Hiện nay, Internet đang ngày càng có sức hút đối với giới trẻ. Học sinh-sinh viên (HS-SV) tìm đến Internet với nhiều mục đích khác nhau: tìm kiếm thông tin, tri thức, giải trí...; một số khác lại sử dụng Internet như một công cụ hữu hiệu để giãi bày, sẻ chia tình cảm.
Thói quen viết nhật ký trên giấy đang dần được thay thế bằng nhật ký điện tử. Nhật ký điện tử hay còn gọi là Blog đang được một bộ phận lớn HS-SV ưa thích, lựa chọn sử dụng như là cách để thể hiện “phong cách” của mình. Khác với nhật ký bằng giấy thông thường, mang nặng tính riêng tư, hầu như chỉ dành riêng cho người viết ra nó đọc, nhật ký điện tử - Blog được tạo ra như là một diễn đàn chung.
Nói là diễn đàn chung bởi những người lên mạng, nếu biết được địa chỉ, sau cái nhấp chuột là có thể tham gia đọc hoặc chia sẻ thông tin, bàn luận về những vấn đề có cùng mối quan tâm. Sẽ không có gì phải bàn nếu Blog được sử dụng với mục đích tốt đẹp, lành mạnh, là công cụ để bày tỏ, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống thường nhật hay những vấn đề có ý nghĩa thiết thực tới cuộc sống hằng ngày. Nhờ có Blog mà nhiều nhóm bạn trẻ hoạt động xã hội được kết nối. Tuy nhiên, bên cạnh những Blog “sạch” được tạo ra với mục đích tốt đẹp, thời gian qua đã xuất hiện nhiều trang Blog thiếu lành mạnh: kích động bạo lực, tuyên truyền, phát tán những hình ảnh, nội dung đồi trụy.
Mặt trái của Blog đang trở thành nỗi lo ngại của nhiều người bởi chính những tác hại khôn lường của nó. Đáng quan tâm là chủ nhân của những trang blog “đen” đang ngày càng “trẻ hóa” về độ tuổi, chủ yếu là thế hệ 8X, 9X. Một số Blog được viết ra chỉ nhằm mục đích nói xấu, bình phẩm với thái độ thiếu thiện chí. Ngôn ngữ… chửi cũng xuất hiện ngày càng nhiều trên các Blog “đen” như là cách để các bloger trút giận hoặc giải tỏa bức xúc với những lý do “trên trời dưới đất”: thần tượng sụp đổ, chuyện tình cảm rạn nứt, bị thầy, cô giáo phạt, bị điểm kém… Ngôn ngữ được sử dụng tùy tiện, không có sự chọn lọc, theo kiểu “nghĩ gì viết nấy” đang xuất hiện tràn lan trên các Blog “đen”. Điều đáng quan tâm là những thứ ngôn ngữ tạp nham, “vỉa hè”, phản cảm ấy lại nhận được sự đồng tình, a dua của một số người cùng trang lứa, khi cho rằng “viết thế mới nói thật với lòng mình”, từ đó hùa theo với những lời bình luận, hưởng ứng.
Sau clip sex của “Vàng Anh” được phát tán trên mạng, dường như ngay lập tức, nó được lưu truyền trong giới HS-SV thông qua các Blog cá nhân. Kéo theo đó là “phong trào” sưu tầm các hình ảnh, đoạn phim có nội dung nhạy cảm, nhất là cảnh “riêng tư” của các nhân vật nổi tiếng hay các clip “độc’ mà “diễn viên chính” là những người đang trong độ tuổi cắp sách tới trường.
Những hình ảnh, clip thiếu lành mạnh này nhanh chóng được “bắn” qua nhiều Blog khác nhau với những lời đề từ, rủ rê, mời mọc “thưởng thức” và lời bình luận hết sức thô thiển, trơ trẽn. Tai hại là việc sưu tầm, chia sẻ những hình ảnh, clip đồi trụy dường như lại đang trở thành “mốt” của một số HS-SV. Vừa qua, “cơn sốt” truyện tranh sex nổi lên đã nhanh chóng cuốn hút sự hiếu kỳ, tò mò của nhiều bạn trẻ. Những trang truyện tranh có nội dung “mát mẻ” cũng được các Bloger nhanh chóng “gỡ ra” từ các trang web “đen”. Sau đó được đưa lên các Blog cá nhân để sẵn sàng phục vụ những đối tượng “nghiện” truyện tranh sex nhưng lại không thể tìm thấy các cuốn truyện tranh này trên thị trường.
Mặc dầu thế giới Blog là thế giới ảo song những chủ nhân của chúng lại là những con người thật. Qua việc sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh trên Blog có thể cho thấy phần nào suy nghĩ, tính cách của người đã tạo ra nó. Đáng quan ngại là chủ nhân và độc giả của các Blog “đen” phần lớn đang ngồi trên ghế nhà trường. Mức độ độc hại và những tác động tiêu cực tới tâm hồn, nhận thức của người đọc từ những Blog “đen” là điều không thể phủ nhận.
Với việc nhận diện nghiêm túc những ẩn họa khôn lường có thể xảy ra từ các Blog “đen”, các cơ quan chức năng, nhất là Trung tâm An ninh mạng cần nhanh chóng vào cuộc để có thể truy tìm tên, địa chỉ thật chủ nhân của các Blog “đen”, từ đó có những biện pháp xử lý thích đáng.
So với việc tìm địa chỉ, tên thật của những người tạo ra các trang web “đen”, việc “nhận dạng” những người tạo ra các Blog “đen” có thể được thực hiện dễ dàng hơn do chủ nhân của chúng thường xuyên lên mạng để “viết” nhật ký. Trong các tiết dạy Tin học ở nhà trường, giáo viên cũng cần thường xuyên nhắc nhở, giáo dục về mức độ tác hại của các blog “đen”; đồng thời, hình thành cho học sinh kỹ năng và sức “đề kháng” cần thiết để không bị cuốn hút bởi các Blog không lành mạnh.
BÙI MINH TUẤN
.
.
Blog “đen” đang tấn công học đường!
Thứ Hai, 05/01/2009, 07:43 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.