Qua đến 14 lần soạn thảo, nhưng dự thảo chiến lược phát triển giáo dục (CLPTGD) Việt Nam 2009-2020 vẫn vấp phải nhiều ý kiến phản đối khi cho rằng nó chỉ giải quyết được phần ngọn, chưa đánh giá đúng thực trạng của giáo dục nước nhà để có những giải pháp hợp lý.
Từ 74 chỉ tiêu, dự thảo CLPTGD đã được rút xuống còn 50 chỉ tiêu. 24 chỉ tiêu được cắt giảm được cho là việc Bộ GD-ĐT tiếp thu nghiêm túc ý kiến đóng góp để điều chỉnh, đồng thời đó “không phải là sự xóa bỏ thô thiển mà giữ lại những gì có căn cứ để đối chiếu với thực tế và triển vọng thực hiện”. Chiến lược là phương hướng, hành động trong thời gian tương đối dài nhằm hướng đến một mục tiêu - tầm nhìn.
Song, nhiều chuyên gia đầu ngành và tâm huyết của ngành giáo dục cho rằng, đây không phải là CLPTGD, bởi chiến lược này được xây dựng trên nền tư duy cũ, không nêu được chính xác thực trạng của giáo dục hiện nay. Chẳng hạn như, việc nâng tỷ lệ sinh viên/vạn dân lên 450.000 vào năm 2020 là mục tiêu không hiện thực (số sinh viên/vạn dân năm 2007 là 226). Chỉ tiêu này không những sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng chạy theo con số, mà còn làm nở rộ các trường đại học hữu danh vô thực và cho ra trường những sinh viên kém chất lượng. Trong khi đó, đầu tư giáo dục mầm non lại không được chú trọng.
Trong lần trả lời phỏng vấn báo giới mới đây, giáo sư Hoàng Tụy, người đã dành cả đời gắn bó và tâm huyết với sự nghiệp giáo dục cho rằng, với 50 chỉ tiêu, mỗi chỉ tiêu đều đòi hỏi phải có nguồn lực đầu tư, nhưng tổng đầu tư nguồn lực của ta có giới hạn thì làm sao làm hết được. Theo giáo sư, chỉ cần tập trung vào một số mục tiêu quan trọng, và phải tính đến sự tương quan giữa các mục tiêu. Ông nói: “Cách làm chiến lược với những mục tiêu xa vời như thế là không khả thi, không khả thi không phải vì không có đủ nhân tài, vật lực mà là cách làm không đúng”.
Một trong những điều khiến xã hội kêu ca nhất vẫn là việc làm thế nào để học sinh ở bậc phổ thông học ít lại và giáo dục đại học cũng phải theo hướng để sinh viên có thời gian thẩm thấu kiến thức. Nhưng nói hoài nói mãi thì tình trạng này vẫn chưa được khắc phục và cũng không được chú trọng trong CLPTGD. Đặc biệt, CLPTGD còn chủ trương xóa bỏ biên chế tất cả giáo viên tuyển mới, nghĩa là đến năm 2010, 100% giáo viên được tuyển dụng thực hiện chế độ hợp đồng, ai dạy tốt sẽ được ký hợp đồng tiếp và không có biên chế.
Giải thích cho vấn đề này, Bộ GD-ĐT cho rằng, đây là một trong những giải pháp để nâng cao tính cạnh tranh là tạo sự phấn đấu cho người dạy. Theo đó sẽ có chính sách đánh giá thực chất từng người. Sinh viên đánh giá giảng viên, học sinh đánh giá giáo viên và trao quyền trả lương cho hiệu trưởng. Việc hiệu trưởng tự quyết định mức lương giáo viên sẽ bắt đầu trước hết ở các cơ sở đại học.
Năm 2007-2008, cả nước có hơn 170.000 giáo viên mầm non, gần 350.000 giáo viên tiểu học, hơn 310.000 giáo viên THCS, hơn 130.000 giáo viên THPT, gần 15.000 giáo viên trung cấp chuyên nghiệp, gần 60.000 giảng viên đại học. Với dự kiến bỏ biên chế giáo viên tuyển mới sẽ làm nảy sinh tâm lý không yên tâm công tác đối với những người thực hiện thiên chức trồng người, trong khi mức lương của giáo viên hiện tại chưa phải là hợp lý để giúp họ bảo đảm cuộc sống.
Hơn nữa, các cơ sở giáo dục vẫn chưa có những người quản lý có trình độ thật cao để đưa ra những đánh giá chính xác, giúp hiệu trưởng quyết định tiếp tục ký hợp đồng hay cắt hợp đồng với giáo viên, và kèm theo đó làm sao có thể bảo đảm chắc chắn rằng sẽ không có những tiêu cực xảy ra.
Giáo sư Hoàng Tụy cho rằng, ở nhiều nước khác trên thế giới, mỗi trường đại học là một đơn vị tự chủ, hiệu trưởng được ký mọi quyết định về nhân sự, bổ nhiệm, lương, nhưng tất cả đều phải qua một quy trình nghiêm ngặt. Ông cho biết, riêng với các trường phổ thông chưa nghe ai nói hiệu trưởng được quyền quyết định mức lương cho giáo viên cả. Vì thế, theo giáo sư, ở Việt Nam, với cơ chế như hiện nay thì việc hiệu trưởng quyết định mức lương cho giảng viên thật sự là điều khó thực hiện được…
Các chuyên gia cho rằng, trong khi nền giáo dục Việt Nam vẫn còn quá nhiều điều ngổn ngang, cần phải cải cách, đổi mới thì việc vội vàng, đi tắt, đón đầu, đòi hỏi phải ngang bằng trình độ với nước này nước nọ là điều không hợp lý. Và bài toán cải cách nền giáo dục Việt Nam xem ra vẫn còn xa vời.