.
GS.TSKH Võ Tòng Xuân:

Cái nền là kiến thức và kỹ năng

.

Năm 2008, sau khi bàn giao chức Hiệu trưởng Đại học An Giang, GSTS Võ Tòng Xuân - người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và Nhà giáo Nhân dân - đã ở tuổi 68. Nghỉ hưu là lúc mà các hoạt động khoa học của ông tăng lên gần như đột biến cả ở trong nước và quốc tế. Đây cũng là năm, ông trở thành nhà khoa học đầu tiên ở Đông Nam Á nhận giải thưởng “Vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp - nông thôn” trong khu vực (*).

Công việc nhiều và đúng với chuyên môn khoa học dường như châm thêm lửa vào bầu nhiệt huyết và bồi dưỡng thêm cho sinh lực của ông. Ông được ngành mía đường Việt Nam yêu cầu góp phần chặn đứng sự sa sút của ngành do nông dân trồng mía không còn thấy phấn khởi để đầu tư cho cây mía. Ông cũng đang có kế hoạch xây dựng thương hiệu cho cây tiêu và rượu sim Phú Quốc cũng như cho gạo Sóc Trăng. Nhiều hội thảo về xóa đói giảm nghèo (XĐGN) trong nước và quốc tế đã nhờ ông đến thảo luận, đặc biệt là hội thảo tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cuối tháng 9-2008 mà Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã mời ông gợi đề dẫn thảo luận.

GSTS Võ Tòng Xuân đã cùng một nhóm nhà khoa học và doanh nghiệp Việt Nam và Anh quốc có tâm huyết với châu Phi thành lập Công ty TNHH Nông Thủy sản Việt Phi (gọi tắt là VAADCO-VN) tại TP. Hồ Chí Minh, Nigeria và Luân Đôn để giúp cho một số nước châu Phi gia tăng sản lượng nông nghiệp, góp phần XĐGN. Với trách nhiệm là Tổng Giám đốc VAADCO, ông đang cùng các chuyên gia nông nghiệp của Việt Nam xác định các nội dung phát triển nông nghiệp cho bang Enugu của Nigeria, lên kế hoạch đầu tư để chi nhánh Anh quốc của công ty sẽ huy động tài chính để có thể nhanh chóng đưa chuyên gia nông nghiệp Việt Nam sang châu Phi, chuẩn bị điều kiện sản xuất lương thực cho nông dân Phi dưới sự hướng dẫn của nông dân Việt Nam.

Ngoài 4 tổ chức quốc tế mà ông đang tham gia từ nhiều năm qua, ông cũng đã nhận lời tham gia Hội đồng Tư vấn của Trung tâm Phát triển phân bón quốc tế (tại Muscle Shoal, bang Alabama, Mỹ) và của Chương trình Kinh tế và Môi trường Đông Nam Á (tại Singapore). Trong lĩnh vực giáo dục, ông được mời tham gia ban thành lập trường Đại học quốc tế Cần Thơ, Đà Lạt, và Đại học Tân Tạo.

Những câu chuyện dưới đây, góp nhặt từ một lần chúng tôi gặp ông và trao đổi qua thư điện tử.

* Làm việc với nhiều tổ chức quốc tế trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu như vậy, GS có nhận xét gì về tình hình hiện nay?

- Sự khủng hoảng tài chính của Mỹ đã ảnh hưởng lên các nước khác một cách nhanh chóng. Hàng triệu người bị thất nghiệp ở Mỹ và các nước cung cấp hàng nhập khẩu cho Mỹ. Tiêu biểu nhất là công nghiệp của Trung Quốc chuyên sản xuất hàng hóa xuất cho Mỹ đang đóng cửa, công nhân không việc làm. Mặc dù cả Mỹ và khối các nước châu Âu đang bơm tiền vào các ngành kinh tế của họ để kích cầu phát triển vượt qua khủng hoảng, nhưng mặt khác họ phải đối phó với những khó khăn đương thời, thí dụ như tình trạng mức lương liên tục tăng cao trong các doanh nghiệp, tệ nạn tham nhũng tràn lan làm hao tốn công quỹ cũng như các quỹ dự án.

Trong nước ta, thị trường chứng khoán ảm đạm, rất nhiều nhà đầu tư bị thua lỗ; người trồng lúa bị thua lỗ; người nuôi cá tra bị thua lỗ càng nặng hơn... đã làm lu mờ thành tích tăng trưởng của nền kinh tế.

