.
ĐẠI HỌC FPT

Đào tạo nhân lực phần mềm tại miền Trung

.

Đại học FPT được thành lập theo Quyết định 208/2006/QĐ-TTg ngày 8-9-2006 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là mô hình doanh nghiệp đứng ra thành lập trường đại học đầu tiên tại Việt Nam với chương trình đào tạo chuyên ngành công nghệ phần mềm theo chuẩn quốc tế. Dự kiến, thành phố Đà Nẵng là trung tâm đào tạo kỹ sư phần mềm thứ 3 của Đại học (ĐH) FPT từ năm 2009.

Ngoại ngữ đi trước

Giờ học thực hành của sinh viên Đại học FPT.

Trong năm học 2008-2009, ĐH FPT tuyển sinh trên 1.000 sinh viên, nâng tổng số sinh viên của trường lên con số 1.800, đào tạo tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Để trở thành SV của ĐH FPT, thí sinh vừa phải đạt từ điểm sàn trở lên trong kỳ thi đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, đồng thời phải đủ điều kiện tuyển thẳng hoặc trúng tuyển trong kỳ thi tuyển của trường. Kỳ thi tuyển sinh của Trường ĐH FPT gồm 2 môn thi:

Trắc nghiệm toán, tư duy logic và viết bài luận. Đây là 2 môn thi mà theo Hội đồng tuyển sinh của nhà trường sẽ bảo đảm sàng lọc được những thí sinh đủ tố chất để học tập và làm việc trong lĩnh vực CNTT. Với định hướng nghề nghiệp rõ ràng là đào tạo các kỹ sư phần mềm theo tiêu chuẩn quốc tế, chương trình đào tạo của ĐH FPT dựa trên 5 khối kiến thức cơ bản là ngoại ngữ, kiến thức xã hội, chương trình phát triển cá nhân, kiến thức chuyên nghiệp và thực tập định hướng nghề nghiệp.

Trong năm học đầu tiên, SV được đào tạo hai ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Nhật. Từ năm thứ hai, sinh viên được giảng dạy bằng các ngoại ngữ đã học. Theo chương trình đào tạo, SV khi tốt nghiệp ra trường có trình độ tiếng Anh 550 TOEFL, tiếng Nhật trên mức 2,5 kyu. Trong chương trình phát triển cá nhân, ngoài chuyên ngành đào tạo công nghệ phầm mềm, SV được rèn luyện về thể thao, nghiên cứu văn hóa nhiều quốc gia, được giáo dục về trách nhiệm xã hội và cộng đồng, đặc biệt được bồi dưỡng các “kỹ năng mềm” như: giao tiếp, lên kế hoạch, tự làm việc độc lập…
 
Đây là những yếu tố bảo đảm cho SV có thể thích ứng nhanh chóng với sự phát triển khoa học công nghệ như hiện nay. Nội dung khối kiến thức chuyên nghiệp của chương trình kỹ sư CNTT của ĐH FPT được định hướng dựa theo chuẩn quốc tế về quy trình chất lượng là chuẩn ABET và khung chương trình về đào tạo CNTT của ACM (Hiệp hội về đào tạo CNTT và khoa học tính toán trên thế giới, thành lập từ năm 1947).
 
Hiện nay, chương trình của ACM được nhiều trường ĐH lớn trên thế giới áp dụng vào giảng dạy. Ưu điểm lớn nhất của chương trình này là cập nhật công nghệ và có tính thực tiễn. Ngoài ra, chương trình kỹ sư công nghệ phần mềm của ĐH FPT sẽ được cập nhật các công nghệ mới nhất của các Tập đoàn CNTT trên thế giới như: Microsoft, IBM, Oracle, Sun Microsystems,…

Sinh viên có thể làm việc từ năm 3

Ông Huỳnh Tấn Châu, Trưởng ban Tuyển sinh và công tác sinh viên Văn phòng Trường ĐH FPT tại Đà Nẵng cho biết, SV sẽ có nhiều hình thức thực tập khác nhau với mục đích rèn giũa các kỹ năng kỹ thuật thành thạo cũng như làm quen với môi trường làm việc trong ngành công nghiệp phần mềm. Sinh viên có thể trực tiếp tham gia làm dự án và bắt đầu làm việc từ năm học thứ 3 tại các công ty phần mềm FPT (Fsoft)… “Với chương trình đào tạo như vậy, SV ngay khi ra trường có thể đáp ứng nhu cầu của tất cả các nhà tuyển dụng, kể cả các Tập đoàn CNTT hàng đầu trên thế giới”, ông Châu khẳng định.

Để khuyến khích sinh viên học tập, hằng năm, ĐH FPT dành 50 đến 100 suất học bổng để cấp cho các SV xuất sắc. Đây là một điểm khá mới mẻ so với các ĐH tư thục ở nước ta. Ngoài ra, đối với những SV có năng lực và ý chí nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, ĐH FPT có chính sách tín dụng ưu đãi. Những SV đủ điều kiện tham gia chương trình được vay từ 50 - 90% học phí. Số tiền vay này sẽ trừ vào lương trong vòng 3-5 năm kể từ khi tốt nghiệp và có việc làm.

Trong năm 2009, dự kiến ĐH FPT sẽ tuyển sinh đào tạo khoảng 200 sinh viên tại Đà Nẵng và sẽ tăng dần chỉ tiêu tuyển sinh trong những năm tiếp theo với mục tiêu đào tạo nhân lực phần mềm theo chuẩn quốc tế, bổ sung kịp thời vào ngành công nghiệp phần mềm đang thiếu hụt nhân lực trầm trọng tại khu vực miền Trung hiện nay.

Bài và ảnh: VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.