.

Học ngoại ngữ để đón cơ hội

.

“Nhất tiếng Anh, nhì tin học” vốn được coi là câu “thần chú” của sinh viên (SV) khi ra trường. Nhiều bạn trẻ đã nắm bắt được nhu cầu của cuộc sống và tạo ra cho mình những cơ hội tốt trong nghề nghiệp từ việc nằm lòng câu thần chú đó.

Sinh viên + tiếng Anh + làm thêm = cơ hội

Làm thêm, cơ hội để SV có nhiều kinh nghiệm sống và làm việc (ảnh chỉ mang tính minh họa).

SV đi làm thêm là chuyện “thường ngày ở huyện”, nhưng đi làm thêm ở những nơi thu tiền triệu, môi trường chuyên nghiệp lại không nhiều. Một số SV đã tìm được cho mình chỗ làm việc ngoài giờ học, lương cao và không mất nhiều sức lực. Tuy nhiên, điều kiện cần và đủ là một vốn tiếng Anh tương đối khá và cái đầu nhanh nhạy. Hai điều kiện này không phải bạn nào muốn là có thể đáp ứng được ngay.

Hoàng Thị Ngọc Bích, SV năm thứ 4, khoa Tiếng Anh Trường ĐH Ngoại ngữ cho biết: “Tôi đang tập sự tại một dự án cầu đường. Làm quen với công việc như thế này đem lại rất nhiều điều bổ ích. Thứ nhất, tôi có kiến thức chung về hoạt động của một dự án.

Thứ hai, tăng vốn từ vựng tiếng Anh chuyên ngành. Thứ ba, có thể hình dung về ngành nghề tương lai. Thứ tư, học được cách làm việc của tổ chức hành chính cũng như tác phong làm việc của người nước ngoài.” Vừa thực tập, Bích vừa dạy thêm 6 buổi/tuần, tại Trung tâm Hồng Đức, đường Lê Đình Lý. Mỗi giờ lên lớp, Bích được trả 100 nghìn đồng. Như vậy, mỗi tháng Bích có thêm gần 3 triệu đồng để trang trải cho việc học hành và những sinh hoạt khác mà không xin thêm tiền của bố mẹ.

Ngành ngoại ngữ đòi hỏi SV phải năng nhặt chặt bị, tức phải luyện tập không ngừng cũng như cần có thêm một chuyên môn nghiệp vụ hỗ trợ khác. Trang - một cô gái Đà Nẵng nhỏ nhắn, năng động đã không đợi ra trường  mới lo xin việc. Ngay từ năm thứ 3, Trang đã “lóc cóc” đi tham gia phỏng vấn ở một vài nơi. Và chỗ dừng chân của Trang là “Bread of life” - một quán bánh mì nướng kiểu Mỹ nằm trên đường Lê Hồng Phong (Đà Nẵng).

Ở đây, nhân viên phục vụ đều là những bạn trẻ khiếm thính, kém may mắn, được nâng đỡ bởi người phụ nữ giàu lòng nhân ái đến từ bên kia địa cầu, bà Kathleen. Trang tâm sự, ở nơi này, Trang đã tìm thấy một môi trường tuyệt vời cho sinh viên Ngoại ngữ, bởi 80% khách hàng là người nước ngoài. Cô còn học thêm cách quản lý nhà hàng. Trang nhận ra rằng: “Công việc đã cho mình những vốn sống thật tuyệt vời. Đó mới chính là thành công lớn nhất, ngoài việc có thêm thu nhập”.

Cho ngày mai...

anh Hphuong/trang/Nhờ vốn ngoại ngữ, một số bạn trẻ đã tìm được công việc có thu nhập khá ngay từ khi còn đang đi học. (trong ảnh: Trang (đứng giữa) cùng đồng nghiệp tại quán Bread of life)

Theo ông Lê Quý Lộc -  Giám đốc Công ty cổ phần Phần mềm Tri Thức Việt, 176 Phan Châu Trinh, Đà Nẵng: “Đọc, viết hoặc nói tiếng Anh tốt là một lợi thế lớn. Tại Việt Nam, tiếng Anh trong một số ngành thậm chí còn quan trọng hơn chuyên môn. Nếu được sắp xếp các yếu tố theo độ quan trọng thì số 1 là đạo đức, số 2 là ngoại ngữ và số 3 mới là chuyên môn”. Trước sự phát triển của xã hội, vai trò của ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng đang được khẳng định rõ nét. Sự khắt khe của các nhà tuyển dụng, những thuận lợi, thiết thực và vị trí không thể thiếu của tiếng Anh trong cuộc sống đã dần được nhận thức đúng đắn.

Tuy vậy, ý kiến kết luận tại Hội thảo “Đào tạo tiếng Anh trong các trường ĐH không chuyên ngữ” do Bộ GD-ĐT phối hợp với Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ tổ chức  vào cuối năm 2008 rất đáng để các bạn trẻ suy ngẫm về hành trang cho sự nghiệp tương lai: “Trình độ tiếng Anh của sinh viên Việt Nam quá tệ so với các nước trong khu vực. Hầu như rất ít cử nhân tương lai đủ năng lực để sử dụng tiếng Anh làm phương tiện học tập, nghiên cứu, tham khảo tài liệu và giao tiếp hằng ngày”.

Bộ GD-ĐT cũng tiến hành điều tra tại 59 trường đại học và đưa ra kết quả đáng báo động: 49,3% sinh viên đáp ứng được yêu cầu về tiếng Anh; 18,9% sinh viên không đáp ứng được; 31,8% sinh viên cần đào tạo thêm.


Phạm Hưng

 

;
.
.
.
.
.