Trong khi giá cả các mặt hàng ngoài chợ, trên thị trường hiện nay vẫn bình thường thì kể từ khi trở lại trường sau Tết Nguyên đán đến nay, sinh viên (SV) phải chịu ngay một cơn bão giá bất thường: phòng trọ tăng giá mạnh; cơm bình dân 10.000 đồng/đĩa (chưa kể cơm thêm); bánh mỳ 5.000 đồng/chiếc; ngay món ăn vặt rẻ như… bánh bèo của SV cũng tăng từ 1.000 đồng/3 cái lên 2.000 đồng…
Phòng trọ: giá cả tăng, chất lượng xuống
Đường vào một dãy phòng trọ nhếch nhác - 3 cột bê-tông bắc qua cống rãnh hôi thối. |
Các khu vực có phòng trọ cho SV thuê nhiều nhất là chung quanh các trường ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm, ĐH Kinh tế, CĐ Đông Á, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Kiến trúc, CĐ Công nghệ... và hầu hết các dãy trọ đều tăng giá thuê phòng từ 50.000-100.000 đồng so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Các dãy nhà trọ ở các đường Đống Đa, Lý Tự Trọng, Ông Ích Khiêm - chung quanh trường CĐ Đông Á, CĐ Công nghệ mỗi phòng đều đã có giá từ 450.000 - 550.000 đồng/tháng.
Khu vực chung quanh Trường ĐH Kinh tế, giá phòng cũng tăng từ 80.000-100.000 đồng/tháng. Các xóm trọ trên đường Phạm Như Xương, Nguyễn Khuyến (khu vực Trường ĐH Sư phạm); Ngô Sĩ Liên, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Lương Bằng (khu vực Trường ĐH Bách khoa)… phần lớn đều tăng ít nhất 50.000 đồng/tháng. Đặc biệt, vì trường mới chuyển xuống trung tâm thành phố, nên phòng trọ cho SV thuê ở chung quanh Trường ĐH Ngoại ngữ rất khan hiếm và giá được đẩy cao lên mức kỷ lục: 550.000-700.000 đồng/tháng.
Phòng trọ tăng giá nhưng chất lượng vẫn như cũ, có rất nhiều phòng tạm bợ, kém chất lượng. Không tính số ít những phòng được xây dựng mới, sau đợt bão Xangsane (tháng 10-2006), hầu hết các phòng trọ đều được tu sửa lại, nhưng chất lượng phòng ở vẫn không hơn gì, thậm chí tạm bợ hơn trước đó. Đại đa số các phòng trọ đều lợp bằng tôn, mái thấp nên mùa hè nóng bức, mùa đông thì ẩm ướt; cửa ngõ tạm bợ, nhiều dãy trọ chẳng có hàng rào nên tình trạng bị mất cắp, bị đột nhập là rất phổ biến, SV thường xuyên bị mất quần áo, ĐTDĐ, máy vi tính, tiền mặt…
Chung quanh khu vực phòng ở, có những tụ điểm đổ rác hay gần cống rãnh rất ô nhiễm, nhiều mùi hôi thối và muỗi, chuột, rất dễ gây bệnh. Nhiều SV sống ở những dãy phòng trọ phía sau Trường ĐH Sư phạm phải chịu cảnh dơ bẩn, ruồi muỗi, thậm chí khi ngủ, chuột, gián còn lên cả giường bởi những cống, rãnh nước lân cận. Vào mùa mưa, hoặc những cơn mưa lớn mùa hè, tình trạng ô nhiễm còn nặng hơn...
Khốn đốn vì tăng giá
Giá cả phòng trọ tăng, các mặt hàng khác phục vụ nhu cầu SV cũng tăng theo, nay cơm bình dân chung quanh Trường ĐH Bách khoa là khu vực rẻ nhất cũng đã 10.000 đồng/đĩa, mà đĩa cơm thì bé tí, xin thêm chén cơm phải trả 2.000 đồng nữa; bánh mỳ 5.000 đồng/chiếc; xôi trắng đậu phụng hoặc chỉ với tương ớt mặn 5.000 đồng/đĩa; ngay món ăn vặt rẻ như… bánh bèo của SV cũng tăng từ 1.000 đồng/3 cái lên 2.000 đồng…
Bạn Phan Hoàng - SV Trường ĐH Bách khoa thuê chỗ trọ cách xa trường nay phải trả 300.000 đồng/tháng (ở một mình). Ở đây mỗi tháng tiền điện phải trả cũng ngang ngửa với tiền phòng, nhiều bạn SV thắc mắc chẳng hiểu công-tơ điện dởm hay sao mà chạy phi mã: mỗi phòng cũng ít nhất 150 kWh/tháng (và tính 2.000 đồng/kWh), dù chỉ dùng máy vi tính, đèn và quạt.
Hoàng kêu trời: “Khổ quá, ra Tết ba mẹ cho 1,2 triệu đồng mang vào, nhưng chỉ sau 18 ngày, em đã tiêu tốn 2 triệu đồng rồi, dù đã nhịn bữa sáng và thắt chặt chi tiêu vì phải miệt mài ôn thi lại 3 môn. Một bạn SV nhẩm tính: Mỗi ngày nhịn ăn sáng, chỉ ăn 2 bữa cơm đói (không mua bát cơm thêm) vị chi là 600.000 đồng/tháng; cho tiền phòng, điện, nước, Internet 400.000 đồng/tháng; tiền card điện thoại 100.000 đồng/tháng; bút, vở, photo, in ấn tài liệu 100.000 đồng/tháng - đã ngốn hết 1,2 triệu đồng/tháng rồi. Thêm 300.000 đồng bỏ trong túi để tiêu vặt… Như vậy, tổng cộng một SV tiêu tốn ít nhất 1,5 triệu đồng/tháng. Quả là một số tiền không hề nhỏ, đi đứt thu nhập hằng tháng của một công chức bình thường!
Tăng giá bất thường hay thả nổi quản lý?
Những vấn đề nêu trên, ngoài lỗi của các chủ nhà trọ, chủ quán cơm…, còn có lỗi quản lý của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Việc quản lý kinh doanh phòng trọ cho SV, công nhân thuê từ trước đến nay vẫn bị thả nổi, không có ai quản lý, kiểm tra chất lượng phòng trọ… Bây giờ đã tăng giá thuê phòng như vậy, ít tháng nữa khi Nhà nước chính thức đánh thuế thu nhập cá nhân với các chủ nhà trọ, chắc chắn giá phòng sẽ tăng lên 10-20% nữa để bù vào phần đã bị đánh thuế.
Nhiều SV đặt dấu hỏi về một sự không công bằng: một hộ dân bình thường chỉ trả tiền điện 550 đồng/kWh, còn với các hộ kinh doanh phòng trọ cho SV thuê được tính giá điện kinh doanh, hoặc không để rồi phải chịu tiền phạt cao ngất ngưỡng và hậu quả là SV phải gánh chịu cái giá 2.000 đồng/kWh điện, gấp gần 4 lần so với một hộ dân bình thường.
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP