.

Những áp lực bên ngoài cổng trường

.

Ở nhiều trường học, giáo viên và học sinh vẫn phải dạy - học trong môi trường ô nhiễm nghiêm trọng nhưng không cách nào khắc phục được vì vượt quá tầm tay của ngành giáo dục. Trong khi Bộ GD&ĐT phát động phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” với mục tiêu huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong và ngoài nhà trường để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện cho học sinh khi đến trường được an toàn, thân thiện.

Nắng bụi, mưa bùn

Trường mầm non Ngọc Lan bị “kẹp” giữa hai cơ sở chế tác đá mỹ nghệ.

Nằm cạnh đường Hoàng Văn Thái - con đường chạy thẳng vào bãi rác Khánh Sơn - nơi tập trung từ rác sinh hoạt đến rác thải y tế, lại gần một cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nên để nằm trong “top” các trường đạt tiêu chuẩn Xanh - sạch - đẹp của quận Liên Chiểu là cả một nỗ lực của thầy trò Trường tiểu học Hồng Quang (Liên Chiểu, Đà Nẵng). Tùy theo từng hướng gió, hoặc những hôm chuyển trời từ mưa sang nắng, những ngày nóng nực thì không khí ở đây bị ô nhiễm thực sự. Chưa kể, mỗi lần xe vận chuyển rác chạy ngang qua, rác và nước thải trong xe chảy vương vãi xuống đường một lúc lâu sau, người vẫn còn cảm giác nhộn nhạo.

Ngay trước Trường tiểu học Hồng Quang là con đường “nắng bụi, mưa bùn”. Không thể thống kê được lượng xe chạy ngang qua trường mỗi ngày. Hết xe ben chở đá (cách trường không xa là mỏ đá - PV), rồi xe chở xăng dầu, xe đám ma (đường Hoàng Văn Thái cũng dẫn đến nghĩa trang thành phố - PV) cày nát con đường, mặt đường nham nhở ổ voi, ổ gà. Thầy Nguyễn Hỷ - Hiệu trưởng nhà trường, nói mà như than: “Nhiều lúc nhìn học sinh mà chảy nước mắt.

Có những em đến lớp áo quần, tóc tai, cặp sách bị dính đầy bùn đất do xe ô-tô chạy ngang qua nên bị bắn bùn”. Những ngày nắng, tình hình cũng không được cải thiện là bao bởi để giảm bớt lượng bụi, có xe phun nước chạy qua thì đường đầy bùn; ngược lại, mặt đường khô ráo thì bụi mù mịt.

Trường tiểu học Hồng Quang đã phải trồng một dãy cây xanh ngay tường rào và một dãy cây khác trước các lớp học để giảm lượng bụi bay vào lớp. Nhà trường cũng đã trồng một vườn cây thuốc nam và một vườn sả để tránh rắn rít; UBND quận Liên Chiểu đã cấp kinh phí để trang bị cho nhà trường hệ thống xử lý nước bằng tia cực tím.
 
“Chúng tôi nỗ lực hết sức để cải thiện môi trường học đường, chất lượng dạy học năm sau cao hơn năm trước; thế nhưng, mỗi năm nhà trường mất khoảng một lớp 1 do phụ huynh cho con em sang học ở những địa bàn khác” - thầy Hỷ cho biết. Năm học 2008-2009 này, theo số liệu điều tra phổ cập, có 38 học sinh ở độ tuổi ra lớp 1 trên địa bàn phường đang theo học ở các trường tiểu học khác.

Cũng là trường đạt chuẩn quốc gia nhưng thầy trò Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện (quận Sơn Trà) lại có một nỗi khổ khác. Đến mùa mưa, bao quanh trường là mênh mông nước, trường học trở thành ốc đảo, phụ huynh phải cõng con đến trường.

Trường mới chỉ được đầu tư phòng học và sân chơi, tường rào cổng ngõ, đường vào trường chỉ là con đường tạm do một công ty xây dựng đổ đất lấp một đoạn hồ để… lấy đường chở nguyên vật liệu vào thi công. Còn Trường THCS Phạm Ngọc Thạch cũng nằm trên địa bàn quận Sơn Trà tuy đã đi vào hoạt động được 5 năm nhưng vì nằm trong khu quy hoạch nên đường sá vẫn chưa ổn định. Khách lạ đến thăm Trường Tô Vĩnh Diện và Phạm Ngọc Thạch thường hay phàn nàn nhìn thấy trường rồi mà tìm mãi mới thấy lối vào!

Chỉ mong… mất điện

chỉ cần một cơn mưa, con đường ngang qua Trường tiểu học Hồng Quang trở nên lầy lội.

