.
Vấn đề bạn đọc quan tâm:

Chính sách hỗ trợ đào tạo đại học mới của Đà Nẵng

(ĐNĐT) - Ngày 14-11-2008 vừa qua, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 47 triển khai đề án hỗ trợ đào tạo bậc đại học tại các cơ sở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước dành cho học sinh các trường THPT trên địa bàn (Đề án 47). Đề án này thay thế cho các văn bản hỗ trợ trước của chính quyền địa phương, cụ thể là 2 dự án 151 (năm 2004) và dự án 32 (năm 2006).

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Hoa, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo thành phố, đơn vị chủ trì triển khai đề án cho biết:

So với các đề án trước, đề án 47 có nhiều nội dung thay đổi, phù hợp với thực tiễn đào tạo hiện nay hơn. Cụ thể về học bổng, các dự án trước quy định mức hỗ trợ kinh phí tối đa đi học tại các cơ sở đào tạo ở nước ngoài tương ứng là 20.000 USD/năm và 15.000 USD/năm, trọn gói cho mỗi năm học gồm học phí và sinh hoạt phí. Đề án 47 sẽ thay đổi lại, thực hiện cấp học bổng cho đối tượng đi học đủ lượng học phí căn cứ theo thông báo của cơ sở đào tạo; còn khoản sinh hoạt phí sẽ được tính cho 12 tháng/năm ở từng nước, cụ thể:

Hoa Kỳ, Canada, Nhật, Anh Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ, Áo, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy

12.000 USD

Úc

10.524 USD

New Zealand

9.300 USD

Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông

6.000 USD

Trung Quốc, Đài Loan

4.200 USD

Thái Lan, Philippines, Malaysia

3.600 USD

Đối với đối tượng cử đi học trong nước theo các dự án trước đây, mức hỗ trợ kinh phí được tính theo Quyết định số 8921 (ngày 5-11-2004), thì nay với đề án 47 sẽ được tính áp dụng ở từng địa phương theo học, điển hình như sau:

Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh

23.140.000 đồng

Huế

18.070.000 đồng

Đà Nẵng

12.080.000 đồng

Hiệu lực áp dụng đề án này bắt đầu tính từ năm học 2008 – 2009. Riêng các đối tượng đang tham gia dự án 151 và 32 tính từ ngày 15-1-2008 trở lại đây, nếu học ở trong nước sẽ được hỗ trợ tăng thêm 30% mức sinh hoạt phí so với Quyết định 8921; nếu học ở nước ngoài được tính trên cơ sở tách sinh hoạt phí ra khỏi toàn bộ kinh phí trước đây, rồi tiến hành bù chênh lệch so với mức học bổng của đề án 47 và tính theo 12 tháng/năm.

Điểm lưu ý ở đây là việc phân chia học bổng của đề án 47 không có khác biệt với các đề án trước, gồm 2 loại toàn phần và bán phần. Học bổng toàn phần được xác định là toàn bộ học phí theo quy định của cơ sở đào tạo; chi phí 1 lượt vé máy bay đi và về trong cả khóa học; sinh hoạt phí được quy định cụ thể theo từng nước, vùng lãnh thổ; và bảo hiểm y tế ở mức tối thiểu cho 12 tháng/năm học. Học bổng bán phần là học bổng có giá trị bằng 70% so với toàn phần.

Việc áp dụng học bổng sẽ thực hiện với các đối tượng cam kết sau khi tốt nghiệp đại học sẽ làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Đà Nẵng quản lý ít nhất 7 năm nếu nhận học bổng toàn phần và 5 năm nếu nhận học bổng bán phần. Các gia đình và học sinh toàn quyền lựa chọn chế độ học bổng phù hợp. Trong quá trình tham gia, nếu đối tượng rút khỏi đề án trước thời hạn, trừ trường hợp đặc biệt như sức khỏe không đảm bảo…, gia đình và học sinh đó sẽ phải bồi thường lại gấp 5 lần mức học bổng do thành phố cấp, kể từ khi bắt đầu học đại học.

Với đề án 47, đối tượng tham gia xét tuyển sẽ không còn quy định ngặt nghèo như trước, chỉ cần học lực loại giỏi, hạnh kiểm loại tốt liên tục trong 3 năm THPT; đạt giải khuyến khích cấp thành phố trở lên ở các kỳ thi học sinh giỏi; trúng tuyển đại học nguyện vọng 1 vào ngành nghề thành phố có nhu cầu và không có môn thi nào dưới điểm 5.

Thời gian hỗ trợ học bổng theo dự án trước đây chỉ cấp cho các năm học chính thức khi theo học chương trình ở nước ngoài, nay đề án 47 sẽ chấp nhận cấp cho cả năm học dự bị ở trường đại học nước ngoài hay cơ sở của trường Việt Nam tại nước ngoài.

Tóm lại, việc triển khai đề án 47 là cần thiết để tăng cường thêm số học sinh theo học, nối tiếp, phát huy hiệu quả các dự án có trước, nhằm đạt mục tiêu xây dựng nội lực, tạo lớp cán bộ nguồn cho thành phố.

Thụy Bất Nhi (tổng hợp)

Kết quả triển khai dự án 32

Dự án 32 đã được thành phố Đà Nẵng ban hành ngày 10-4-2006 trên cơ sở điều chỉnh dự án 151 và đang là dự án được triển khai trước đề án 47. Cho đến nay, dự án đã thực hiện:

- 181 học sinh tham gia, trong đó có 116 em được đào tạo ở các trường đại học trong nước, 65 em theo học các trường đại học ở nước ngoài gồm Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Úc, Thụy Sỹ, Nhật, Hàn Quốc và Singapore. Trong số này có 170 học sinh thuộc trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, 10 học sinh trường Phan Châu Trinh và 1 học sinh trường Phan Thành Tài.

- Tổng số kinh phí hỗ trợ đã chuyển cho học sinh là 33 tỷ đồng.

- Đến tháng 9-2008, đã có 26 sinh viên khóa đầu tiên trở về thành phố, trong đó có 10 học sinh được xét chuyển tiếp học thạc sĩ theo đề án 393 “đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở nước ngoài”. Số còn lại đã được bố trí công tác tại các cơ quan hành chính, sự nghiệp thuộc UBND thành phố quản lý và cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn.

(Nguồn: Sở Giáo dục - Đào tạo Đà Nẵng)

;
.
.
.
.
.