.

Vượt khó đưa con vào đại học

.

Gia đình anh Trần Duy Dũng (ảnh) (1960) hành nghề xe ôm và chị Huỳnh Thị Kim Liên (1967) làm nghề bán bún, hiện trú tại tổ dân phố 22, phường Tam Thuận (quận Thanh Khê) là gia đình sống biết lo xa.

Năm 1981, Dũng hoàn thành nghĩa vụ quân sự và về với đời thường, trong ba lô chỉ có vài bộ quân trang đã bạc màu. Năm 1985, Dũng kết hôn với Liên, hai vợ chồng sống trong căn nhà vách ván, lợp tôn, nền đất, chưa có tivi, tủ lạnh, ánh sáng ban đêm là cây đèn dầu. Với đức tính cần cù chịu thương, chịu khó, qua nguồn vốn vay xóa đói, giảm nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội và sự hỗ trợ bằng vốn quay vòng của Chi hội Phụ nữ, vợ chồng anh Dũng sắm được chiếc xe máy để đi thồ và dụng cụ để bán bún. Nhờ khéo nấu, khéo mời, quán bún của chị Liên mỗi ngày thêm đông khách hơn.

Với sự tảo tần của một đôi vợ chồng giàu nghị lực, quyết tâm vươn lên thoát nghèo bằng sức lao động của chính mình, xong công việc buổi sáng, chị Liên tranh thủ nấu thêm nồi cháo xương thập cẩm phục vụ khách buổi chiều; với chiếc xe Honda “ôm”, Dũng sẵn sàng phục vụ 24/24 giờ, người hàng xóm cũng như khách vãng lai, không bao giờ Dũng năn nỉ đòi tăng giá. Dũng và Liên sống lao động, tăng thu nhập theo thành ngữ “tay có làm, hàm có nhai”. Đời sống gia đình anh chị dần dần vượt qua khốn khó, các con học giỏi chăm ngoan.

Hiện nay, đứa con trai đầu  của anh chị học Đại học Bách Khoa Đà Nẵng sắp ra trường; đứa con gái út học lớp 10 Trường THPT Phan Châu Trinh. Hiện tại nhà cửa đã nâng thêm một tầng, nền lát gạch bông, có tivi, tủ lạnh, quạt máy, đèn nê-on, có cả xe máy cho hai con trai đi học, mỗi đứa con có góc học tập sáng sủa, ngăn nắp. Trao đổi với bà con khu dân cư về sự thành công của mình về việc nuôi, dạy con ăn học Dũng nói: “Trong một buổi lên lớp cho cán bộ chiến sĩ, ông Chính trị viên tiểu đoàn đã khắc sâu vào ký ức tôi những điều không thể nào quên được:

Các đồng chí hạ sĩ quan, không bao lâu nữa sẽ rời quân ngũ, trở về với đời thường, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương, làng xóm phải chú ý một điều – không tự kiêu tự mãn, phải lắng nghe sự lãnh đạo của Đảng, của chính quyền, phải gương mẫu đi đầu, chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các phong trào do địa phương tổ chức. Về phần nuôi dạy con, nhất thiết phải thuận vợ, thuận chồng”.

Từ những lời tri kỷ của đồng chí Chính trị viên tiểu đoàn, vợ chồng tôi ý thức được không có tài sản nào quý bằng sự hiếu học, sự thông minh; không có vinh quang nào quý hơn học vấn, hiểu biết và lòng yêu Tổ quốc Việt Nam..., nếu cha mẹ quan tâm đến việc học hành của con cái là điều hạnh phúc lớn hơn biển đông, cao hơn đỉnh Olympia.

NGUYỄN TRUNG THÀNH

;
.
.
.
.
.