Năm học trước, toàn phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) có 12 học sinh (HS) trong độ tuổi đến trường nghỉ học do trượt tuyển vào THPT. Từ đầu năm học này đến nay, có 5 HS nữa nghỉ học đang được vận động trở lại trường. Để chấm dứt tình trạng này, những lớp học “lo xa” đã được mở trên địa bàn phường, dành cho hơn 260 HS THCS học lực yếu có nguy cơ bỏ học.
Hiệu quả của việc mở các lớp phụ đạo tại Hòa Quý cần được xem xét kỹ lưỡng để tương xứng với sự đầu tư. |
“Khai giảng” vào ngày 15-1 vừa qua, lớp có 26 em trong danh sách chính thức, dành cho những HS có học lực yếu hoặc nguy cơ bị yếu, căn cứ trên kết quả học tập của năm học trước. Cả phường Hòa Quý có 8 điểm học tập như vậy dành cho 268 HS. Thế nhưng, không phải tất cả các em đến lớp đều đặn vào mỗi buổi học, được tổ chức vào các ngày thứ 3, 4 và 6 mỗi tuần, buổi sáng dành cho các khối lớp 6 và 8, buổi chiều là khối lớp 7 và 9, mặc dù giáo viên, cán bộ của tổ dân phố đến phường đều tích cực vận động phụ huynh và học sinh thường xuyên.
Ở lớp, các em được hướng dẫn tự ôn bài và chuẩn bị bài mới cho các ngày học trong tuần. Giáo viên kiểm tra và giúp đỡ các em làm việc này thuận lợi hơn. Việc theo dõi chuyên cần và kết quả học tập của các em được phối hợp nhịp nhàng giữa giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn ở trường và người phụ trách lớp do tất cả đều là giáo viên của Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Ban Giám hiệu nhà trường. Cô Kim Huệ cho hay, nếu sự phối hợp này được thường xuyên, tích cực và có sự chủ động của các giáo viên, sẽ giúp các em tiến bộ rất nhiều trong học tập.
Em N.X.H, HS lớp 6, lưu ban năm học trước, đến nay vẫn xếp loại yếu. Em cho biết, được theo học lớp này, em cảm thấy dễ thuộc bài hơn, vì nếu không hiểu chỗ nào thì em hỏi cô hoặc các bạn. Vì vậy, khi lên lớp, em dễ trả bài cũ và nắm bài mới nhanh hơn. “Những năm trước, học ở nhà, chẳng biết hỏi ai vì ba mẹ thường xuyên đi làm. Với lại, đến lớp này, có nhiều bạn, học dễ vô hơn” - Em H. tâm sự. Không chỉ thu hút được HS trong danh sách, mà lớp học này cũng có khá nhiều HS có kết quả học tập khá hoặc giỏi tự nguyện đăng ký theo học cũng với lý do trên.
Em Nguyễn Quang Nhựt, HS lớp 8/4 cho biết, em tự nguyện xin ba mẹ và thầy cô cho đến học lớp này để dễ học hơn; không biết chỗ nào thì hỏi cô, còn chỗ nào mình biết thì giúp lại các bạn khác. Chỉ mới một thời gian ngắn, nhưng đã có những HS tiến bộ thực sự trong học tập theo mô hình này, thể hiện qua kết quả học tập học kỳ vừa qua. Cô Kim Huệ cho biết, ở điểm này, sắp tới sẽ chỉ còn 15 em trong danh sách chính thức được phụ đạo. Khi được biết mình sẽ bị loại khỏi danh sách này do... học khá, cô bé Lê Thị Ly Lai, HS lớp 6/1 hồn nhiên: Nhưng em sẽ xin cô cho tiếp tục được học lớp này, vì vui quá!
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn đến trong việc xây dựng các lớp học như thế này để nâng cao chất lượng học tập của HS nhằm hướng đến giải quyết vấn đề HS bỏ học do học yếu. Trước tiên là việc đầu tư cơ sở vật chất khá tốn kém cho các điểm học này. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ cho mỗi giáo viên đứng lớp hằng tháng 900 nghìn đồng cũng sẽ “ngốn” một khoản kinh phí không nhỏ.
Còn nữa, theo cô Kim Huệ thì việc lo cho lớp học này cũng tác động nhiều đến chất lượng giảng dạy chính khóa ở nhà trường của giáo viên. Giáo viên cũng không thể giỏi đến mức có thể phụ đạo tất cả các môn học, nhất là cho lớp cuối cấp. Đây là những vấn đề cần xem xét lại để làm sao hiệu quả phải tương xứng với đầu tư, đồng thời trở thành một mô hình nhân rộng trong việc giải bài toán HS bỏ học do học yếu hiện nay.
Bài và ảnh: ANH QUÂN