.
Tăng học phí bậc ĐH, CĐ:

Công lập chờ đợi, ngoài công lập dè chừng

.

Việc học phí bậc ĐH, CĐ, TCCN sẽ tăng trong học kỳ 2 trở thành đề tài nóng hổi trong những cuộc bàn luận của sinh viên (SV), giảng viên (GV). Miền Trung với những đặc thù riêng, nên “sự kiện” tăng học phí cũng có những phản ứng trái ngược.

Hưởng lợi từ việc tăng học phí

Sinh viên ĐH Đà Nẵng sẽ được hưởng lợi từ việc tăng học phí? (ảnh chụp SV ĐH Kinh tế trong một giờ học ngoài trời)
Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) với 35.000 SV, việc tăng học phí là một tín hiệu đáng mừng đối với bộ phận GV. Phần lớn SV của ĐHĐN có hoàn cảnh khó khăn, SV thuộc diện chính sách được miễn giảm học phí cao. Bình quân, trong nguồn thu học phí của ĐHĐN, có tỷ lệ thâm hụt 30% cho các chế độ miễn giảm học phí. Với 70% học phí thu được, thì 15% dành cho chính sách học bổng; 50% dành để trả lương cho GV, cán bộ; chỉ còn 5% cho tất cả các mục: đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giảng dạy, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học...

Trao đổi với chúng tôi, GS-TSKH Bùi Văn Ga - Giám đốc ĐHĐN đề cập đến vấn đề, do thiếu về trang thiết bị, vật tư... nên chất lượng giảng dạy của GV cũng có nhiều hạn chế, và lĩnh vực thực hành của SV không được thấu đáo. Ngay cả khoản 50% trả lương cho GV, cũng chỉ dừng lại ở mức vừa đủ. Ông Ga lý giải, mức lương đối với GV đã được điều chỉnh 3 lần, trong khi mức học phí thì không hề thay đổi.

Chính vì vậy, ĐHĐN luôn gặp khó khăn trong việc tuyển GV mới, trong khi đó, số lượng SV, ngành nghề giảng dạy thì tăng cao theo từng năm học. Hiện tượng thiếu GV ở ĐHĐN là không hiếm, SV phải học nhiều môn bằng việc ghép lớp, nên mức độ truyền thụ của GV và tiếp thu của SV gặp rất nhiều hạn chế. Mức hỗ trợ cho giờ giảng của GV không cao, nên họ phải kiêm thêm việc giảng dạy ở các trường tư để cải thiện đời sống.

Đối với quyết định tăng học phí, theo ông Ga, đó là giải pháp tích cực nhất hiện nay để đem lại quyền lợi trong đào tạo cho SV ĐHĐN. Dù chưa có quyết định cụ thể về vấn đề tăng học phí, nhưng ĐHĐN cũng đã xác định rõ những việc phải làm ngay sau khi quyết định này được triển khai. Đó là xây dựng những kế hoạch tăng cường trang thiết bị, cơ sở vật chất học tập và thực hành, hỗ trợ cho việc học của sinh viên. Ngay cả việc nghiên cứu khoa học trong nhà trường sẽ được tổ chức rộng rãi, với mức hỗ trợ tối đa để xây dựng nên những công trình nghiên cứu thực sự hữu ích.

Các trường ngoài công lập - dè chừng

Sẽ có nhiều SV được ở KTX hơn!

Bà Nguyễn Thị Anh Đào - Chủ tịch HĐQT Trường CĐ Đông Á khẳng định, mức học phí đến thời điểm học kỳ 2 năm học 2008-2009 của trường vẫn chưa hề có kế hoạch thay đổi. Nếu có, chỉ tăng thêm ở mức rất nhỏ đối với các môn học ở những ngành nghề có tính chất phức tạp, đòi hỏi sự đầu tư cao về trang thiết bị thực hành.
 
