Có lẽ, đã đến lúc chúng ta không cứ phải thứ tự xếp hàng sau các thành phố lớn trong nước về tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội mà phải biết vượt lên trên những gì thành phố Đà Nẵng có điều kiện và khả năng.
Nếu nhìn từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng có nhiều thua kém, nhưng không phải vì thế mà chúng ta đành chấp nhận đi sau. Vì sao thành phố Đà Nẵng không tạo ra lợi thế cạnh tranh từ nguồn lao động có tay nghề cao so với một số địa phương trong nước và ngay cả các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, trong khi chúng ta có những lợi thế nhất định để thực hiện được điều đó?
Thử nhìn lại những điều kiện tiên quyết mà Đà Nẵng đang có để tạo ra những thế hệ nguồn nhân lực có chất lượng. Trước hết, Đà Nẵng có một hệ thống các trường học các cấp từ THPT đến THCN, CNKT, cao đẳng, đại học khá hoàn chỉnh, đạt chất lượng quốc gia. Riêng hệ đại học, cao đẳng, THCN, CNKT hiện trên địa bàn thành phố có tới hơn 20 trường với đội ngũ giáo viên gần 2.800 người. Hầu hết các trường này thuộc các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, y tế, giáo dục đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho thành phố.
Đà Nẵng còn là địa phương có thế mạnh phát triển các ngành công nghiệp với hệ thống các nhà máy, xí nghiệp hiện có thuộc tốp đầu của cả nước, gồm 6 khu công nghiệp tập trung. Nguồn lao động của Đà Nẵng và vùng phụ cận khá dồi dào, bảo đảm yêu cầu đào tạo cung ứng cho các ngành sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Hơn thế nữa, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng chiến lược từ nay đến năm 2010, thành phố sẽ phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; coi trọng ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới…
Thế nhưng, đứng trước những cơ hội đó, hầu như nhiều ngành chưa tận dụng triệt để. Chính vì vậy, mặc dù có nhiều lợi thế trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội, nhưng Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác khi tìm nhân lực cứ “theo bài cũ” chạy theo yêu cầu, không chủ động được nguồn để cung ứng.
Vậy, làm thế nào để các ngành chủ động được nguồn nhân lực trước yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố? Trước hết, thành phố có chiến lược phát triển ngành để trên cơ sở đó, các ngành có kế hoạch, chương trình đào tạo nghề cho người lao động. Các ngành và các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn phải có sự liên kết trong đào tạo nhằm đáp ứng giữa cung và cầu về nguồn lao động có tay nghề.
Thực tế, trong những năm gần đây, trên địa bàn thành phố đã có một số mô hình đào tạo có hiệu quả, tiêu biểu như việc liên kết đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu giữa doanh nghiệp và trường học. Cụ thể như Trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng đã đào tạo theo “đơn đặt hàng” của Công ty Ô-tô Trường Hải trong 2 năm 2007 và 2008 gần 800 sinh viên cơ khí ô-tô; Trường Cao đẳng Đức Trí đào tạo cho Công ty Xây lắp điện Đà Nẵng 50 sinh viên ngành điện, cho Công ty Bách Chiến Đà Nẵng 70 sinh viên các ngành điện nước, điện lạnh và xây dựng; Trường Trung cấp nghề Công nghiệp tàu thủy 3 ký kết hợp đồng đào tạo cung ứng nguồn nhân lực năm 2010 cho Khu kinh tế Dung Quất 690 học sinh hàn vỏ tàu thủy, cắt gọt kim loại, điện tàu thủy, điện công nghiệp dân dụng…
Các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng cũng đã có các hệ đào tạo sau đại học, các lớp kỹ sư chất lượng cao nhằm cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước, trong đó có Đà Nẵng. Đặc biệt, thành phố Đà Nẵng đã đầu tư khá lớn cho ngành Giáo dục-Đào tạo, nhất là trong việc tuyển chọn học sinh giỏi chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng trong thời gian tới…
Chúng ta đang đứng trước một thực tế là tiềm năng lao động trẻ của thành phố khá dồi dào, trở thành một lợi thế cạnh tranh rất tốt, nhưng nếu không sớm cải thiện chất lượng lao động, tức là không bảo đảm về tay nghề và ý thức của người lao động thì sẽ không còn là một lợi thế nữa. Giải quyết tốt vấn đề này sẽ khắc phục được tình trạng hằng năm ngành Lao động-Thương binh và Xã hội vẫn báo cáo số lao động có việc làm ngày càng tăng nhưng các doanh nghiệp vẫn cứ tìm mãi không ra người lao động có tay nghề.
Tức là chúng ta chỉ làm phần ngọn mà không giải quyết được phần gốc, giải quyết được việc làm cho người lao động nhưng lại là lao động phổ thông, chủ yếu làm việc theo thời vụ. Đây là vấn đề mà các nhà đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài rất thất vọng khi quyết định đầu tư vào thành phố; họ tuyển được lao động nhưng lại phải cho đi đào tạo hoặc đào tạo lại, phải tốn kém cả tiền bạc và thời gian.
Để tạo ra lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, đã đến lúc Đà Nẵng không chỉ dựa vào các chế độ ưu đãi, khuyến khích, các cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư như hầu hết các địa phương khác đã làm mà cần phải chú trọng hơn nữa vấn đề cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư. Đây là lợi thế cạnh tranh rất hiệu quả trong bối cảnh nhiều địa phương trong cả nước đang khó khăn, ít có điều kiện như thành phố Đà Nẵng, vì vậy, các ngành chức năng cần nắm lấy cơ hội này để biến cái khó của mọi người thành điều thuận lợi cho chúng ta.
THANH GIÁN
.
.
Lao động có tay nghề cao - lợi thế cạnh tranh của Đà Nẵng
Thứ Tư, 24/12/2008, 07:51 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.