.

“Bám một tay” vào trường học

.

Những khu nhà liền kề, những chung cư cho hộ có thu nhập thấp hoặc trong diện di dời, giải tỏa ra đời đã đáp ứng phần nào nhu cầu có nhà ở cho người dân thành phố. Dân cư phát triển đến đâu, trường học cũng được xây dựng theo đến đấy để bảo đảm thuận lợi cho quá trình học tập của học sinh (HS). Thế nhưng, rất nhiều HS buộc phải rời ghế nhà trường bởi chính cha mẹ các em đã không chú ý đến việc học của con em họ.

Quá hiếm góc học tập tại gia đình

Sự quan tâm hạn chế của cha, mẹ đôi khi khiến nhiều học sinh khu tái định cư phường Nại Hiên Đông " bám một tay " vào trường học.

Đi quanh khu nhà liền kề dành cho những gia đình trước kia ở khu “nhà chồ”, với hàng trăm hộ dân, hiếm gia đình nào có góc học tập cho con cái. Chưa kể là bao thứ âm thanh khiến trẻ khó có thể tập trung học tập: Tiếng tranh cãi từ một chiếu nhậu; trẻ con giành nhau đồ chơi, dàn karaoke mở hết công suất; mỗi nhà mở một loại nhạc... Chị Trần Thị Thu - phụ huynh của em Lê Huỳnh Đức (HS Trường THCS Phạm Ngọc Thạch - Sơn Trà) nói: “Ở đây bọn trẻ con ít học bài buổi tối lắm, toàn là đi chơi rồi về ngủ. Nhà chật như ri, đến chỗ ngủ còn chen chúc nữa thì lấy mô ra chỗ để học”.

100% học sinh của Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đều sinh sống ở khu chung cư dành cho người có thu nhập thấp Nại Hiên Đông và dãy nhà liền kề. Phụ huynh chủ yếu là ngư dân. Làm nghề biển nên thu nhập vì thế mà cũng bấp bênh theo thời tiết với những chuyến đi bạn đầy bất trắc. Trường có 588 HS thì hết 200 em được miễn, giảm các khoản đóng góp vì thuộc diện hộ nghèo. Cô Lê Thị Thơ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết:
 
“Học phí buổi thứ 2 của trường thấp nhất trong toàn quận, chỉ 30.000 đồng/tháng, mà hầu như đều bị thất thu. Nếu cứ để cho HS tự nguyện đăng ký học 2 ngày/buổi thì tôi chắc là sĩ số buổi thứ 2 sẽ giảm rất nhiều. Không dạy 2 buổi thì không bảo đảm được chất lượng bởi phụ huynh hầu như giao khoán việc học của con em cho thầy cô và nhà trường”. Trong buổi họp phụ huynh đầu năm, Ban Giám hiệu nhà trường và cô giáo chủ nhiệm đều khuyến nghị nên có góc học tập ở nhà cho HS, nhưng chẳng có mấy gia đình quan tâm đến điều này.

Không có môi trường học tập tốt, luôn phải sống trong không khí ồn ào, chật hẹp, đến cái bàn học cũng không có, trong khi bước chân ra khỏi cửa nhà là bao nhiêu trò chơi cám dỗ - nhất là đối với những HS có học lực yếu; thêm vào đó, nhiều phụ huynh không quản lý được con em, HS cắp cặp đi học nhưng không vào trường, gia đình cũng không biết. Tâm lý “được chăng hay chớ”, phó mặc chuyện học của con cho nhà trường của phụ huynh đã góp phần làm cho số HS bỏ học tập trung chủ yếu ở khu vực này. Năm học 2007-2008, toàn quận Sơn Trà có 143 học sinh bỏ học, thì có đến 31 em của phường Nại Hiên Đông.

Học sinh “bám một tay” vào trường học

Khó khăn hơn cả cho công tác giáo dục ở những khu tái định cư dành cho hộ thu nhập thấp là việc duy trì sĩ số HS. Cô Phạm Thị Phương Mai - Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Ngọc Thạch nhận xét: “CB - GV nhà trường mất nhiều công sức và thời gian để vận động HS trở lại lớp nhưng rồi hiệu quả không được bao nhiêu cả.

Có một HS nghỉ học, thầy cô giáo vừa phải vận động em đó trở lại lớp, lại vừa phải có biện pháp để hạn chế tình trạng HS nghỉ học lây lan”. Ở Trường THCS Phạm Ngọc Thạch, đã từng có chuyện cô giáo đến nhà vận động HS trở lại lớp lại bị chính HS xô ngã xe vì: “Đã nói nghỉ học rồi mà cô cứ lên xuống hoài, phiền quá”. Ông Vũ Bá Bảo - Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo Sơn Trà kể lại câu chuyện cười ra nước mắt:

“Trong dịp hè năm 2008, quận tổ chức kiểm tra lại để xét tốt nghiệp THCS lần 2 cho 84 em. Đã lường trước tình hình nên Phòng GD&ĐT quán triệt đến từng trường phải thông báo đến địa phương và vận động gia đình HS. Thế nhưng tỷ lệ HS tham gia vẫn rất ít. Thậm chí, có phụ huynh còn nói thẳng: “Mắc chi hồi nớ thầy không cho nó tốt nghiệp luôn đi, giờ phải mất công đi vận động nó thi lại” (!)

Trường THPT Thanh Khê nằm trên địa bàn thuộc diện di dời, giải tỏa và tái định cư, vừa mới đi vào hoạt động được một năm. Vì “đầu vào” thấp nên nhà trường xác định: “Vừa dạy, vừa dỗ, không đòi hỏi cao, không quá căng thẳng với HS, đặc biệt là HS có học lực yếu, kém”. Thế nhưng, theo như ông Nguyễn Xuân Hòa - Hiệu trưởng nhà trường thì, tỷ lệ HS bỏ học nửa chừng vẫn cao với 43 em. Không phải tất cả HS nghỉ học đều do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn.
 
Nhiều gia đình, cha mẹ không quản lý, giáo dục được con, để các em lêu lổng rồi ham chơi hơn ham học chứ không hẳn là do khó khăn về mặt kinh tế. Nhắc đến việc vận động HS bỏ học trở lại trường, cô giáo Đinh Thị Nga (Trường THPT Thanh Khê) chợt chùng xuống: “Thà các em bỏ học vì điều kiện kinh tế quá khó khăn thì giáo viên chủ nhiệm, nhà trường và các đoàn thể xã hội còn có thể chung tay khắc phục được.
 
Đến từng nhà vận động các em đi học trở lại, chỉ nhận được câu trả lời gọn lỏn: “Em không thích đi học”, cô giáo chỉ có nước nhìn học trò mà khóc thôi”. Thậm chí, cán bộ của Phòng GD&ĐT Sơn Trà xuống nhà gặp phụ huynh để tìm hiểu nguyên nhân HS bỏ học, bà mẹ vừa đánh bài vừa đáp trả: “Ủa, rứa hả thầy. Nó vẫn xin tiền đóng học phí bình thường mà thầy”.

Ngoài những yếu tố xuất phát từ “môi trường thân thiện” của trường học như sự nhiệt tình, khả năng truyền thụ kiến thức của giáo viên, phương pháp giảng dạy, cơ sở vật chất… thì thái độ hứng thú học tập của HS còn phụ thuộc vào mức độ quan tâm của phụ huynh. Muốn xã hội hóa giáo dục ở những khu vực này, phải bắt đầu từ xã hội hóa nhận thức trong cộng đồng, để trường học không còn là “ốc đảo”, để công tác giáo dục không chỉ là công việc của riêng nhà trường.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.