.
GIA ĐÌNH VÀ GIÁO DỤC

Dạy con hiểu về tiền bạc, nên bắt đầu từ đâu?

.

Sẽ không bao giờ là quá sớm để bắt đầu dạy cho con bạn những khái niệm về tiền bạc, trẻ sẽ có nhiều cơ hội tốt hơn khi chúng trưởng thành, giúp chúng có được sự đánh giá toàn diện và trách nhiệm đối với việc sử dụng và giá trị của đồng tiền. Thực tế thì một số bậc cha mẹ không hề nghĩ tới việc này khi con còn nhỏ, một phần là do họ không nắm được khi nào thì nên bắt đầu và bắt đầu ra sao.

Đừng ngần ngại dạy cho con những thói quen tốt về tiền bạc từ khi chúng còn bé…

Trong khi đó, nhiều phụ huynh lại không muốn trao đổi với con về chuyện tiền nong vì họ cho rằng trẻ còn quá nhỏ hay thậm chí là chúng chưa có đủ tiền để có thể học cách tiêu tiền. Tuy nhiên, việc bạn dành thời gian để dạy cho trẻ những thói quen tốt về tiền bạc ngay từ bây giờ sẽ rất có lợi cho chúng trong tương lai.

Bạn có thể bắt đầu nói chuyện với con về đề tài đặc biệt này khi trẻ còn khá nhỏ, thậm chí từ lúc 3 tuổi. Nói chung, thời điểm tốt nhất để dạy cho con bạn bất cứ điều gì đó là khi trẻ bộc lộ một mối quan tâm nào đó. Vì vậy, khi trẻ bắt đầu đòi bạn mua kẹo hay đồ chơi cho chúng, đây là lúc bạn nên chuẩn bị để bắt đầu “trao đổi” với con về tiền bạc. Hãy nói cho trẻ biết vì sao chúng có thể hoặc không thể có những món đồ nào đó. Khi bạn nói “không” trước lời đề nghị của con, hãy cố gắng đưa ra những lời giải thích hợp lý và hết sức thuyết phục đối với trẻ.

Theo lời khuyên của các chuyên gia, trẻ con rất tinh ý và nhạy cảm, nên tùy theo độ tuổi, vốn hiểu biết của trẻ, bạn đừng ngần ngại nói cho chúng biết về tình hình tài chính của gia đình. Không cần phải đi quá sâu vào chi tiết mà chỉ cần giải thích một cách đơn giản cho con hiểu rằng những biến động đối với nền kinh tế có nghĩa là sẽ có một vài thay đổi xảy ra trong nhà…

Bên cạnh đó, để trẻ cùng tham gia vào việc lập kế hoạch cho các hoạt động chung của gia đình sẽ giúp trẻ học cách có trách nhiệm với việc chi tiêu và làm quen dần với việc quản lý tiền bạc, việc này sẽ hiệu quả qua những lần trẻ đi mua sắm cùng bạn. Đây là những cơ hội đầu tiên để dạy trẻ tiếp cận với việc chi tiêu và chúng sẽ được chuẩn bị tốt hơn trong việc quản lý nguồn “tài chính” của riêng mình sau này.

Mặt khác, các nhà nghiên cứu tâm lý trẻ em cũng cho rằng, ngay ở độ tuổi sắp sửa đến trường, trẻ đã bắt đầu hiểu về giá trị của đồng tiền, đây chính là thời điểm thích hợp để bắt đầu cho trẻ tiền tiêu vặt. Một số người cho rằng điều này là cần thiết nhưng cũng có một số khác cho rằng không nên để trẻ biết đến khái niệm này từ quá sớm.

Điều quan trọng hơn chính là việc bạn phải quyết định xem khi nào thì bắt đầu cho con tiền tiêu vặt, nên đưa vào lúc nào và đưa bao nhiêu. Một điều bạn cần lưu ý là nên đưa tiền tiêu vặt cho con vào đúng thời điểm đã thống nhất từ trước, và phải luôn giữ đúng thời gian biểu đó. Các bậc cha mẹ có thể dựa vào tuổi của con hay những dự đoán của mình về việc trẻ sẽ dùng tiền vào những việc gì để quyết định số tiền tiêu vặt phù hợp cho con.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng nên tập cho con thói quen tiết kiệm tiền từ sớm. Bằng cách này, bạn sẽ giúp trẻ “thấm” dần được tầm quan trọng của việc tiết kiệm tiền. Khi trẻ bắt đầu được cho tiền tiêu vặt, hãy hướng chúng đến việc tiết kiệm tiền cho các mục tiêu lâu dài hơn. Trên thực tế, đây được xem là một cơ hội để bạn có thể dạy cho con về giá trị của đồng tiền một cách tốt nhất.

NHẬT LÊ (Theo moneyinstructor, metlife)

;
.
.
.
.
.