Trong khi các công sở, xí nghiệp, trường học và cả nhà dân khốn khổ vì bị cúp điện thì cô trò Trường mầm non Ngọc Lan (quận Ngũ Hành Sơn) chỉ mong cứ mất điện thường xuyên. Cô Ông Thị Hoàng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Bữa nào điện cúp thì người mình nhẹ bẫng, không phải chịu tra tấn bởi những tiếng cưa, đục đinh tai nhức óc của những xưởng chế tác đá mỹ nghệ bên cạnh”. Trường mầm non Ngọc Lan bị “kẹp” giữa hai xưởng chế tác đá.

Đều đặn hằng ngày, giờ học của các cháu bắt đầu cũng là lúc xưởng đá “khởi động” một ngày cưa, đục mới với những âm thanh rin rít, ken két đến chói tai. “Những lúc giảng bài mới, tập hát… cô và trò phải nói như hét mà chưa chắc đã “đọ” nổi âm thanh phát ra từ những chiếc máy chẻ, mài đá xung quanh. Giáo viên ở đây ai cũng bị bệnh đau đầu”. Đấy là chưa kể, bụi đá đã trở thành nỗi ám ảnh của tập thể giáo viên.
 
Những ngày nắng, bụi đá bay đầy trong không khí khiến lớp học cứ như có một màn sương bao phủ. Để bảo đảm vệ sinh và sức khỏe cho học sinh, các cô giáo phải thường xuyên lau bàn ghế, các dụng cụ trực quan, đồ chơi, sàn nhà; khăn, màn rèm… cũng phải luôn được giặt giũ. Vào giờ ăn và nghỉ trưa, 30 cháu học sinh lớp nhỡ ở dãy phòng phía trước phải ghép chung với 17 cháu lớp nhà trẻ ở phòng sau để giảm thiểu ảnh hưởng của bụi đá và tiếng ồn.

Trường mầm non tư thục Hướng Dương cũng rơi vào tình trạng tương tự khi bao quanh trường là nhan nhản các cơ sở chế tác đá mỹ nghệ. Để hạn chế phần nào bụi đá và tiếng ồn, Trường mầm non Hướng Dương đã xây một bức tường thật cao và gắn thêm cửa sắt ở tất cả các phòng học. Giờ nghỉ, gần 240 học sinh được bố trí ngủ ở các phòng phía sau có cửa xếp kéo xuống.
 
“Thế nhưng, các cháu cũng chỉ ngủ được đến khoảng 13 giờ 30 phút thôi, chứ khi các xưởng đá bắt đầu giờ làm việc buổi chiều thì chịu, không cách gì ngủ được vì những âm thanh xé tai ấy” - cô Nguyễn Thị Hồng Phương, Hiệu trưởng Trường mầm non Hướng Dương cho biết.

Ngoài tiếng ồn từ những chiếc máy chẻ - mài - đục đẽo đá… hoạt động hết công suất; một lượng lớn axit dùng để làm nhẵn và đánh bóng đá được các cơ sở vô tư thải thẳng xuống đất mà không qua bất kỳ một hệ thống xử lý nào đã gây ô nhiễm không lường trước được.

Ông Nguyễn Lâm - Trưởng phòng GD&ĐT Ngũ Hành Sơn thừa nhận tình trạng bụi đá và tiếng ồn “tấn công” các trường học trên địa bàn quận. Thế nhưng, theo như ông Lâm, ngành giáo dục cũng “lực bất tòng tâm”. Hiện nay, cũng mới chỉ có quy định khoảng cách tối thiểu giữa các cơ sở kinh doanh karaoke, trò chơi điện tử, hàng Internet… chứ chưa có văn bản nào quy định khoảng cách cho cơ sở sản xuất cả, thế nên dù các hộ sản xuất có ký cam kết nhưng cũng chỉ là hình thức.
 
“Chúng tôi biết là sức khỏe và việc học của các cháu sẽ bị tác động ít nhiều bởi sự hoạt động của làng đá Non Nước. Hiện nay, UBND quận Ngũ Hành Sơn cũng đã có quy hoạch các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ tập trung tại một địa điểm khác, xa khu dân cư và trường học. Vì dự án này chưa được triển khai nên việc ô nhiễm trên là điều không thể tránh khỏi” - ông Lâm cho biết. Và như vậy, hàng ngàn giáo viên và học sinh một số trường vẫn phải tiếp tục dạy - học trong điều kiện ô nhiễm trầm trọng.

Hiền Lương

;
.
.
.
.
.