.

Khi trẻ được đưa vào… chuẩn

.

Dự thảo Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi vừa được Bộ GD-ĐT đưa ra ngay lập tức đã gây “sốc”, bởi nếu bộ chuẩn này được thực hiện thì sẽ có không ít người lo lắng khi con mình có thể không đạt… chuẩn.

Bộ GD-ĐT cho rằng, mục đích của Bộ chuẩn cho trẻ 5 tuổi này là làm căn cứ cho việc điều chỉnh và phát triển chương trình giáo dục mầm non, chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non, xây dựng các tài liệu có liên quan đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
 
Ngoài ra, căn cứ vào bộ chuẩn này, các giáo viên sẽ điều chỉnh kế hoạch, nội dung giáo dục, lựa chọn biện pháp tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp. Tuy nhiên, xem qua tất cả 29 chuẩn, bao gồm 125 chỉ số ở 4 lĩnh vực: nhận thức, tình cảm; quan hệ xã hội, ngôn ngữ; giao tiếp, nhận thức và sẵn sàng với việc học, chắc hẳn người lớn còn thấy chóng mặt bởi có quá nhiều điều được áp đặt cho trẻ 5 tuổi. Theo Bộ GD-ĐT, “chuẩn là yêu cầu về năng lực mà chúng ta mong muốn trẻ biết và có thể làm được”. Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả mong muốn đều được quy về cái gọi là “chuẩn” và được đem lên bàn cân.

Với mục đích và ý nghĩa như Bộ GD-ĐT nêu ra, việc đặt ra chuẩn có thể là cần thiết nhưng Bộ dường như đang ôm đồm và đang vẽ ra viễn cảnh phát triển trẻ em trong thời hiện đại thành những người máy chứ không còn là những đứa trẻ lên 5 hồn nhiên nữa. Chẳng hạn như, các chỉ số Bật xa tối thiểu 50 cm bằng 2 chân; Chạy liên tục 150m không tính thời gian (không bỏ cuộc giữa chừng); Quan tâm, thích thú đối với các hiện tượng trong thiên nhiên (đời sống của động vật, thực vật và sự thay đổi của chúng); Thể hiện cảm xúc (sờ, ngắm nhìn, ngạc nhiên, sung sướng…) trước vẻ đẹp của thiên nhiên và sản phẩm tạo hình; Thích chăm sóc cây cối, con vật thân thuộc, v.v… đều là những yêu cầu không hề sát với thực tế.
 
Trong khi đối với người lớn, có người thích hội họa và có người không thích, nhưng trẻ thì phải thể hiện cảm xúc ngạc nhiên, sung sướng… trước vẻ đẹp của thiên nhiên và sản phẩm tạo hình; có người lớn yêu thích con vật này nhưng không thích con vật kia, nhưng trẻ thì phải quan tâm, thích thú với đời sống của động vật…

Đó là chưa nói đến những chuẩn phụ thuộc vào môi trường cũng như nếp sống, sự dạy bảo từ phía gia đình, và hoàn toàn nằm ngoài khả năng của các giáo viên mầm non; nhiều chuẩn khác lại phụ thuộc vào năng khiếu, giới tính và đặc điểm riêng biệt của trẻ nhưng đang được đánh đồng tất cả trong bộ chuẩn. Đó là chưa nói đến những chuẩn rườm rà như: che miệng khi ho, hắt hơi, ngáp; chọn quần áo phù hợp với thời tiết…

Mỗi trẻ em có cách phát triển khác nhau. Không thể tạo ra một khuôn mẫu để rồi nếu không đạt các tiêu chí thì đánh giá trẻ không bình thường. Hơn nữa, việc đặt ra quá nhiều chuẩn chỉ càng tăng thêm áp lực cho trẻ, tăng áp lực cho giáo viên và tăng áp lực cho gia đình, bởi không có bậc cha mẹ nào lại muốn trong hồ sơ cá nhân của con mình bị gắn mác “dưới chuẩn”, nghĩa là “trẻ không bình thường”. Rồi đây, thay vì để trẻ phát triển tự nhiên, hoặc chú trọng khuyến khích, phát triển năng khiếu, nhà trường và gia đình sẽ ép trẻ vào khuôn mẫu.

Và tất nhiên, kèm theo đó là bao nhiêu thứ trẻ lên 5 cần phải học: học chữ, đếm số, hát, vẽ, âm nhạc, bật xa, ném và bắt bóng, thể hiện cảm xúc, sử dụng lời nói, thể hiện văn hóa giao tiếp… Rồi đây, hầu hết trường mầm non sẽ đua nhau chạy theo thành tích để hạn chế con số trẻ không đạt chuẩn, nhà nhà cũng đua nhau chạy theo thành tích. Căn bệnh thành tích sẽ nở hoa từ chính bậc học mầm non vốn đầy ắp tiếng cười trong trẻo nhất và giúp trẻ làm quen với môi trường học - chơi.

Với Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi, dường như đã qua rồi cái thời “Trẻ em như búp trên cành/ biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”! Đây là chuẩn dành cho trẻ, hay là chuẩn mà người lớn áp đặt cho trẻ?

BÌNH YÊN



;
.
.
.
.
.