Được bà nội dạy cách gói bánh chưng từ năm lớp 3, đến năm lớp 6, Trần Nguyên Vũ (Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng) đã làm được một cái bánh to, đầy đặn như của bà. Và bây giờ, những kinh nghiệm học được từ bà được Vũ thể hiện và “rinh” về giải nhất trong phần thi “Gói bánh chưng, bánh tét” trong Ngày hội Văn hóa dân gian do trường tổ chức...
Từ chơi tự do thành chơi có tổ chức...
Một tiết mục trò chơi của lớp 11/3 Trường THPT Phan Châu Trinh trong Ngày hội Văn hóa dân gian. |
Câu chuyện về chiếc bánh chưng, qua Vũ có thể được chắp cánh để đến với những người xét học bổng một trường đại học quốc tế và cả bạn bè nhiều nước trên thế giới. Như thế, Ngày hội Văn hóa dân gian mà Trường THPT Phan Châu Trinh tổ chức vào đầu năm 2009 đã thành công ở nhiều phương diện, trong đó có việc tạo nên một kỷ niệm sâu sắc trong lòng những người đi học.
Với 20 gian hàng trò chơi, ẩm thực, thầy và trò Trường Phan Châu Trinh đã được đắm mình trong một không gian làng mạc xưa được tái hiện qua những gian hàng làm bằng tranh tre, rơm rạ, với những món ăn rất mộc mạc, dân dã như bánh bèo, bánh lọc, bánh nậm ở các gian hàng ẩm thực; các trò chơi như kéo dây, đẩy gậy, đi cà kheo, thi gói bánh chưng, nhảy sạp hay hát dân ca... Anh Phan Thanh Đức, Bí thư Đoàn Trường THPT Phan Châu Trinh nhận xét:
Trong điều kiện thời lượng của mỗi buổi học đều được ấn định sẵn bằng số tiết và giờ ra chơi ngắn ngủi, thì việc tổ chức riêng một ngày hội giúp học sinh “vừa học, vừa chơi” và gắn kết các em với nhau sau những giờ học căng thẳng. Ngày hội Văn hóa dân gian mà trường tổ chức là một cách để đưa “trò chơi dân gian” vào trường học.
Từ trước đến giờ, học sinh vẫn được vui chơi ở trường học nhưng là chơi tự do. Đưa trò chơi dân gian vào trường học là một phương cách để học sinh gần gũi và “thấm” dần văn hóa dân tộc; giúp phát triển cả về trí - thể - mỹ. Trong khi công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, học sinh hầu hết bị lôi cuốn với những trò chơi trên mạng thì việc đưa trò chơi dân gian vào trường học sẽ tạo điều kiện cho các em tham gia nhiều hoạt động vui chơi lành mạnh.
Nhưng không phải tất cả các trò chơi dân gian đều có thể đưa vào nhà trường. Đưa trò chơi vào nhà trường, không chỉ mang đậm tính dân gian mà còn phải bảo đảm tính an toàn, vệ sinh cho học sinh. Những trò chơi như đánh khăng, bắn bi, leo cột mỡ, đánh quay, ô ăn quan... lại không phù hợp với trường học, nhất là bậc tiểu học. Trò đánh khăng, chơi chuyền, đánh quay thì không an toàn vì rất dễ gây chấn thương, các trò khác thì mất vệ sinh vì học sinh phải ngồi bệt, tiếp xúc với đất, cát.
Thầy Nguyễn Quang Long - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú nêu ý kiến: “Chúng tôi chủ trương lựa chọn những trò chơi mang tính tập thể để đưa vào trường học. Như thế, vừa bảo đảm tính cá thể, chỉ một đến hai em cũng có thể chơi nhưng khi cần sự tham gia của cả tập thể đều được. Đặc biệt, nếu trò chơi diễn ra trên nền hát đồng dao nữa thì càng tốt”.
Không chỉ riêng việc chọn lựa trò chơi, thời gian để triển khai trò chơi là một bài toán hóc búa đối với các trường học. Thời lượng của một ngày học đã được ấn định bằng số tiết. Ngoài 5 phút nghỉ giữa các tiết và 20 phút chơi giữa giờ, hoàn toàn không có thời gian dành cho việc... chơi trò chơi dân gian hoặc chưa chơi đã đến giờ vào học.
Nhiều trường học mở các buổi ngoại khóa giới thiệu các lễ hội dân gian, các trò chơi trong sinh hoạt nhưng hiệu quả rõ ràng là không cao khi học sinh chưa thể có những trải nghiệm thực sự. Trong điều kiện như vậy, việc lựa chọn một ngày để tổ chức Ngày hội Văn hóa dân gian như Trường Phan Châu Trinh là một cách làm có hiệu quả, là một hoạt động đỉnh cao, ở đó, học sinh sống trong một không gian thấm đẫm chất dân gian với không khí hội hè thực sự.
Chơi để học
Tiết mục chơi với bài đồng dao “Thằng Bờm” của cô và cháu lớp mẫu giáo lớn Trường mầm non 20-10. |
Cô Huỳnh Thị Thọ, Hiệu trưởng Trường mầm non 20-10 cho biết: “Với các trò chơi dân gian, các cháu chơi thoải mái, tự nhiên, không đòi hỏi nhiều khả năng, các hành động minh họa cũng không cứng nhắc trong khuôn mẫu, số lượng trẻ tham gia trong mỗi trò chơi không hạn chế. Đưa trò chơi dân gian vào chương trình học là quay lại giáo dục truyền thống cho trẻ, nhờ đó văn hóa truyền thống dân tộc được truyền lại cho các thế hệ sau.
Qua đó cũng rèn luyện kỹ năng đọc, thể hiện cảm xúc qua bài đồng dao (đọc theo nhịp, vần điệu) và cũng rèn cho những trẻ có tính nhút nhát, tự kỷ hòa đồng hơn với các bạn”. Đến nay các cô giáo ở Trường 20-10 đã sưu tập được gần 100 bài đồng dao, đi kèm là những trò chơi dân gian đa dạng.
Trò chơi, khi được đưa vào nhà trường là đã có tính mục đích. Trong điều kiện lượng thời gian học tập quá nhiều như hiện nay, thì việc tổ chức các hoạt động vui chơi trong trường học không chỉ đơn thuần chỉ dừng lại ở mục đích giải trí. Sự sáng tạo của học sinh được phát huy tối đa. Thông qua trò chơi, các em học được kỹ năng làm việc nhóm, hòa đồng với tập thể, ứng xử trước các tình huống... Những đợt sinh hoạt tập thể của học sinh sẽ giúp các em học cách hòa mình vào thiên nhiên, hình thành những kỹ năng sống, từ việc học cách tính toán, thu vén để tổ chức một bữa ăn cho một tập thể đến khả năng giải quyết các tình huống phát sinh...
Phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” là một cuộc vận động hết sức có ý nghĩa, góp phần để lại ký ức đẹp cho học sinh sau này về những ngày tháng đi học.
Hoàng Nhung