.

Định hướng trước mùa thi

.

Năm 2008, tỷ lệ thí sinh (TS) đậu đại học (ĐH) của TP. Đà Nẵng là 21,61% (5.461 TS trúng tuyển/25.270 TS đăng ký dự thi), tăng 0,61% so với năm 2007. Phát huy thành tích đó, trước mùa tuyển sinh 2009, ngành GD&ĐT TP tiếp tục có những động thái tích cực, tăng cường đào tạo, tư vấn để gặt hái được những kết quả cao hơn.

 Để những thí sinh dự thi đại học tự tin bước vào mùa tuyển sinh, cần trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng vững vàng.

Chỉ còn không ít thời gian nữa sẽ khép lại thời hạn đăng ký dự thi ĐH theo hệ thống Sở GD&ĐT (hạn cuối đến ngày 10-4-2009). Đây chính là thời điểm hết sức quan trọng và có tính quyết định đối với mỗi TS trước kỳ thi ĐH. Sự lựa chọn của các em, những thay đổi quan điểm về chọn ngành, chọn nghề trong thời điểm này rất dễ xảy ra. Nắm bắt được vấn đề đó, ngành GD&ĐT TP nhận thức: nếu không có sự định hướng rõ rệt, hỗ trợ các em trong thời điểm nhạy cảm này sẽ dễ dẫn đến việc các em sẽ đi lệch hướng.

Nâng cao chất lượng tuyển sinh đối với ngành GD&ĐT Đà Nẵng luôn được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong từng năm học. Ông Huỳnh Văn Hoa - Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định: “Chúng tôi coi việc nâng cao chất lượng tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN chính là góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, cũng là nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài”.

Một trong những nhiệm vụ đặt ra của Sở GD&ĐT TP với các trường, phòng GD để làm tốt công tác tuyển sinh, đó là việc phối hợp chặt chẽ với Thành Đoàn, các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình tăng cường thông tin về tuyển sinh, tổ chức nhiều các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, cung cấp thông tin liên quan đến tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN để học sinh nhận thức đầy đủ về chủ trương tuyển sinh 2009 cũng như những kết quả của mùa thi trước.

Từ kết quả về tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN năm 2008, học sinh có thể tự nhận xét về năng lực của mình, đối chiếu với yêu cầu và kiến thức những môn cần thi tuyển, để không phải chọn nhầm ngành nghề, không ảo tưởng về năng lực. Đồng thời, ngành GD-ĐT còn trực tiếp phối hợp với các trường ĐH, CĐ, TCCN - đặc biệt là với những trường đóng trên địa bàn TP làm tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu về trường, ngành đào tạo, kiến thức-kỹ năng có được sau khi tốt nghiệp ra trường và kỹ năng tìm kiếm việc làm… từ đó giúp phụ huynh, học sinh chọn trường học, ngành học phù hợp cho con mình.

Không những quan tâm đến việc tư vấn bề nổi, Sở GD&ĐT còn đưa ra những yêu cầu đến từng trường THPT trong việc nâng cao trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn trong việc chuẩn bị kiến thức, kỹ năng làm bài, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Ông Vũ Đình Chuẩn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP nhấn mạnh: “Hơn ai hết, thầy cô giáo chính là người hiểu được năng lực học tập của từng học sinh, và có thể giúp các em nhìn nhận được những hướng đi đúng theo năng lực học tập cũng như mong ước của mình”.

Ngay cả trong kỹ năng làm bài thi, với hệ thống thi trắc nghiệm, tự luận, cũng chính giáo viên là người sẽ tập cho các em làm quen với những phần thi, cũng như trang bị cho các em những kiến thức nào cần nhất cho các kỳ thi. Vì vậy, ngành GD-ĐT đã chỉ đạo xuống từng trường, đề xuất nhà trường phải có biện pháp giúp đỡ học sinh tăng cường học ở trường, hạn chế học thêm mà vẫn có đủ kiến thức, kỹ năng tham dự các kỳ thi ĐH, CĐ, TCCN.

Đồng thời, yêu cầu giáo viên phải tích cực cải tiến phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính sáng tạo, tự lực và tích cực học tập của học sinh. Ngành còn hướng dẫn tổ chức hội thảo, diễn đàn trong nhà trường về phương pháp học, cách làm bài thi đạt kết quả cao; đề nghị các trường THPT chú trọng mời các chuyên gia tâm lý về nói chuyện với học sinh lớp 12 về các thức chọn nghề, chọn trường, về học hiệu quả và sáng tạo; mời cán bộ, giảng viên ĐH hướng dẫn kinh nghiệm làm bài thi cho học sinh qua kinh nghiệm chấm thi của các thầy cô ở các trường ĐH.

Thêm một khía cạnh nữa đó là đề nghị các trường nhanh chóng hoàn thành việc xây dựng và đưa vào sử dụng website thông tin của đơn vị mình, trong đó chú trọng việc hình thành thư mục “Tư vấn tuyển sinh”, nhằm tăng cường công tác tư vấn tuyển sinh qua mạng bằng việc đăng tải đầy đủ các thông tin về các trường ĐH, CĐ, TCCN trong và ngoài nước, quy chế, quy định trong tuyển sinh… để giáo viên và học sinh tìm tòi, tham khảo…

Tỷ lệ TS đậu ĐH của TP Đà Nẵng năm 2008 xếp thứ 2 trong 5 thành phố (Hải Phòng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ) thuộc cụm thi đua vùng 7. Tuy vậy, tỷ lệ 21,61% chưa phải là con số cao nhất mà ngành GD-ĐT TP trông đợi. Công tác nâng cao chất lượng tuyển sinh luôn được ráo riết thực hiện. Mùa tuyển sinh 2009, ngành hy vọng, tỷ lệ này sẽ cao hơn nữa.

VIẾT THANH

;
.
.
.
.
.