.

“Chất” trong đào tạo tiến sĩ

Dự thảo quy chế đào tạo tiến sĩ (TS) do Bộ GD-ĐT vừa công bố ngày 2-3-2009 dự kiến sẽ bắt đầu áp dụng từ năm 2010 quy định nhiều yếu tố đối với người học, người hướng dẫn nghiên cứu sinh và cả cơ sở đại học, viện nghiên cứu.

Theo dự thảo, các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học phải có ít nhất 5 công trình nghiên cứu khoa học hằng năm công bố trên các tạp chí khoa học, có phản biện độc lập, có uy tín ở trong hoặc ngoài nước mới được đào tạo TS. Những cơ sở đào tạo có từ 30% số luận án không đạt yêu cầu thẩm định trong năm sẽ bị dừng tuyển sinh năm kế tiếp, có từ 30% luận án không đạt trong 2 năm liên tiếp sẽ bị dừng thành lập hội đồng đánh giá luận án và cấp bằng TS…

Các cơ sở đào tạo TS phải lập website và cập nhật toàn bộ nội dung luận án TS lên mạng. Người hướng dẫn nghiên cứu sinh phải là GS, PGS hoặc có bằng TS ít nhất 3 năm, có các bài báo, công trình nghiên cứu khoa học công bố trong 5 năm trở lại đây… Ngoài ra còn có các yêu cầu khác, trong đó yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, chẳng hạn như được chọn một trong 5 ngoại ngữ: Anh, Pháp, Đức, Trung, Nga; đối với tiếng Anh cần có chứng chỉ TOEFL, IELTS…

Dự thảo mới của Bộ GD-ĐT đưa ra với hy vọng sẽ tạo ra tính đột phá nhằm khắc phục những bất cập trong công tác đào tạo TS trong nhiều năm qua. Thực tế, trước yêu cầu phát triển, việc đào tạo TS là cần thiết trong khi ở Việt Nam hiện tại số lượng cán bộ giảng dạy đại học có bằng TS quá ít (khoảng 15.000 TS), nhưng số TS thường xuyên có công trình nghiên cứu khoa học càng ít hơn. Theo khảo sát của Hội đồng Giáo sư Nhà nước được thực hiện vào năm 2008, có 70% người tốt nghiệp TS làm quản lý và chỉ chưa đầy 30% làm nghiên cứu và giảng dạy...

Dự thảo lần thứ 14 về Chiến lược phát triển Giáo dục Việt Nam 2009-2020 đề ra mục tiêu vào năm 2020 có 450 sinh viên/1 vạn dân; 20 sinh viên /1 giảng viên, năm 2020 sẽ phải có 225.000 giảng viên, trong đó hệ cao đẳng là 50.000 và đại học là 175.000. Ở hệ cao đẳng có 80% giảng viên đạt trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó có 15% TS; 100% giảng viên đại học đạt trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó có 30% là TS.

Từ dự thảo này, GS Phạm Phụ thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh thử làm một phép tính về số lượng TS cần có trong năm 2020 sẽ là: 50.000 giảng viên cao đẳng x 15% + 175.000 giảng viên đại học x 30% = 60.000 TS, nghĩa là trong 12 năm đến phải đào tạo thêm 45.000 TS. Tuy nhiên, để đạt được con số “lãng mạn” này và bảo đảm về “chất”, tránh cho “ra lò” những “TS giấy” quả thật không phải là điều đơn giản, nhất là khi vẫn còn tình trạng nhiều người muốn học vị cao để có “chỗ đứng”.

Thực tế cho thấy, nhiều luận án TS tuy bảo vệ thành công nhưng chẳng có giá trị, dù về lý luận hay thực tiễn cũng không đóng góp gì mới mẻ cho nền khoa học nước nhà, đó là chưa nói đến sự trùng lặp trong các đề tài, gây tốn kém và lãng phí rất lớn cho Nhà nước, cho cá nhân người học và cho các trường đại học, các viện nghiên cứu.
 
Đúng như nhận định tại một hội thảo bàn về cải tiến tuyển sinh và nâng cao chất lượng đào tạo TS được tổ chức vào cuối năm ngoái ở TP. Hồ Chí Minh. Các đại biểu tham dự hội nghị này đã cho rằng, trong các luận án TS kinh tế tại Việt Nam, rất ít luận án tổng quan được các lý thuyết mới, nhiều luận án có số liệu điều tra, số liệu thống kê nhưng ít được áp dụng kỹ thuật hoặc công cụ phân tích hiện đại, tính logic trong trình bày và giải quyết vấn đề của nhiều luận án rất kém...

Hơn nữa, việc tổ chức đào tạo TS tại Việt Nam được thực hiện theo 2 hình thức tập trung và không tập trung. Nhưng trên thực tế, quy trình đào tạo TS ở các trường đều không thực hiện được do phần lớn các nghiên cứu sinh ít gắn bó với công tác chuyên môn, thời gian dành cho học tập và nghiên cứu không nhiều. Số liệu thống kê cho thấy 94% nghiên cứu sinh đều học tập theo hình thức không tập trung. Điều này được xem là một hạn chế lớn trong công tác đào tạo bậc TS.

Dự thảo quy chế mới về đào tạo tiến sĩ với những yêu cầu khắt khe hơn nhìn chung sẽ thu hẹp được “đầu vào”, nhưng vấn đề “đầu - ra - đủ - chất” vẫn là một bài toán nan giải cho giáo dục đại học nước nhà.
        
Bình Yên

 

;
.
.
.
.
.