Tháng 1 năm 2007, lần đầu tiên Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu đón nhận một giáo viên tình nguyện người Nhật thuộc tổ chức JICA đến hỗ trợ những trẻ em khuyết tật bằng phương pháp vận động sớm, đó là cô giáo Nagasawa Satori.
Đến Việt Nam từ một ký ức tuổi thơ
Satori: “Tôi dành tình thương và sự âu yếm để lấp đầy khoảng trống về ngôn ngữ của mình với các em”. |
Không ngờ rằng, cảm xúc rung động từ những thước phim khi đó sau này đã trở thành động lực để cô thuyết phục gia đình khăn gói đến Việt Nam trong thời gian 2 năm làm tình nguyện viên của JICA. Trước khi đến thành phố Đà Nẵng, Satori đã trải qua 4 năm học đại học tại khoa thể dục, Trường Đại học Chiba, cách thủ đô Tokyo 40 phút đi bằng tàu hỏa. Satori đã trang bị kiến thức tiếng Việt để sớm hòa nhập trong môi trường làm việc mới ở Việt Nam.
Tiếp xúc với những trẻ em bất đồng ngôn ngữ đã khó, đằng này các em lại là những đứa trẻ ngây ngô, chậm phát triển do khuyết tật thiểu não nên khó khăn càng gấp bội. Có những em tự kỷ nên rất khó gần và hầu như không hợp tác khi cô giáo uốn nắn những động tác vận động cơ thể cho các em. Do vậy, những ngày đầu đến với trường, Satori rất khó khăn để có thể truyền đạt những kiến thức mình đã học cho các em. Nhưng cô không nản lòng.
Mỗi ngày Satori đều dành thêm thời gian để vui đùa và tạo ra những trò chơi mới lạ, phù hợp với trẻ tật nguyền hơn là những lý thuyết cô học từ Nhật Bản. Những lúc như vậy, Satori không khác gì một đứa trẻ cùng vui đùa với các bạn. Vì thế, dần dà tình cảm giữa cô và trò gần gũi hơn. Sau gần một học kỳ dạy môn thể dục vận động, giọng nói lơ lớ của cô giáo người Nhật đã quen dần với các em. Cô Lê Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu cho biết, sự có mặt của cô giáo Satori đã mang lại sự hứng khởi cho các em. Chính sự tận tụy, năng nổ của cô đã giúp cho nhiều em hòa nhập tốt với lớp học.
Satori cho biết, sau này cô mới phát hiện ra rằng, chính sự ân cần, âu yếm và gần gũi của người giáo viên là chất xúc tác quan trọng để học sinh khuyết tật hiểu và tiếp thu bài học dễ dàng hơn. Vì vậy mà sau gần 2 năm nỗ lực cùng với những giáo viên đứng lớp tại Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, Satori đã làm thay đổi nhiều đứa trẻ mắc bệnh tự kỷ đang theo học ở trường. Từ chỗ sống khép kín, các em đã biết tham gia vui đùa cùng bạn và cô giáo.
Áo dài và ngày 20-11
Năm 2007, lần đầu tiên Satori được dự lễ tôn vinh các nhà giáo 20-11 cùng các đồng nghiệp người Việt. Satori trầm trồ thú vị vì đó là một ngày thật ý nghĩa và ấm áp, bởi ở Nhật không có ngày này. Ý nghĩa hơn khi trong buổi gặp mặt đó, cô được cô Hiệu trưởng Tuyết Mai tặng món quà là một chiếc áo dài màu huyết dụ. Satori khoe rằng, cô đã mặc chiếc áo dài này đúng vào ngày khai giảng năm học mới 2008-2009 của Trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu và ai cũng khen cô mặc áo dài đẹp, không khác gì một thiếu nữ người Việt.
Gần 2 năm sống và làm việc tại Việt Nam, Satori cảm nhận Việt Nam và Nhật Bản có những nét tương đồng trong cuộc sống. Ở đâu cũng có những đứa trẻ tật nguyền. Sau sự kiện Mỹ thả hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, nước Nhật lại có thêm những đứa trẻ vô tội khi ra đời đã mang trên mình những khiếm khuyết so với người thường.
Chính vì vậy, sự nỗ lực của những tình nguyện viên người Nhật Bản đến các nước để hỗ trợ chăm sóc trẻ tật nguyền xem như là một sự đồng cảm, chia sẻ. Satori cho biết, cô chỉ là một tình nguyện viên nhưng thời gian gắn bó với những đứa trẻ tật nguyền đã cho cô thêm một động lực mới để tiếp tục theo nghề dạy học. Tháng 1 năm 2009, Satori về lại Nhật, trong ánh mắt của người giáo viên tình nguyện này dường như đây mới chỉ là sự khởi đầu trong hành trình gắn bó với trẻ em tật nguyền, không may mắn trong cuộc sống.
Bài và ảnh: VIỆT DŨNG