Trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, ngoại ngữ đã trở thành yêu cầu bức thiết. Nhu cầu giao thương với nước ngoài đòi hỏi trình độ ngoại ngữ, nhất là Anh ngữ của cán bộ, công chức phải được nâng cao. Tuy nhiên, để tự tin giao tiếp, trao đổi với người nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam hoặc ra nước ngoài để học hỏi, tìm hiểu nâng cao kiến thức về phục vụ quê hương đất nước, v.v… thì khó có thể trông chờ nhiều vào những người đang sở hữu những tấm bằng ngoại ngữ loại A, B hay C, mà hiện nay rất dễ bắt gặp ở nhiều cơ quan, đơn vị của Nhà nước…
Đã có một thời kỳ, phong trào học ngoại ngữ ở Đà Nẵng diễn ra rầm rộ, rất nhiều trung tâm Anh ngữ mọc lên ở mọi nơi. Đó là chưa kể các khóa tại chức, đào tạo từ xa… cũng liên tục phát triển. Trong các bản kê khai về trình độ ngoại ngữ của công chức, thường có ghi ít nhất cũng là bằng A, còn B và C cũng không hiếm. Tuy nhiên, những tấm bằng này, đối với khá nhiều người, gần như chỉ là một “tấm giấy thông hành vào đời”, một “bửu bối” để hợp thức hóa các yêu cầu cần có của một người mỗi khi đi xin việc, thi công chức, để xét lên lương, đi thi chuyên viên chính, thi cao học…
Thực tế, rất nhiều người, trong đó có khá nhiều bạn trẻ gặp khó khăn trong vấn đề giao tiếp, nhất là với khách nước ngoài. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khi tuyển nhân viên yêu cầu có bằng B ngoại ngữ trở lên. Nhiều người đã đáp ứng yêu cầu này, nhưng giữa bằng cấp và thực tế có một khoảng cách khá xa. Chất lượng và số lượng hoàn toàn không đi liền với nhau. Phần lớn chỉ diễn đạt được những câu giao tiếp thông thường.
Đã có nhiều sở, ban, ngành có cán bộ, công chức tốt nghiệp đại học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh hệ chính quy và thành phố cũng quy định mỗi đơn vị phải tự lo việc phiên dịch mỗi khi giao tiếp với đối tác nước ngoài đến làm việc với cơ quan mình. Tuy nhiên, hầu như không có cơ quan nào tự túc được khâu này mà vẫn “cầu viện” đến Sở Ngoại vụ, trong khi đơn vị này, về chức năng chỉ phục vụ công tác đối ngoại của cơ quan Đảng, chính quyền thành phố.
Có khá nhiều trường hợp, chỉ vì không đáp ứng được tiêu chuẩn ngoại ngữ mà đành phải để vuột mất cơ hội ra nước ngoài để học hỏi. Thực trạng trên dẫn đến việc có một vài cơ quan, có người được đi nước ngoài đến mức “bội thực” vì thành thạo tiếng Anh, trong khi lại có cơ quan phải có công văn phản hồi là không tham gia được vì không có người đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ mà khóa học hay cuộc hội thảo nào đó ở nước ngoài đặt ra.
Cũng phải nhìn nhận một cách khách quan là, cho dù trong thực tế, nhiều người đạt được yêu cầu về trình độ ngoại ngữ để đi nước ngoài học hỏi, công tác nhưng trong thời gian công tác, do ít có cơ hội giao tiếp nên vốn ngoại ngữ dần mai một đi.
Học và nghiên cứu tiếng Anh không phải chỉ là việc tiếp thu một kiến thức, mà chủ yếu là thực hành và thể hiện. Sở Ngoại vụ thành phố, nơi hội tụ nhiều người giỏi về ngoại ngữ có trình độ nhưng không ít người, nhất là sinh viên loại khá, giỏi về ngoại ngữ, kể cả đã du học ở nước ngoài về nhưng một số “đến rồi lại đi”, cũng có người coi đây là “trạm dừng chân” để đi đến những cơ quan, doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài mà ở đó, có thu nhập hấp dẫn hơn nhiều.
Trong bối cảnh các dự án đầu tư từ nước ngoài, các sự kiện mang tầm quốc tế sẽ diễn ra ở Đà Nẵng ngày một nhiều hơn thì nhu cầu về ngoại ngữ của người Đà Nẵng phải thực sự được nâng cao hơn nữa về chất. Những sinh viên được đào tạo bài bản về ngoại ngữ, những đối tượng của Đề án “Đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài”, sau khi về lại thành phố, cần được khai thác tối đa trình độ, năng lực về ngoại ngữ, làm sao để mỗi lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan đến các ngành chủ lực như xúc tiến đầu tư, du lịch… đều có sự hiện diện của những người giỏi ngoại ngữ.
Quan trọng hơn là phải tạo môi trường thuận lợi để giữ chân nguồn nhân lực chưa phải là dồi dào này, tạo điều kiện để họ yên tâm công tác, thường xuyên được trau dồi kiến thức ngoại ngữ, có cơ hội để giao tiếp quốc tế… Có như vậy Đà Nẵng mới có đủ lực để vươn ra biển lớn và hội nhập cùng cả nước.
Dân Hùng
.
.
Đối thoại một mình:
Công chức và ngoại ngữ
Thứ Hai, 27/04/2009, 07:32 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
- Công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2009
- 439 thí sinh tham dự kỳ thi học viên giỏi lớp 12 bổ túc THPT cấp thành phố năm 2009
- 16 học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn dự thi vào các đội tuyển Olympic quốc tế 2009
- Học nói tiếng Anh
- Gần 2 nghìn học sinh đến tham quan, học tập tại Bảo tàng Đà Nẵng
- Người biết lo cái chữ cho con
.
.
.
.
.