Khi đề cập đến những nhân tố ảnh hưởng, tác động đến việc học tập, rèn luyện, tu dưỡng, phát triển nhân cách của học sinh, chúng ta thường nhắc đến ba nhân tố: Gia đình, nhà trường và xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà môi trường gia đình được nhắc đến đầu tiên.
Có thể khẳng định, trong ba nhân tố kể trên thì gia đình đóng vai trò quyết định, nền tảng, còn nhà trường đóng vai trò then chốt. Nhiều bậc phụ huynh hiện nay, do bận rộn mưu sinh đã phó mặc, bỏ bê con em mình cho nhà trường, thầy cô với câu nói cửa miệng là “Trăm sự nhờ các thầy cô” hay “Trăm sự nhờ nhà trường”. Thậm chí, có người còn cực đoan cho rằng: học sinh khi đã đến trường thì mọi việc tốt, xấu xảy ra đều do nhà trường. Chính suy nghĩ, nhận thức lệch lạc trên đã dẫn đến sự buông lỏng trong việc quản lý, giáo dục con em của một số phụ huynh.
Trong một xã hội, con người được giáo dục dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng hình thức giáo dục sâu sắc nhất, ảnh hưởng nhiều nhất đến nhân cách là giáo dục trong gia đình. Hình thành, xây dựng, bồi đắp nhân cách là chức năng quan trọng nhất của gia đình. Vì mỗi con người đều sinh ra, lớn lên trong một môi trường gia đình cụ thể. Việc giáo dục của gia đình bắt đầu từ lúc sinh ra cho đến cuối đời. Vai trò của cha mẹ, anh chị em, ông bà và những người thân khác trong gia đình đối với giáo dục con em là rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách.
Trong khi thẳng thắn, công khai chỉ ra những bất cập, yếu kém tồn tại bấy lâu nay trong chất lượng giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân cũng đã không ngần ngại chỉ ra chính phụ huynh, gia đình cũng là “tòng phạm”. Trên thực tế, nhiều gia đình giàu có, mua quần áo “mốt’, xe “xịn”, điện thoại di động “sành điệu” cho con, sẵn sàng đáp ứng, chiều theo một cách vô điều kiện những nhu cầu, sở thích của con đã góp phần hình thành thói ăn chơi, đua đòi, quậy phá và vi phạm pháp luật. Bi kịch đã xảy ra cho không ít gia đình khi ban phát vật chất thiếu tính định hướng đối với con thay vì sự quan tâm sát sao, chặt chẽ, tình cảm yêu thương, săn sóc, vỗ về.
Nhiều “mái ấm gia đình” đã trở thành “mái nhà lạnh lẽo” khi cha mẹ không quan tâm đến việc giáo dục con cái. Việc thiếu thốn tình cảm, thiếu hơi ấm của tình yêu thương từ phía gia đình đã tạo ra một “khoảng trống” tâm lý không gì bù đắp nổi, dễ làm phát sinh ở con cái những biểu hiện tâm lý và hành vi lệch lạc.
Không có sự giáo dục nào tốt hơn là cha mẹ làm tấm gương sáng cho con cái noi theo. Tùy cử chỉ, hành động, cách hành xử của cha mẹ sẽ hằn sâu vào nếp nghĩ, nếp sống của con cái từ nhỏ cho đến lúc trưởng thành. Con cái nhìn vào tấm gương ấy mà cố gắng học tập, tu dưỡng. Điều đáng nói là đang xuất hiện tình trạng “lời nói không đi đôi với việc làm” trong một số phụ huynh. Chẳng hạn, cha mẹ cấm con hút thuốc, uống rượu nhưng người bố ngày nào cũng say xỉn, hay lúc nào cũng phì phèo điếu thuốc lá trên môi thì làm sao có thể bảo ban được con cái.
Thời gian qua, dư luận xã hội hết sức bức xúc điều trước tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”. Nhiều người cho rằng đó hoàn toàn là do lỗi của nhà trường, của các thầy, cô giáo. Sự thực không hẳn như vậy, bởi trong sự việc này cũng có sự đồng lõa của một số bậc phụ huynh. Họ biết việc con mình “học giả” nhưng có “điểm thật” và đang “ngồi nhầm lớp” nhưng vẫn “nhắm mắt” làm ngơ với một thái độ im lặng, thỏa hiệp. Họ sẵn sàng chi những đồng tiền do mồ hôi, nước mắt của mình làm ra để “mua” danh hão, điểm ảo cho con.
Do ảnh hưởng Nho giáo, từ xưa dân ta lấy “tam cương”: Quân, Sư, Phụ làm gốc của đạo lý. Ba mối quan hệ: Vua-tôi, Thầy-trò, Cha-con cũng có nét tương đồng với ba môi trường giáo dục mà chúng ta thường nhắc tới: Gia đình, Nhà trường, Xã hội. Cần có thái độ nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc về vai trò, vị trí của nhân tố gia đình trong “giáo dục tay ba” để có biện pháp phối hợp đồng bộ.
Theo đó, giáo dục học sinh không phải là nhiệm vụ của duy nhất ngành Giáo dục mà đó còn là nhiệm vụ của gia đình và xã hội. Trong đó, gia đình giữ vai trò trọng yếu. Hãy tạm gác lại một bên những yếu kém, bất cập của ngành Giáo dục để xem xét, nhìn nhận ở gia đình mỗi bậc phụ huynh đã làm gì trong việc phối hợp cùng nhà trường và xã hội để giáo dục con em mình? Câu trả lời xin dành cho mỗi bậc làm cha, làm mẹ!
BÙI MINH TUẤN
.
.
Gia đình là nhân tố quyết định
Thứ Hai, 01/12/2008, 08:44 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.