.

Đừng đánh mất mình

.

Có thể bạn không để ý, nhưng bên cạnh sự năng động, tự tin và sáng tạo, giới trẻ của chúng ta cũng rất dễ đánh mất chính mình, nếu không biết cách chọn lọc khi tiếp cận với những nền văn hóa ngoại lai.

Những phiên bản “ngoại”


Những bộ trang phục rườm rà theo mốt Hàn Quốc đang được nhiều học sinh lựa chọn. (Ảnh chụp tại shop Z5 trên đường Lê Duẩn)

Nghe nhạc ngoại, bận đồ, cắt tóc theo mốt Hàn Quốc, yêu như trong… phim đang trở thành “mốt” trong đời sống của một bộ phận giới trẻ. Sáng nay đi sắm đồ cùng cậu con trai, chị Hoàng Kim Dung ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) đã phải chùn bước khi nhìn thấy những bộ trang phục rườm rà dây nhợ, lớp trong lớp ngoài chẳng giống ai.

Thấy chị Dung có vẻ lo lắng, chủ cửa hiệu động viên: “Đồ này bọn nhỏ học sinh cấp 2, cấp 3 mua nhiều lắm chị à. Bây giờ chúng đang chuộng mốt áo quần theo kiểu ca sĩ, diễn viên Hàn Quốc mà mình vẫn thường thấy trên ti-vi ấy”. Được biết, giá một bộ đồ kiểu ấy không hề rẻ, dao động từ 350-500 ngàn, chưa tính phụ kiện đi kèm. Mặc dù chiều con, nhưng trong lòng chị Dung lại thấy lo “Nó mới học lớp 10, mặc mấy bộ đồ này nhìn ăn chơi quá”.

Thông qua mạng Internet, Minh cùng nhóm bạn có được những thông tin về phim ảnh, thời trang, âm nhạc trên thế giới (trong đó được ưa chuộng nhất vẫn là các sản phẩm của Hàn Quốc), sau đó lùng sục ở các cửa hàng, nhà sách để mua cho được các sản phẩm ăn theo như tranh ảnh, túi xách, móc chìa khóa… Những ai mạnh dạn hơn sẽ “cố gắng” chỉnh sửa trang phục, đầu tóc sao cho càng giống các “sao” càng tốt. Cầm trên tay bộ đồ khá “quái”, Minh hí hửng nói: “Bộ này đang “thịnh” ở bển (Hàn Quốc), mặc đi chơi thì hết chê. Hơi “lạ mắt” một chút nhưng rất có phong cách đó chị”. Không chỉ Minh, hiện nay nhiều học sinh xem việc biến thành những phiên bản “ngoại” như vậy chính là tiêu chí để đánh giá đẳng cấp “sành điệu” của mình.

Có thể, người lớn nhìn vào xem đó là trò con nít, nhố nhăng, nhưng với nhiều em học sinh, chúng đầu tư cho những chuyện đó với niềm “đam mê”  thật sự. “Mặc dù không biết tiếng Hàn nhưng bất cứ khi nào có đĩa mới của DBSK và Superjiuor (hai ban nhạc nổi nhất Hàn Quốc hiện nay) là các bạn đổ xô đi mua liền. Thậm chí có bạn phải mượn tiền người khác. Lớp có 35 đứa mà mình em nghe nhạc Việt thôi, còn lại toàn nhạc nước ngoài, mà nhiều nhất là nhạc Hàn”, cô bé H.P lớp 10 chuyên Anh Trường THPT Phan Châu Trinh nói. 

Và đời sống ảo

Không chỉ dừng lại ở việc đầu tư cho những sở thích, nhiều em đang tự biến cuộc sống thật của mình trở thành ảo khi ngoài việc học chỉ chăm chăm lên mạng tìm kiếm thông tin về thần tượng, về thời trang; và không loại trừ cả việc học cách để có thể được “giống như các anh/chị ấy”. Anh Châu, chủ tiệm băng đĩa I music ở đường Phan Châu Trinh nói: “Trong 10 đứa thì hết 8 đứa vào đây là để mua đĩa nhạc Hàn, phim Hàn và của nước ngoài rồi. Mua một cái đĩa nhưng chúng có thể đứng cả tiếng để bình phẩm về trang phục, kiểu tóc của ca sĩ mà không biết chán. Có đứa còn mạnh miệng gọi thần tượng là chồng nữa kia”.

Chuyện các em hâm mộ những người nổi tiếng như ca sĩ, diễn viên đã trở nên bình thường. Tuy nhiên, khi sở thích được các em đẩy lên thành một phần quan trọng trong cuộc sống thì nó đã trở nên nguy hiểm. H.P đã kể cho chúng tôi câu chuyện về cô bạn thân chỉ vì quá mê một anh diễn viên Hàn Quốc mà ngày nào cũng nấu cháo điện thoại tới 1, 2 tiếng chỉ để xuýt xoa: anh ấy đẹp trai quá.

Thậm chí, trong khi nhiều bạn miệt mài cày cuốc chuẩn bị cho hai kỳ thi quan trọng: tốt nghiệp THPT và đại học thì không hiếm những học sinh đang khóc, cười như “thật” cùng thần tượng của mình trên các trang web, trong các bộ phim tình cảm sướt mướt mà lẽ ra ở độ tuổi của mình các em chưa nên xem.
Nhận xét về lối sống này của các em học sinh, chị N.T.T.T, chuyên gia tư vấn thanh niên, thuộc Thành Đoàn Đà Nẵng cho biết: “Ở độ tuổi của các em rất dễ bị tác động bởi môi trường bên ngoài và thường bị ảnh hưởng lẫn nhau.
 
Thêm vào đó, với tâm lý  chuộng hình thức và thích bắt chước để làm nổi mình, khiến các em có những hành xử mà người lớn đôi lúc không hiểu được. Việc các em từ thích đến cố gắng biến mình thành những phiên bản của một diễn viên, ca sĩ nào đó cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu không biết dừng lại đúng lúc thì chính các em đang khiến mình thành dị biệt trong mắt mọi người xung quanh. Đây không phải chuyện nói cho qua mà các bậc phụ huynh và nhà trường cần chú ý để giúp các em cân bằng được giữa sở thích với đời sống lành mạnh”.

Lâu nay, vấn đề hội nhập, giao lưu-học hỏi luôn được khích lệ nhằm giúp giới trẻ trong nước năng động và tự tin hơn khi tiếp xúc với bạn bè quốc tế. Trong đó, tiêu chí “Hòa nhập nhưng không hòa tan” luôn được đề cao. Tuy nhiên, do hạn chế về nhận thức và khả năng lựa chọn trong tiếp nhận mà một bộ phận các em học sinh đang dần đánh mất bản sắc riêng khi tự biến mình thành phiên bản của người khác.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.