* 100% xã phường, quận huyện đạt chuẩn quốc gia phổ cập tiểu học đúng độ tuổi
(ĐNĐT) - Sáng ngày 28-2, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010”. Đồng chí Nông Thị Ngọc Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố chủ trì Hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Theo báo cáo của Sở Giáo dục-Đào tạo, trong 3 năm (2005-2008) triển khai thực hiện Đề án xã hội học tập, đã đạt được những kết quả: Tỉ lệ người biết chữ ở độ tuổi 15-25 tuổi đạt 99,6 %; 26-35 tuổi đạt 99,6 % và 36-45 tuổi đạt 99,5 %. Tính đến tháng 12-2008, 100 % xã, phường và 100% quận, huyện đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; 50/56 xã, phường đạt chuẩn phổ cập bậc trung học cơ sở đúng độ tuổi.
Trong 3 năm, đã có 36.789 người được cấp các chứng chỉ bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ cấp độ A, B, C và 34.789 người được tham gia học tập các chuyên đề hành dụng và chuyên đề phổ biến kiến thức nâng cao chất lượng cuộc sống. Hằng năm có từ 60- 70 nghìn lượt người học tập tại các Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ), Trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp (TTGDTX-HN), Kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp; 22.000 lượt người được bồi dưỡng các chương trình khuyến nông-lâm-ngư.
Từ năm 2004-2008, thành phố chi 34 tỉ đồng để cử 181 học sinh phổ thông đi đào tạo đại học trong và ngoài nước và 32 tỉ đồng để cử 53 cán bộ công chức đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài…
Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo Huỳnh Văn Hoa nêu lên những hạn chế, khó khăn trong việc triển khai Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010”, trong đó, nhận thức của các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên ở một số địa phương còn rất hạn chế, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện Đề án; phần lớn các TTHTCĐ thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nên hoạt động còn khó khăn; chế độ, chính sách cho cán bộ, giáo viên làm công tác xóa mù chữ và học viên xóa mù chữ, bổ túc văn hóa không phù hợp với thực tế, không tạo được động lực để khuyến khích, động viên người dạy và người học; một số cơ quan, ban, ngành, hội, đoàn thể chưa quan tâm đúng mức công tác lập kế hoạch triển khai phối hợp thực hiện quy định của Đề án xây dựng xã hội học tập…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nông Thị Ngọc Minh đánh giá cao những kết quả đạt được trong 3 năm thực hiện Đề án , đồng thời, yêu cầu trong thời gian đến, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tiếp tục nỗ lực tập trung xây dựng, hình thành xã hội học tập vững mạnh; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc xây dựng xã hội học tập, thông qua các hoạt động khuyến học khuyến tài, phát triển gia đình hiếu học; ngành giáo dục-đào tạo phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh hoạt động của các TTGDTX-HN, TTHTCĐ, để các trung tâm này hoạt động hiệu quả hơn; chú trọng xây dựng nội dung hoạt động của các TTHTCĐ phải phù hợp, hữu ích với mọi đối tượng. Ngoài ra, các ngành, hội, đoàn thể cần chủ động triển khai các biện pháp xây dựng xã hội học tập trong cơ quan, đơn vị mình, thông qua các hoạt động khuyến học, khuyến tài…
Tin và ảnh: Ngọc Đoan