Trường THPT Phạm Phú Thứ thành lập năm 2001, nằm trên địa bàn xã Hòa Sơn, tiếp nhận và tuyển sinh ở 5 xã miền núi và trung du huyện Hòa Vang. Học sinh nằm trong diện ưu tiên và tuyển thẳng nhiều, điểm đầu vào lớp 10 luôn thấp hơn so với các trường THPT khác trong thành phố. Mặc dầu vậy, 7 năm qua, nhà trường đã đạt nhiều thành tích trong giảng dạy và học tập.
Học sinh lớp 10 Trường THPT Phạm Phú Thứ năm học 2008 - 2009 có chất lượng đầu vào cao hơn các năm trước. |
Năm học này bắt đầu thực hiện phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, nhà trường giao cho mỗi thầy, cô giáo giảng dạy có trọng tâm, trọng điểm, học sinh yếu hiểu được bài và cùng tham gia trao đổi bài trong giờ học, không nghe giảng thụ động. Thầy Hiệu trưởng Phan Khôi cho biết, tất cả giáo viên và đại diện học sinh của 31 lớp đã ký cam kết thực hiện phát vấn hai chiều trong quá trình dạy và học.
Do trình độ đầu vào thấp lại không đồng đều, Ban Giám hiệu giao cho giáo viên phân chia học sinh ra nhiều nhóm đối tượng và tổ chức chương trình phụ đạo phù hợp với từng nhóm, vừa bồi dưỡng học sinh giỏi, vừa tổ chức những lớp dạy kèm học sinh yếu kém. Nhà trường duy trì thường xuyên các phong trào “Đôi bạn học tập”, “Thi đua vượt khó học tốt”…, chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, nếp sống cho học sinh; mỗi học sinh cam kết chấp hành nghiêm chỉnh nội quy của nhà trường.
Với đặc thù là trường THPT có học sinh dân tộc nội trú, mỗi năm từ 60-90 em dân tộc Cơtu ở hai xã Hòa Bắc và Hòa Phú, nhà trường và các tổ chức Đoàn, Hội luôn hướng dẫn, tạo điều kiện cho các em sống hòa đồng với bạn bè người Kinh, cùng đoàn kết phấn đấu, giúp đỡ nhau trong học tập, chủ động ngăn ngừa những biểu hiện tự ti, mặc cảm…
Từ những nỗ lực đó, kết quả học tập của học sinh Trường THPT Phạm Phú Thứ trong những năm qua không ngừng nâng cao; tỷ lệ học sinh khá-giỏi, học sinh đoạt giải thành phố và thi đỗ đại học mỗi năm mỗi tăng lên. Cụ thể như năm học 2007-2008, số học sinh giỏi tăng 0,2%, khá tăng 7,1% và học sinh yếu kém giảm 13,7% so với năm học trước.
Hồi mới thành lập, nhà trường chưa có “chỗ đứng” trong “làng” học sinh giỏi thành phố, nhưng những năm gần đây đã có nhiều học sinh đoạt giải. Tiêu biểu như năm học 2007-2008, trường có 2 em đoạt giải nhất và 10 em đoạt giải nhì, ba, khuyến khích tại các kỳ thi học sinh giỏi toàn thành phố; học sinh đỗ đại học, cao đẳng đạt 24,3%, có những học sinh như Phạm Quang Vũ, Nguyễn Nhật Trường, Lê Tấn Quý… trúng tuyển ở hai trường.
Năm nay, em Nguyễn Thị Như Quỳnh thi tuyển vào trường đạt 56,5 điểm, đã được Ban Giám hiệu khen thưởng ngay tại buổi lễ khai giảng. Còn em Lê Thị Thùy Ngân, một học sinh xuất sắc toàn diện, đang học lớp 11/1 đã nói: Được vinh dự ngồi dưới mái trường mang tên nhà chí sĩ Phạm Phú Thứ, em nguyện ra sức học tập, rèn luyện để mai sau có đủ kiến thức, trình độ, thiết thực góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.
Trao đổi với chúng tôi, thầy Phan Khôi bày tỏ sự phấn khởi vì nhà trường vừa được UBND thành phố đầu tư xây dựng nhiều công trình mới đáp ứng yêu cầu phục vụ giảng dạy, học tập và sinh hoạt. Tuy vậy, nhà trường cũng muốn đề nghị với lãnh đạo thành phố: Một là, tăng chế độ đối với học sinh dân tộc nội trú, vì hiện tại các em được Bộ Giáo dục và Đào tạo trợ cấp hằng tháng bằng 80% lương tối thiểu, tức khoảng 14.000 đồng/ngày/người, là quá thấp so với thời giá hiện nay, nên chất lượng bữa ăn không bảo đảm.
Hai là, cho cán bộ, giáo viên của trường được hưởng trợ cấp khu vực, hoặc có chế độ khuyến khích để động viên anh chị em hăng say công tác. Ba là, có chính sách luân chuyển giáo viên thâm niên về giảng dạy tại trường, bởi hiện tại nhà trường rất thiếu những giáo viên có nhiều kinh nghiệm.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM