Không chỉ có những đứa trẻ Việt kiều mới có nhu cầu đến những ngôi trường tiểu học chuyên dạy tiếng Việt. Ở đất nước Triệu Voi, hàng trăm cán bộ, học sinh thuộc các bộ tộc Lào ngày đêm miệt mài cắp sách đến các Trung tâm tiếng Việt...
Những khởi động đầu tiên
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và Đại học Champasak tại Trung tâm tiếng Việt Champasak. |
Theo ông Chơ-long Si-xuồng, Giám đốc của trung tâm, từ đó đến nay, đã có 5 khóa học được tổ chức với số lượng 126 HV; trong đó có 27 học sinh. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của chính quyền Đà Nẵng cũng như của Đại học Đà Nẵng, khóa 2 (tổ chức từ tháng 8-2007 đến tháng 5-2008) với 29 HV đã được học trực tiếp từ giáo viên của Trường Đại học Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) theo giáo trình dạy tiếng Việt dành cho người nước ngoài của Sở GD-ĐT thành phố.
Trường ĐH Sư phạm cấp chứng chỉ cho các HV hoàn thành khóa học, trong đó có 18% đạt loại giỏi và 10,4% đạt xuất sắc. “Để có được kết quả này, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ chính quyền thành phố Đà Nẵng và các đơn vị liên quan, từ việc hỗ trợ cơ sở vật chất đến trang thiết bị, giáo viên ngôn ngữ.
Việc hỗ trợ này luôn cần thiết đối với chúng tôi”-Ông Chơ-long Si-xuồng khẳng định. Ông cũng cho rằng, từ chính sách hợp lý trong đào tạo tiếng Việt, nhiều cán bộ, học sinh của tỉnh cũng như của địa phương Mục-đa-hản (Thái Lan) đã có điều kiện được tiếp cận với tiếng Việt một cách thuận lợi, ít tốn kém, tạo tiền đề quan trọng cho việc đào tạo nguồn cán bộ của địa phương tại Việt Nam; đồng thời, đây là cơ hội để thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa các địa phương cũng như giữa Lào và Việt Nam được tốt hơn.
Tọa lạc trong khuôn viên Đại học Champasak ở thị xã sầm uất Pakse, TTTV tại tỉnh Champasak được xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2007 cũng với tổng kinh phí xây dựng 800 triệu đồng và trang thiết bị trị giá 120 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của Đà Nẵng. Theo ông Si-nhăm-tạt Mi-ta-lay, Giám đốc Đại học Champasak, đến nay, trung tâm này mới chỉ mở được một khóa đào tạo tiếng Việt với 28 HV ban đầu, chủ yếu là cán bộ được cử đi học. Tuy nhiên, đến nay, chỉ còn 4 HV theo học ở trung tâm.
Cần sự đầu tư lâu dài
Giải thích về hiện tượng HV bỏ học nhiều tại các TTTV, ông Si-nhăm-tạt Mi-ta-lay cho hay, là do giáo viên và HV của trung tâm phải ở trọ tại nhà nghỉ cách nơi học đến 10 km. Nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do cán bộ được cử đi học còn thiếu thời gian đầu tư cho việc học, trong khi chưa có những chính sách khuyến khích cũng như ràng buộc chung. Để giải quyết vấn đề này, Giám đốc TTTV tỉnh Savanakhet đề xuất, nếu cử cán bộ đi học tiếng Việt, thì lãnh đạo địa phương, đơn vị phải tổ chức học tập, ăn ở tập trung tại trung tâm để cán bộ toàn tâm toàn ý cho việc học.
Nhiều vấn đề về nâng cao chất lượng dạy và học tại các TTTV tại Lào đã được đặt ra từ thực tiễn hoạt động. Theo anh Xon-xay Luống-u-đôm, giáo viên phụ trách dạy tiếng Việt tại TTTV Champasak, bên cạnh những ràng buộc đối với HV, thì điều quan trọng là cần phải có đội ngũ giáo viên dạy tiếng Việt đạt chuẩn. Giáo viên phải là những người Việt đang giảng dạy ở các trường sư phạm hoặc ít nhất là những người được đào tạo chuyên ngành tiếng Việt tại các trường ở Việt Nam.
Điều này được thể hiện qua chất lượng đào tạo ở TTTV Savanakhet trong khóa 2. Hiện nay, ở các TTTV, giáo viên chủ yếu vẫn là những người Lào được đào tạo tại Việt Nam nhưng không phải chuyên ngành sư phạm hoặc tại các khoa tiếng Việt dành cho người nước ngoài. “Theo tôi, lựa chọn tốt nhất vẫn là giáo viên sư phạm người Việt Nam”-Anh Xon-xay Luống-u-đôm khẳng định.
Còn theo ông Si-nhăm-tạt Mi-ta-lay, Giám đốc Đại học Champasak, thì trong thời gian tới, để hỗ trợ cho TTTV tại đây hoạt động tốt hơn, Đại học Champasak sẽ thành lập khoa Ngôn ngữ học, trong đó có bộ môn tiếng Việt. Mối quan hệ hỗ trợ đào tạo đã được liên kết với các trường đại học ở Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, thành phố Hồ Chí Minh; đội ngũ giáo viên cũng đã được cử đi học để triển khai thực hiện dự án này trong thời gian tới.
Trong chuyến thăm và làm việc vào cuối năm 2008 với các tỉnh Trung và Nam Lào của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng do Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh dẫn đầu, Đà Nẵng đã ký thỏa thuận hỗ trợ xây dựng lại TTTV tại Savanakhet với tổng kinh phí dự kiến 3 tỷ đồng; trao 8 suất học bổng hỗ trợ đào tạo giáo viên tiếng Việt tại Đại học Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) trong thời gian 5 năm; đưa giáo viên Việt Nam sang đào tạo tiếng Việt trong thời gian 1 năm; hỗ trợ trang thiết bị luyện nghe tiếng Việt và một số giáo trình liên quan... cho các TTTV của Savanakhet và Champasak. |
Bài và ảnh: ANH QUÂN