trình ngưng dạy, nhiều phụ huynh học sinh đã không đồng tình; họ cho rằng, dù học phí cao nhưng chất lượng dạy được bảo đảm. Đa số con em họ khi học chương trình này có thể “bập bẹ” giao tiếp tiếng Anh...
Để việc học tiếng Anh nói riêng, ngoại ngữ nói chung có chất lượng hơn, ngày 30-9-2008, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định về việc phê duyệt đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”. Theo đó, bắt đầu từ năm học 2010-2011, triển khai dạy ngoại ngữ theo chương trình mới bắt buộc cho khoảng 20% số lượng học sinh lớp 3 và mở dần quy mô để đạt khoảng 70% vào năm học 2015-2016 và đạt 100% vào năm học 2018-2019… Với chương trình này, hy vọng trong tương lai, môn tiếng Anh nói riêng, ngoại ngữ nói chung ở bậc tiểu học sẽ được chuyên sâu, tạo nền móng cho các cấp học tiếp theo... |
Chị Nguyễn Thị N, trú phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu), phụ huynh một học sinh lớp 5, Trường tiểu học Phan Thanh tâm sự: Nộp mỗi tháng 40 đến 50 nghìn đồng cho một môn học đối với bậc tiểu học thì hơi cao nhưng so với các trung tâm ngoại ngữ thì còn thấp hơn nhiều. Hơn thế nữa, học tiếng Anh tăng cường ở trường rất tiện và hiệu quả; mỗi tuần được nhà trường phân học 6 tiết, bảo đảm chất lượng, được thầy cô quan tâm, trong khi học ở trung tâm ngoại ngữ thì mỗi tuần chỉ có 3 tiết lại tốn thời gian chở con đi về, con cái không được nghỉ ngơi, hiệu quả lại không bao nhiêu... Bây giờ nghỉ rồi, tuần nào tôi cũng phải chở con đi học ở trung tâm ngoại ngữ, thật không tiện chút nào, nhất là trời mưa gió.
Ông Lê Văn Lạc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Thanh cho biết, năm học 2004-2005, trường được đưa vào dạy thí điểm chương trình tiếng Anh tăng cường. Tuy nhiên, năm học 2008-2009 trường không dạy nữa vì không được phép thu học phí. Theo ông Lạc, tiếng Anh tăng cường là một chương trình Anh văn hữu hiệu. Nhà trường cũng như phụ huynh đều mong muốn duy trì chương trình này để giúp các em có kiến thức làm nền tảng cho những cấp học tiếp theo...
Một số trường tự xoay xở kinh phí để duy trì những lớp còn dở dang vì không muốn “đổ sông đổ biển” sự đầu tư của những năm trước đó. Trường Nguyễn Như Hạnh, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, sau gần 4 năm dạy tiếng Anh tăng cường, đến nay còn 2 lớp học là lớp 4/1 và 5/1. Tuy nhiên, thầy hiệu trưởng cho biết, sau khi 2 lớp này kết thúc thì trường cũng giã biệt chương trình luôn. Quả thật, phụ huynh và nhà trường thấy tiếc cho chương trình khá hữu hiệu này...
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