Những năm qua, bên cạnh việc đào tạo sinh viên đại trà ở các ngành học, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng còn phối hợp với các tổ chức, trường đại học nước ngoài thực hiện chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao. Chương trình này nhằm cung ứng nguồn nhân lực “vừa hồng vừa chuyên” cho thị trường lao động Việt Nam.
Học bằng ngôn ngữ nước ngoài
Một buổi học của lớp kỹ sư chất lượng cao ngành Điện tử-Viễn thông. |
Tiến sĩ Võ Trung Hùng, Trưởng phòng Khoa học-sau đại học-hợp tác quốc tế Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho biết, sinh viên học các lớp này phải có kết quả thi tuyển sinh đạt loại giỏi. Vì chương trình đào tạo kỹ sư của Cộng hòa Pháp gồm 300 tín chỉ/5 năm (Việt Nam 180 tín chỉ/5 năm). Ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Pháp và tiếng Anh. Vì vậy, để theo học lớp này, sinh viên phải có đủ trình độ tiếng Pháp và tiếng Anh. Ưu điểm nổi trội của những lớp học này là khả năng sử dụng ngoại ngữ của sinh viên rất tốt. Sau khi tốt nghiệp, ngoài văn bằng do Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cấp, sinh viên còn được Hiệp hội kỹ sư châu Âu cấp chứng chỉ công nhận kỹ sư đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Ngoài ra, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã phối hợp với hai trường đại học ở Hoa Kỳ là Trường University of Washington đào tạo kỹ sư ngành hệ thống nhúng cho 40 sinh viên và Trường Porland State University đào tạo kỹ sư ngành hệ thống số cho 40 sinh viên.
Ở những lớp học này, sinh viên học theo chương trình đào tạo của Hoa Kỳ và nghe giảng bài bằng tiếng Anh. Cùng với đội ngũ giảng viên Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, các giáo sư ở 2 trường đại học này sang giảng dạy sinh viên ở một số môn học. Nhà trường còn có các lớp đào tạo kỹ sư “Chương trình Pháp ngữ” đối với sinh viên ngành Hóa dầu, Công nghệ thông tin...
Không sợ thất nghiệp
Tiến sĩ Võ Trung Hùng cho biết, nhờ vào khả năng ngoại ngữ tốt, sau khi sinh viên các lớp kỹ sư chất lượng cao tốt nghiệp ra trường đều có việc làm ổn định tại các công ty lớn trên cả nước hoặc được các tổ chức nước ngoài tài trợ học bổng đi du học, tiếp tục học các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở các trường đại học nước ngoài. Cụ thể như trong 82 sinh viên tốt nghiệp 4 khóa đào tạo kỹ sư chất lượng cao ngành Tự động hóa của trường, do Cộng hòa Pháp tài trợ, có hơn 50% sinh viên được nhận học bổng đi học nước ngoài, số còn lại làm việc trong các công ty, cơ quan Nhà nước.
Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Trần Văn Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng nói: Mặc dù nhà trường không đào tạo theo “đơn đặt hàng”, nhưng hằng năm, các công ty, doanh nghiệp... trên cả nước thường gửi thông báo tuyển dụng lao động về trường để tuyển sinh viên vừa tốt nghiệp.
Riêng sinh viên học các lớp kỹ sư chất lượng cao, các công ty, doanh nghiệp thường “săn đón” tận tình để về làm việc cho họ. PGS.TS Trần Văn Nam cũng cho biết thêm, từ hiệu quả của mô hình đào tạo kỹ sư chất lượng cao, nhà trường đã và đang tiến hành nhân rộng mô hình đào tạo này ra các ngành học khác, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên sau khi ra trường dễ dàng có được việc làm. Đồng thời, góp phần cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng cao cho thị trường lao động khu vực miền Trung-Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.
Bài và ảnh: ĐOAN CHI