.

Đằng sau những huy chương

.

Trong 5 năm trở lại đây, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã có 9 giải thưởng trong các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bằng 90% so với tổng số học sinh đạt giải trong 22 năm kể từ khi thành lập trường. Đằng sau sự vinh danh tên tuổi của học sinh Việt Nam trên trường quốc tế là sự hy sinh, nỗ lực thầm lặng và bền bỉ của những người thầy…

Nghệ thuật của người “cầm cương”

Thầy giáo Ngô Ngọc Thủy (thứ 5, từ trái sang) và học sinh Huỳnh Minh Toàn trở về sau cuộc thi Olympic Vật lý châu Á - Thái Bình Dương 2008.

Trong số 9 giải quốc tế của học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn thì khối chuyên Tin học “sở hữư” hai giải: Em Phạm Xuân Thành và Nguyễn Bá Cảnh Sơn - đều đoạt Huy chương bạc Olympic Tin học quốc tế năm 2004 và 2008. Thành và Sơn đều là “học trò ruột” của thầy giáo Hoàng Tư Anh Tuấn. Môn Tin học không nằm trong hệ thống các môn thi đại học nên để học sinh theo học, rồi đam mê nó cho đến cùng là cả một nghệ thuật của người thầy.
 
Học sinh “lọt” vào lớp chuyên Tin học hầu hết đều mê những môn học khác như Toán - Lý - Hóa, nhưng không đủ điểm nên mới phải “ngậm ngùi” theo học Tin học. Thế nên, nhiệm vụ hàng đầu của người thầy là phải khơi gợi ở học sinh sự đam mê, khả năng tìm tòi, khám phá. Nhưng theo thầy Tuấn, như thế vẫn chưa đủ, bởi để các em yên tâm theo học đội tuyển, còn phải “đả thông” tư tưởng cho phụ huynh.

Sự hỗ trợ, tin tưởng của phụ huynh đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của thầy và trò. Rồi người thầy cũng phải biết cách “phanh” học sinh lại đúng lúc. Nếu không dung hòa, các em sẽ không điều phối thời gian đầu tư cho các môn học một cách hợp lý, sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập. Như một cam kết ngầm, những học sinh tham gia đội tuyển Tin học đều thi đỗ đại học với kết quả cao.

Làm giáo viên, đối với thầy Tuấn, không đơn thuần là nghề mà đã trở thành nghiệp. Tốt nghiệp khoa Toán Trường ĐH Sư phạm Quy Nhơn năm 1982, sau một thời gian giảng dạy tại huyện Quế Sơn, thầy Anh Tuấn chuyển công tác vào Quảng Ngãi quê vợ. Trước những khó khăn của cuộc sống gia đình, Anh Tuấn rời bục giảng, làm đủ thứ nghề để mưu sinh.
 
Khi chuyển cả gia đình trở lại Đà Nẵng sinh sống, vợ chồng thầy Tuấn đã phải mở quán bán cà-phê vỉa hè. Thế nhưng, sau những lo toan thường nhật là sự đau đáu về nghề, nỗi nhớ bục giảng, trường lớp đã thôi thúc thầy phải trở lại với nghề dạy học. “Mình chưa hình dung con đường sắp tới, nhưng có một điều chắc chắn là không thể kéo dài tình trạng như thế này mãi. Thế là hai vợ chồng bàn bạc, quyết định phải bắt tay làm lại từ đầu”, thầy Tuấn nhớ lại.

40 tuổi, thầy Hoàng Tư Anh Tuấn trở thành sinh viên của khoa Tin học - Trường ĐH Quốc gia Hà Nội. Tin học lúc bấy giờ còn là một ngành khá mới mẻ ở nước ta. “Học tin học mà tôi gần như là học chay, không có tiền để ra ngoài thuê máy thực hành. Rồi như là cơ duyên, tôi được nhận về Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn - lúc đầu là với ý định chỉ thử việc để có điều kiện làm việc trên máy tính nhiều hơn. Chính môi trường làm việc ở đây đã “giữ chân” tôi ở lại”.

Sau 2 năm dạy Toán - Tin, thầy Tuấn tập trung chuyên sâu môn Tin học rồi “nắm” luôn đội tuyển học sinh giỏi. Ngoài hai học sinh đoạt giải trong kỳ thi Olympic Tin học quốc tế, dưới sự dạy dỗ tận tâm, nhiệt tình của thầy và tổ Toán - Tin, đã có nhiều học sinh lớp chuyên Tin đạt thành tích cao tại các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, Tin học trẻ toàn quốc, Sáng tạo KH-KT dành cho thanh-thiếu niên, nhi đồng và nhiều cuộc thi viết phần mềm khác.

