Theo dự kiến, vào năm 2010, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, lấy kết quả để xét tuyển vào đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) và trung cấp chuyên nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề này cho đến nay đã tốn quá nhiều công sức, tiền bạc, giấy bút với các cuộc hội thảo, lấy ý kiến… nhưng vẫn còn không ít băn khoăn, lo ngại.
Tuyển sinh ĐH là khâu quan trọng trong hoạt động giáo dục vì nó tác động đến giới trẻ. Việc vào được giảng đường ĐH có thể được xem là cổng dẫn đến con đường lập thân của giới trẻ, góp phần quyết định sự thành đạt trong tương lai của họ... Vậy nên hay không nên tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và dùng kết quả đó để xét tuyển vào ĐH và CĐ? Thực tế cho thấy, tình trạng thay đổi kế hoạch liên tục trước và sau mỗi kỳ thi tuyển sinh là điều gây bức xúc cho xã hội và các trường trong thời gian qua.
Quy chế thi tuyển sinh mỗi năm mỗi khác, các nhà quản lý giáo dục cũng chóng mặt, huống gì thí sinh, gia đình và các trường. Cụm từ “đổi mới tuyển sinh” dường như trở nên quen thuộc, nhưng càng đổi mới thì càng rối rắm. Rốt cuộc vẫn chẳng thấy sáng kiến thật sự nào của Bộ GD-ĐT, mà chỉ có những tuyên bố rằng “Bộ dự kiến…”, rồi sau đó vì có quá nhiều ý kiến bàn cãi nên Bộ rút lui ý tưởng đó.
Nhiều nhà quản lý giáo dục cho rằng nếu áp dụng phương án “2 trong 1”, bỏ kỳ thi ĐH, sẽ tiết kiệm không nhỏ cho thí sinh, phụ huynh và cả xã hội. Nhiều người cũng bức xúc về việc “ôm sô” của Bộ GD-ĐT trong công tác tuyển sinh vào ĐH, CĐ khiến các trường hoàn toàn bị động, rồi nảy sinh ra bao rối rắm về nguyện vọng 1, 2, 3, chỉ tiêu tuyển sinh, tuyển vượt chỉ tiêu..., bởi các trường và các ngành đào tạo đều có mục tiêu cũng như yêu cầu khác nhau.
Tại Hội thảo “Đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ” được tổ chức tại ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng tuyển sinh là việc của các trường ĐH, không phải việc của Bộ GD-ĐT; Bộ chỉ nên quản lý việc cấp học bổng, bảo đảm học bổng được cấp đúng đối tượng, công bằng và hiệu quả mà thôi. Nếu làm được điều này, sẽ dẫn đến việc bãi bỏ kỳ thi quốc gia như hiện nay và các trường được quyền tự quyết định phương thức tuyển sinh phù hợp.
Tham khảo cách thức tuyển sinh ở các nước khác trên thế giới sẽ thấy, nền giáo dục của các nước bạn không cải cách xoành xoạch như ở Việt Nam. Chẳng hạn như ở Hà Lan, các trường ĐH không tổ chức thi tuyển sinh mà chỉ xét tuyển để chọn ra những học sinh xuất sắc nhất dựa vào kết quả học tập của học sinh ở bậc THPT.
Ở Hàn Quốc, việc tuyển sinh ĐH dựa vào kỳ thi tuyển sinh ĐH chung cho cả nước (60%), kết hợp với việc xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT hoặc thi tự luận, phỏng vấn và thực hành theo nhu cầu của từng trường (40%). Ở Nhật Bản, kỳ thi ĐH được tổ chức trên toàn quốc theo phương pháp thi trắc nghiệm, các môn thi được xác định tùy theo mỗi trường.
Ở Mỹ, các trường ĐH xét tuyển dựa trên kết quả học tập ở THPT và kết quả trong kỳ thi SAT (năng khiếu học thuật, kiểm tra năng lực tư duy của học sinh THPT) hoặc ACT (tương tự như SAT) - Đây là những kỳ thi được xem là dịch vụ đánh giá kết quả học sinh phục vụ tuyển sinh ĐH. Ở Nga, từ năm 2000 đã tiến hành tổ chức một kỳ thi quốc gia duy nhất ở bậc cuối phổ thông để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH. Các trường ĐH hàng đầu ở Nga có thể lấy những thí sinh đạt từ 95-100 điểm kỳ thi quốc gia và tổ chức thêm một kỳ thi bổ sung để lựa chọn các ứng viên xuất sắc nhất...
Dù có nhiều phương án tuyển sinh khác nhau như thế nào đi chăng nữa thì điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng “đầu ra”. Chúng ta cứ hay kêu ca rằng sinh viên tốt nghiệp ra trường không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Phải chăng chất lượng đào tạo vẫn phải được đặt lên hàng đầu, hơn là ngồi săm soi, mổ xẻ cách thức chọn “đầu vào”? Cần siết chặt “đầu ra” để mỗi sinh viên ra trường đều đủ khả năng làm việc và cống hiến. Siết chặt “đầu ra” cũng là biện pháp để hạn chế tình trạng có quá nhiều cử nhân thất nghiệp, gây lãng phí bao nhiêu công sức, tiền bạc của gia đình, nhà trường và xã hội.
Mặc dù các nhà quản lý giáo dục từ các trường đã cơ bản thống nhất phương án “2 trong 1” là hợp lý bởi nó vừa phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam, vừa tăng cường tính liên thông, liên tục giữa các bậc học trong quá trình giáo dục, nhưng vẫn phải chờ quyết định chính thức từ phía Bộ GD-ĐT. Bộ sẽ hết loay hoay để bắt đầu áp dụng “2 trong 1” từ năm 2010 hay sẽ tiếp tục lùi lại?
Thiên Bình