.
TƯ VẤN NGHỀ NGHIỆP TRONG TRƯỜNG HỌC

Giúp học sinh chọn hướng đi đúng

.

Mặc dù còn nhiều tháng nữa mới đến kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ và TCCN 2009, nhưng các trường THPT, TTGDTX-HN trên địa bàn thành phố đã và đang tổ chức nhiều hoạt động tư vấn tuyển sinh, như: xây dựng góc tư vấn-thông tin tuyển sinh, định hướng cho học sinh chọn trường, chọn ngành, nghề đăng ký dự thi phù hợp với khả năng và sở trường của bản thân…

Nhờ thực hiện tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp trong nhà trường, những năm gần đây, tỷ lệ học sinh đỗ đại học tăng dần qua từng năm.

Những năm gần đây, trong mỗi buổi chào cờ đầu tuần của Trường THPT Thái Phiên đã có thêm chương trình giới thiệu những nội dung thi tuyển sinh. Thời gian dành cho việc giới thiệu về những thông tin tuyển sinh chỉ khoảng 10 đến 15 phút, nhưng rất bổ ích đối với học sinh, đặc biệt là học sinh khối lớp 12. Ngoài ra, Ban giám hiệu nhà trường còn dùng áp phích thông tin, giới thiệu ngành nghề đào tạo của một số trường ĐH, CĐ, TCCN, điểm sàn, tỷ lệ chọi, điểm chuẩn của các trường trong những kỳ tuyển sinh trước để học sinh lớp 12 tham khảo. Qua đó, các em cân nhắc, lựa chọn ngành nghề phù hợp trước khi làm hồ sơ đăng ký dự thi.

Theo em Nguyễn Thục Duyên, học sinh lớp 12A16 Trường THPT Thái Phiên, thoạt đầu, em dự định năm nay sẽ thi vào ngành Công nghệ sinh học, nhưng sau khi nghe thầy cô tư vấn, cũng như tìm hiểu thông tin từ góc tuyển sinh của trường, em đã thay đổi dự định và sắp đến thi vào ngành Y khoa cho phù hợp với mình hơn. Nhờ vào công tác tư vấn, phổ biến thông tin về tuyển sinh của nhà trường, nhiều học sinh đã “ngộ” ra và có sự lựa chọn phù hợp với năng lực, sở trường của mình.
 
Ông Lê Trung Chinh, Hiệu trưởng Trường THPT Thái Phiên cho biết, bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường tập trung làm tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để giúp các em có sự lựa chọn phù hợp. Nhờ vậy, tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào ĐH, CĐ tăng lên hằng năm. Năm học 2007-2008, nhà trường có 30,1% học sinh lớp 12 trúng tuyển ĐH, CĐ (tăng 7% so với năm học 2006-2007).

Qua tìm hiểu về xu hướng chọn nghề của học sinh phổ thông hiện nay, phần lớn các giáo viên chủ nhiệm lớp 12 đều đưa ra nhận xét: Học sinh thường chọn ngành nghề theo cảm tính hoặc chạy theo một số ngành nghề thời thượng, đang có nhu cầu “nóng”. Điều này xuất phát từ những quan niệm sai lầm của các em, do thiếu hiểu biết, không căn cứ vào năng lực bản thân, nhu cầu của xã hội. Ngoài ra, cũng có không ít học sinh lựa chọn nghề nghiệp theo định hướng của bố mẹ hoặc sự lôi cuốn của bạn bè… Bởi vậy, hoạt động tư vấn, hướng nghiệp ra đời trong những năm gần đây đã kịp thời giúp các em có cái nhìn  đúng đắn để quyết định chọn nghề cho mình sau này.

Đến nay, hầu như các trường THPT ở Đà Nẵng đã tổ chức chương trình tư vấn nghề nghiệp đối với học sinh. Các trường đều thành lập Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN. Ngay sau ngày khai giảng năm học mới, để chuẩn bị tâm thế chọn trường cho các em học sinh lớp 12, các trường THPT đã cung cấp những thông tin về điểm sàn, tỷ lệ chọi, điểm chuẩn của các trường ĐH, CĐ của mùa tuyển sinh trước đó; đồng thời, phát phiếu điều tra định hướng nghề nghiệp để có căn cứ theo dõi và tư vấn cho học sinh.

Ông Phạm Văn Xê, Giám đốc TTGDTX-HN quận Hải Châu cho biết, do đầu vào của học sinh thấp, nên trung tâm chỉ hướng các em thi vào các trường CĐ, TCCN để phù hợp với năng lực. Trường hợp, những em thật sự giỏi thì thầy cô sẽ định hướng và tạo mọi điều kiện giúp đỡ để những em này thi vào ĐH. Nhờ đó, số học sinh thi hỏng trong những năm qua không nhiều. Ông Xê chia sẻ kinh nghiệm: “Khi đã nắm bắt được nguyện vọng, khả năng của học sinh và nhu cầu của xã hội, việc tư vấn, định hướng ngành nghề cho học sinh sẽ rất có hiệu quả. Và nhất thiết, công tác tư vấn phải được khởi động ngay từ đầu năm học chứ không đợi đến thời điểm các em làm hồ sơ tuyển sinh mới bắt đầu triển khai”.

Nhờ công tác tư vấn, hướng nghiệp được tổ chức tốt và hiệu quả ở nhà trường, tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ và TCCN đã tăng lên liên tục trong những năm qua. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng thi tuyển sinh và tạo sự đồng đều giữa các trường, ngành Giáo dục-Đào tạo cần đưa ra những giải pháp phù hợp để giảm sự “chênh” nhau giữa chất lượng dạy học của các trường khu vực thành thị và nông thôn.

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.