.

Sinh viên Đà Nẵng mang thông điệp Hòa Bình

.

Theo kết quả khảo sát của tàu Hòa Bình (Peace Boat), Đà Nẵng luôn dẫn đầu trong số những điểm dừng chân được yêu thích nhất. Có được điều này, có lẽ, cần nhắc đến sự đóng góp của các bạn sinh viên thành phố. Bằng những điều thật bình dị như cái nắm tay thắm thiết, trái bắp nướng chia đôi, những vòng xe gọi mời dạo phố…, sinh viên Đà Nẵng đã khiến những người bạn Nhật Bản phải thốt lên: Các bạn thật chân thành, hiếu khách. Đà Nẵng thật yên bình!

Tạo hình ảnh đẹp

Cùng thưởng thức trà Việt Nam…

Đã 39 lần tàu Hòa Bình vào Việt Nam, trong đó có đến 29 lần tàu cập cảng Đà Nẵng. Trong hành trình kéo dài ba tháng/mỗi chuyến, qua 18 quốc gia, ở mỗi nước, tàu Hòa Bình chỉ dừng chân tại một điểm trong khoảng thời gian một ngày. Riêng Đà Nẵng, khách đi tàu Hòa Bình thường lưu lại đến hai ngày, một đêm. Trong thời gian ấy, sinh viên Đà Nẵng đã có rất nhiều hoạt động khiến các bạn Nhật gần như “không đủ thời gian để chơi”. Nào là tập các bài hát, múa dân tộc, thi gói bánh tét, làm thiệp, thi nấu cơm, trò chơi vận động, cùng nhau đi ăn, đốt lửa trại và ngồi bên nhau quanh lò than vùi khoai nướng…

Anh Đoàn Đức Phước, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và giao lưu quốc tế, Thành Đoàn Đà Nẵng cho biết: “Trước mỗi lần đi đón tàu, chúng tôi luôn tập trung lại chỉ để nhắc nhau một điều: cố giữ hình ảnh đẹp trong mắt bạn bè quốc tế. Chúng tôi không dùng những từ lớn lao như “đại sứ hòa bình” để nói về các bạn sinh viên. Nhưng rõ ràng, qua 29 lần tàu Hòa Bình dừng lại Đà Nẵng cùng ánh mắt lưu luyến của du khách đã nói lên rằng: chính các bạn sinh viên đáng yêu đã giúp truyền tải tất cả thông điệp về con người, thành phố, đất nước đến với những người bạn từ nhiều vùng đất xa xôi”.

Huỳnh Thị Thu Hiền, cô sinh viên năm 1, ngành Sư phạm Mầm non, Đại học Sư phạm Đà Nẵng đã có… 12 lần đi đón tàu Hòa Bình. Mỗi đợt nghe tàu sắp cập cảng, Hiền lại rục rịch chuẩn bị áo dài, vài món ăn ngon và tìm hiểu thêm danh thắng để tình nguyện giới thiệu với các bạn Nhật Bản. Thu Hiền nói: “Trước khi đi, bao giờ em cũng nghĩ mình cần làm điều gì đó giúp mọi người hiểu hơn về phụ nữ Việt Nam, vẻ đẹp đất nước Việt Nam.

Em tự thấy mình đang mang một sứ mệnh, dẫu nhỏ bé thôi nhưng không thể lơ là vai trò làm nhịp cầu nối tình thân thiết giữa nước mình và các nước khác”. Võ Châu Tường Minh, chàng sinh viên năm 4, Khoa Điện, Đại học Bách khoa Đà Nẵng lại có cách bày tỏ thiện chí là luôn cười thật tươi và sẵn sàng giúp đỡ để chuyến tham quan của các bạn Nhật được vui. Minh còn nhớ, có lần thấy một bạn Nhật Bản ngồi ủ rủ sau hành trình dài, Minh đã đến bên cạnh trò chuyện giúp người bạn ấy quên đi sự mệt mỏi.

Những cánh thư không dừng

Những lá thư được các bạn Nhật Bản tra từ điển để viết bằng tiếng Việt.

Anh Đoàn Đức Phước khoe ba bức thư được chính những người bạn Nhật Bản gửi về. Đặc biệt, chủ nhân của những bức thư này tự tra từ điển để viết bằng tiếng Việt. “Tôi tên là Megumi, 25 tuổi. Quang bạn… 2 ngày. Cám ơn. Hạnh phúc lắm! Cảm động lắm! Bạn người đang (đáng) tin cậy”… Những dòng thư đứt đoạn được không chỉ Megumi mà nhiều người khác nắn nót viết từng chữ bày tỏ tình cảm với các tình nguyện viên, sinh viên Đà Nẵng. Anh Phước cũng cho biết:
 
“Dù đã rất nhiều lần đón và tiễn khách tàu Hòa Bình, nhưng lần nào cũng vậy, cả thanh niên Nhật Bản và sinh viên Đà Nẵng đều khóc nức nở. Có người từ Nhật theo tàu Hòa Bình đến Đà Nẵng rồi bay trở về. Người đó đi đến ba lần chỉ để được gặp và giao lưu với sinh viên Đà Nẵng. Có lần, một thanh niên Nhật Bản được sinh viên Đà Nẵng tặng một món quà nhỏ. Bất ngờ, cảm động, người bạn ấy đã… rút chiếc thắt lưng ra tặng đáp lại, rồi họ ôm chằm nhau khóc”.
 
“Không hiểu sao mới gặp nhau mà chia tay tụi em lại khóc nhiều đến vậy”, Thu Hiền nói. Một số bạn dù vốn tiếng Anh, tiếng Nhật khá hạn chế nên nói ngoại ngữ đến… mỏi cả tay, nhưng những cuộc chuyện trò “body language” ngôn ngữ bất đồng này lại khiến tình bạn giữa sinh viên Đà Nẵng và thanh niên Nhật Bản trở nên thắm thiết như tự bao giờ. Cho đến nay, Hiền, Minh vẫn đều đặn nhận thư từ những người bạn Nhật. Những bức thư tay được gửi qua bưu điện (không phải email) hằng tháng cứ đi đi về về giữa hai nước…

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.