Thời kỳ Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn chưa được đầu tư máy móc hiện đại như bây giờ, để học sinh có điều kiện “vọc” máy nhiều hơn, nhất là những em gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chưa trang bị được máy tính ở nhà, căn nhà riêng của gia đình thầy trở thành “đại bản doanh” của đội tuyển Tin.

Nhiệt tâm với nghề nghiệp, luôn tìm tòi, cập nhật những kiến thức mới và có phương pháp giảng dạy hiệu quả, và quan trọng hơn cả là khơi gợi và nuôi dưỡng được niềm đam mê ở học sinh, thầy Anh Tuấn đã được Trung ương Đoàn tặng thưởng Huy chương Vì thế hệ trẻ…

Khi lòng tự trọng nghề nghiệp được khơi gợi

Sân bay quốc tế Đà Nẵng đã rất nhiều lần đón thầy trò thầy Ngô Ngọc Thủy rạng rỡ trở về sau những thành công trong các kỳ thi quốc tế và khu vực. Tấm Huy chương đồng năm 2004 của Nguyễn Công Thành trong kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế “mở màn” cho nhiều Huy chương vàng, bạc Olympic Vật lý quốc tế và châu Á sau này của học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn như em Bùi Đức Thắng, Huỳnh Minh Toàn.

Năm 2000, theo sự điều động của Sở GD&ĐT Đà Nẵng, thầy Ngô Ngọc Thủy chuyển từ Trường THPT Trần Phú về Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. “Thực tình là mình không muốn đi một chút nào. Hơn ai hết, mình biết nhận sự điều động này là không hề đơn giản. Nhưng rồi vì lòng tự trọng nghề nghiệp, mình chấp hành sự phân công của cấp trên. Về Trường Lê Quý Đôn, mình hầu như “tay trắng”, tuần nào cũng phải đi lùng tài liệu chuyên sâu, đọc lại sách vật lý cao cấp…” - thầy Thủy nhớ lại.

Để có thể phát hiện đúng những học sinh có đủ tư chất vào đội tuyển quốc gia, là công việc đòi hỏi tính quyết đoán, nhạy bén của người thầy. Trong năm học lớp 10, phải hình thành được nhóm học sinh này; “nếu chọn sai người thì mình khổ một, học trò khổ mười” - thầy Ngô Ngọc Thủy tâm sự. Rồi phải làm sao cân bằng được lượng kiến thức để những học sinh đại trà trong lớp có thể “nuốt trôi” nhưng nhóm học sinh thuộc đội tuyển vẫn đủ tầm để thi đấu. “Khi đã nhắm được những học sinh sẽ nằm trong đội tuyển bồi dưỡng, thì phải tạo cơ hội cho các em thể hiện trước lớp. Làm được điều đó, các em sẽ xác định được động cơ và niềm tin để phấn đấu”.

Học sinh giỏi hầu hết đều rất cá tính, thế nên muốn thành công, người thầy phải “thu phục” sự nể trọng của học sinh, có như vậy các em mới có sức bật. “Quản học sinh nhưng không được ép bởi ở tuổi này, các em thường có nhiều mối bận tâm. Nếu mình hời hợt thì chắc chắn cũng sẽ nhận lại ở học trò sự đối xử tương tự”. Công việc của một giáo viên phụ trách đội tuyển, vì vậy, không đơn thuần chỉ là truyền đạt kiến thức mà cả kỹ năng sống cho học sinh, kịp thời phát hiện những chuyển biến dù là nhỏ nhất trong suy nghĩ, tình cảm của các em để có những điều chỉnh kịp thời.
 
Câu chuyện của cậu học sinh đoạt Huy chương bạc kỳ thi Olympic Vật lý châu Á và Huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế 2008 Huỳnh Minh Toàn là một ví dụ. Khi hỏi về bí quyết thành công, Toàn cho biết em quan niệm rằng trong một thời điểm, chỉ có thể làm tốt một việc, nên phải xác định được thứ tự ưu tiên. Đây cũng chính là bài học mà thầy Thủy làm như vô tình để Toàn tự rút lấy cho mình.
 
Từ kinh nghiệm của nhiều năm nắm đội tuyển, thầy Thủy cho rằng một khi học sinh có năng khiếu, nếu được trang bị  thật vững vàng kiến thức nền tảng thì chắc chắn trong thi cử, các em sẽ tự tìm được “đường thoát thân” trước những câu hỏi hóc búa. “Biết được cái khó của mình từ đâu đến, biết được tham vọng của mình đến đâu” - là những gì mà nhiều thế hệ học sinh chuyên Lý của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn học được từ thầy Ngô Ngọc Thủy. Đây mới thực sự là “cẩm nang” cho học trò của thầy bước vào cuộc sống.

HIỀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.