* Nhớ lại những điều tâm huyết đã đóng góp vào công cuộc đổi mới của đất nước hơn ba chục năm qua, GS có muốn nói gì thêm?

GS Võ Tòng Xuân trong chuyến đi thực tế tại Siera Leone...

- Cũng con người này, cũng đất nước núi sông này mà từ một nước sản xuất quá kém, phải ăn đong, mặc thiếu, cái gì cũng hiếm có, đã chuyển sang một quốc gia sản xuất quá nhiều lương thực, thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới, chủ yếu là nhờ Đảng và Nhà nước đồng ý thay đổi chính sách nông nghiệp không tốn kém gì bao nhiêu cả. Tôi gọi đó là cuộc đổi mới thứ nhất.

Thành tích đó của nhân dân Việt Nam đã bắt đầu từ những đề xuất mạnh dạn của những người dám chịu trách nhiệm trước Đảng, đã lôi cuốn bà con nông dân chọn cách làm có hiệu quả hơn cách làm cũ. Và tôi rất hãnh diện đã đứng trong hàng ngũ những người dám chịu trách nhiệm ấy. Tôi và các bạn đồng nghiệp và hàng trăm sinh viên đã đưa giống lúa mới, kỹ thuật trồng lúa tiên tiến, giúp bà con nông dân sản xuất theo kiểu khoán hộ tại ấp Lung Đen, xã Kế An, huyện Kế Sách, tỉnh Hậu Giang năm 1979, nay thuộc tỉnh Sóc Trăng. Những kỹ thuật nông nghiệp khác đồng thời với sự phát triển các hệ thống tưới tiêu do ngành thủy lợi thực hiện, áp dụng nhiều hệ thống canh tác thích nghi từng kiểu sinh thái khác nhau đã tiếp tục được chúng tôi giới thiệu cho nông thôn. Chúng tôi đã đào tạo được hàng trăm kỹ sư nông nghiệp, góp phần rất đáng kể cho công cuộc phát triển tiềm năng của đồng bằng sông Cửu Long.

Những đóng góp khá ấn tượng khác có thể kể như loạt chương trình truyền hình “Khoa học kỹ thuật nông nghiệp” mà nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt thường kể lại: “Các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, huyện mê hơn xem cải lương”. Hoặc cuộc mở đầu đối thoại với Chính phủ trên diễn đàn Quốc hội mà tôi tham gia lần đầu tiên năm 1981, với câu chuyện Nhà nước đã lãng phí vì phá các rừng tràm tại các vùng đất phèn nặng để thành lập các nông trường lúa Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên - Hà Tiên, U Minh… và tôi đề nghị Chính phủ khôi phục lại các vùng sinh thái này. Sau đó Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ đạo ngành nông nghiệp và lâm nghiệp xem xét lại vấn đề này. Hoặc một lần khác cũng trên diễn đàn Quốc hội, tôi đã chứng minh Dự án Luật Thuế nông nghiệp của Chính phủ trình vào tháng 6-1991 sẽ làm cho nông dân nghèo thêm, và Thủ tướng Đỗ Mười lúc ấy đã xin rút lại dự án, chờ nghiên cứu tiếp. Và hai năm sau, Quốc hội đã thông qua Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp hợp lý hợp tình hơn.

* Riêng với giáo dục - đào tạo, dường như GS vẫn mong được đổi mới nhiều hơn nữa?

- Đây là vấn đề mà Đại hội Đảng lần thứ IX đã nêu ra và Đại hội Đảng lần thứ X đã tiếp tục kêu gọi, nhưng chúng ta mới chỉ thay đổi một cách vá víu chứ chưa cơ bản và toàn diện. Sản phẩm giáo dục của nước ta còn nhiều hụt hẫng so với các nước tiên tiến. Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đánh giá rằng hệ thống giáo dục Việt Nam chưa phải là nơi tạo động lực tối hảo cho sự nghiên cứu và phát triển đất nước và chưa làm được nơi ươm mầm cho các tài năng xuất chúng của quốc gia.

Đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ bậc phổ thông, lần lên đến bậc đại học, trong đó sự đổi mới phương pháp đào tạo tại đại học sư phạm đóng vai trò then chốt. Nhưng rất tiếc là Nhà nước chưa thấy sự cần thiết đó. Và như thế chúng ta sẽ càng làm chậm đi tiến trình đổi mới. Chương trình đào tạo của nước ta hiện nay quá nặng nề - có quá nhiều môn học lý thuyết, nhiều môn học không quan trọng cho ngành chuyên môn, gấp đôi thời gian lên lớp so với sinh viên các nước khác.
 
Cách dạy chủ yếu vẫn là đọc - chép, không phát huy được tính sáng tạo, suy nghĩ độc lập của người học. Trong khi đó, nhất là đối với những sinh viên xuất sắc, nhu cầu học cấp bách những kỹ năng cao cấp ngày càng tăng, nhưng bị hệ thống giáo dục kìm hãm, không phát huy được. Mọi sinh viên phải chờ nhau cùng đi lên chầm chậm, người muốn đi nhanh không có cách gì để đi trước được.

* GS có thể cho một thí dụ về cách đào tạo của các nước mà sinh viên không phải “chờ nhau cùng đi lên chầm chậm”...?

GS Võ Tòng Xuân giảng bài cho sinh viên Bỉ tại xã An Hòa, huyện Chợ Mới, An Giang.

- Cháu Trần Thanh Tâm, một nữ sinh xuất sắc của tỉnh An Giang, đã được học bổng của Chính phủ Singapore, sang nước này học lớp 10-12 theo hệ thống giáo dục quốc tế, đạt điểm A và A+ đối với tất cả các môn học. Tốt nghiệp trung học, cháu được học bổng của Đại học Cornell (Mỹ), học tiếp 3 năm (thay vì 4 năm) đã xong chương trình BSc về Toán học chuyên về “Operations analysis” tốt nghiệp hạng Summa cum laude, giải thưởng xuất sắc nhất toàn trường Mỹ.

Trường Cornell trao tiếp học bổng để cháu tiếp tục chương trình MSc Toán học. 18 tháng sau cháu đã lấy xong bằng Master. Nộp đơn xin việc làm, cháu được 4 công ty dịch vụ tài chính của Mỹ nhận. Cuối cùng cháu chọn làm với Công ty Oliver Wyman Group (Financial Services) chi nhánh tại Singapore, lương khởi điểm 85.000 USD/năm.

Tôi chắc chắn, nếu cháu Tâm học THPT ở Việt Nam, trúng tuyển sinh vào một đại học nào đó, thì phải sau 4 năm mới ra trường; chờ một thời gian sau mới xin học cao học, tốn thêm ít nhất 3 năm rồi làm luận văn tốt nghiệp... Ra trường rồi không biết cháu Tâm sẽ được công ty nào mướn?... Rõ ràng là chúng ta phải có một cuộc đổi mới thứ hai mới mong nhanh chóng đào tạo nhân tài theo kịp các nước tiên tiến.

* Để làm được như vậy, chắc hẳn phải kỳ vọng vào lớp trẻ nhiều hơn. GS có thể chia sẻ kinh nghiệm làm việc với họ?

- Phải có nghị lực và sáng kiến. Phải sống điều độ để bảo đảm sức khỏe thật tốt. Mình sống đâu chỉ vì mình.

Cái nền là kiến thức và kỹ năng, tôi phải học rất căn bản và không ngừng tự cập nhật kiến thức. Và tôi truyền đạt cho những cộng sự của tôi, không giấu ai kỹ thuật gì. Khi kiến thức mở mang, mình có thể thấy trước những gì mà người thường chưa thấy. Dĩ nhiên mình không bảo thủ, mà trái lại, luôn có sáng kiến nghĩ ra những chương trình mới, rồi truyền đạt nội dung, phương pháp thực hiện, tìm kinh phí và giao công việc cho người khác cùng làm. Qua hệ thống Internet và thư điện tử, xa bao nhiêu tôi cũng liên lạc và chỉ đạo được với các cộng sự của mình không chậm trễ.

Quan trọng là cần phải được đào tạo căn bản, sâu và rộng để thấy được cái mới. Trái với những người bảo thủ thường ít được đào tạo căn bản nên ít thấy xa hiểu rộng nên khó tiếp thu cái mới, hoặc khó nghĩ ra sáng kiến. Thêm vào đó tính sợ trách nhiệm cũng triệt tiêu những sáng kiến. Không có sáng kiến thì không thể cạnh tranh lành mạnh với các đối thủ trong thời hội nhập kinh tế toàn cầu.

Huỳnh Kim (Thực hiện)

(*) Giải thưởng do Trung tâm Nghiên cứu - đào tạo nông nghiệp Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học - công nghệ quốc gia và Quỹ Diocoro L.Umali-Philippines thành lập năm 2008.

 

 

;
.
.
.
.
.