Trong khi đó, đối với Trường CĐ Nghề Hoàng Diệu, thì mức tăng học phí năm học này chỉ mới được điều chỉnh theo tình hình trượt giá, tăng 100.000 đồng/học kỳ so với năm học trước. Đây là ngôi trường hiện có 909 sinh viên, trong đó 715 hệ CĐ và 194 hệ TC; nhưng lại có đến 4 cơ sở giảng dạy lẫn giáo vụ. Cơ sở chính đóng tại K62/79 Hà Huy Tập hoàn toàn không giống một trường học.

Đó là ngôi nhà 3 tầng, tầng 1 được trưng dụng làm nơi buôn bán và giữ xe vì nằm ngay cổng bệnh viện tuyến quận, trông rất luộm thuộm. Những cơ sở còn lại đều sơ sài và chật chội, ngay cả phòng làm việc của những cán bộ nhà trường cũng phải gò ép nhau 4 - 5 người trong căn phòng chừng 8 - 10m2. Ông Lê Củi - Trưởng phòng Hành chính-Tổng hợp của trường khẳng định, với chủ trương tăng học phí của Bộ, thì nhà trường vẫn chưa có lộ trình, và nếu có thay đổi thì lúc ấy mới có động thái đầu tư mới về cơ sở vật chất.

Theo tiết lộ của một lãnh đạo của trường thuộc khối ngoài công lập, trong khi các trường công rất trông chờ vào việc tăng học phí để tăng cường cơ sở vật chất, thì các trường ngoài công lập hết sức dè dặt, tất cả đều dè chừng nhau để tăng học phí. Do hiện nay, các trường CĐ, TC ngoài công lập rất khó khăn trong công tác tuyển sinh, nên sự cạnh tranh lớn. Ngoài chất lượng giảng dạy, mức học phí cũng là điều kiện để người học chọn trường. Vì vậy, các trường ĐH, CĐ, TCCN ngoài công lập sẽ khó bề tăng học phí để thu hút cao số học sinh vào trường trong năm học đến.

SV có thể “gánh” mức học phí mới bằng việc vay vốn

GS-TSKH Bùi Văn Ga khẳng định: Đối với vấn đề tăng học phí hiện nay, việc giải quyết cho SV nghèo đã có lối ra, thông qua việc hỗ trợ vay vốn để học tập. Nhiều năm nay, việc vay vốn chỉ được sử dụng vào mục đích phục vụ cuộc sống thường nhật, trong khi tiêu chí chính là đóng học phí. Chính vì vậy, việc thay đổi mức học phí sẽ không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của SV nghèo.

Dù vậy, thông tin tăng học phí khiến không ít SV lo ngại. Ngọc Hoa - SV năm 2 ĐH Ngoại ngữ tâm sự, quê em ở Quảng Trị, mỗi tháng với khoản vay mượn hỗ trợ học tập trước đây, cùng số tiền chắt chiu từ nghề nông của cha mẹ gửi vào, thì cũng đủ chi tiêu.
 
Nghe thông tin tăng học phí, không chỉ Hoa mà ở nhà, cha mẹ cũng mất ngủ. May mắn cho Hoa là vừa được bạn tìm cho một chỗ dạy kèm Anh văn cho một học sinh lớp 8, với mức lương 400.000 đồng/tháng.
 
“Có công việc này rồi, em cũng bớt lo về vấn đề tăng học phí! Hy vọng công việc này sẽ kéo dài được đến ngày em ra trường!” - Hoa vui mừng ra mặt khi khoe công việc mới. Nhiều SV ở Đà Nẵng, cũng như Hoa, trước việc tăng học phí, đã cố gắng xoay sở tìm kiếm việc làm thêm để tiếp tục đeo đuổi việc học. Đó cũng là một giải pháp tích cực. Nhưng không giống 2 đầu đất nước, việc làm thêm ở miền Trung dành cho SV không thực sự dồi dào.

Ở các giảng đường của các trường ĐH, CĐ ở Đà Nẵng bây giờ, đi đâu cũng nghe râm ran về vấn đề tăng học phí. Lo ngại có, nhưng cũng có không ít bạn SV khi được hỏi về việc tăng học phí, đã không ngần ngại ý kiến: “Hy vọng học phí tăng, thì môi trường học tập của tụi em cũng được tăng theo đúng mức đó!”.

BẢO NGUYÊN

;
.
.
.
.
.