.

Nhìn từ mối quan hệ thầy - trò

.

Khi mối quan hệ “dọc” (thầy nói trò nghe) không còn phù hợp và mô hình “ngang” (quan hệ hai chiều, thầy đối thoại với trò và ngược lại) trở thành xu hướng phổ biến thì câu chuyện về mối quan hệ thầy - trò cũng phần nào vượt ra khỏi chuẩn mực tôn sư trọng đạo.

Hiệu ứng từ “dọc” đến “ngang”

Nhiều thầy cô xem học trò như những đứa em của mình, tạo nên những mối quan hệ gần gũi giữa thầy và trò.

Trong công tác giáo dục lấy HS làm trung tâm như hiện nay, người thầy trở thành người hướng dẫn “thầy chủ đạo, trò chủ động”. Phương pháp giáo dục này được áp dụng trong ngành giáo dục nhiều năm trở lại đây. Nhưng bên cạnh những mặt tích cực, còn không ít HS xem đây là “môi trường” để thể hiện cái tôi, xem mình là “trung tâm” trong mối quan hệ thầy trò.

Chuyện học sinh quậy phá, vô lễ với thầy cô vẫn còn diễn ra rải rác trong các trường học. Cô H., một giáo viên trẻ đang công tác tại một trường trung học kể rằng, khi mới đi dạy, nhiều lần cô dở khóc dở cười vì “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò này”. Một lần, khi đang loay hoay viết bảng, cô giật thót tim khi nghe một HS nữ nói với lên “Biết có dáng đẹp rồi đấy, lui ra cho tui nhìn bảng chút coi”…

Đó chỉ là một trong số nhiều câu chuyện không đầu không cuối về thái độ ứng xử của một số HS cá biệt hiện nay. Cô cho biết “Có thể tôi còn quá trẻ, nhưng dù sao tôi cũng đủ tuổi để là một người chị? Nghĩ đến là buồn nên đôi khi tôi vẫn phải làm như không biết, không nghe, không thấy những gì các em đó đang thể hiện…”.

Nói thêm về vấn đề này, thầy N.C.D, giáo viên một trường tiểu học cho rằng, HS ngày nay có điều kiện để tiếp cận với nhiều thông tin, việc bị viết kiểm điểm, trực nhật, khiển trách trước lớp không làm những HS cá biệt sợ mà chỉ như đổ thêm dầu vào lửa. Trên nhiều kênh thông tin, việc trò đánh thầy giáo cũng không còn là hiếm.

Những “con sâu làm rầu nồi canh” đó tuy không phổ biến nhưng còn tồn tại trong một vài trường học, và các trường vẫn đang tìm biện pháp giáo dục tích cực giúp các em có một chuẩn mực đạo đức.

Đối thoại - một phương pháp giáo dục mới

“Tiên học lễ, hậu học văn” là điều cần giữ trong truyền thống Tôn sư trọng đạo.  (Ảnh tư liệu)

 

Việc một số HS thiếu lễ phép đôi khi còn xuất phát từ cách giảng dạy của người thầy đứng trên bục giảng. Nếu phương pháp sư phạm không thật sự đúng, theo một mô tuýp cứng nhắc, không chấp nhận ý kiến của HS, thậm chí phủ nhận và cho điểm kém, thầy đọc trò ghi… sẽ tạo cho các em áp lực về tâm lý.

Với cách dạy như thế, HS gần như không tham gia trực tiếp vào bài học, trở nên bị động trong giờ học. Có một thực tế nữa là tiền lương giáo viên khá thấp khiến một số thầy cô không mấy mặn mà với nghề giáo. Giờ lên lớp cô làm đúng phận sự của mình mà quên mất các em bên cạnh là người tiếp nhận kiến thức, còn là những tâm hồn nhạy cảm, muốn được quan tâm, để ý đến; muốn được cô truyền thụ những kiến thức mới chứ không chỉ là những điều đã có sẵn trong sách giáo khoa. Rồi những buổi “học thêm, học nếm” - nếu không muốn bị thầy, cô bộ môn “trù dập” - cũng nảy sinh tâm lý coi thường giáo viên từ một số học sinh.

Để hạn chế những hiện tượng tiêu cực trong một số học sinh, ngành giáo dục đã tiến hành nhiều biện pháp thuộc về nghiệp vụ sư phạm, vừa bảo đảm kiến thức cho học sinh, vừa tạo tâm thế thoải mái để các em dễ dàng hòa nhập, gần gũi hơn với bạn và thầy. Thầy cô sẽ là người chủ động tiếp cận, gần gũi hơn với những em có biểu hiện phản kháng, có tư tưởng muốn quậy phá, chọc ghẹo bạn bè... trong mọi giờ học, đặc biệt là những tiết học ngoại khóa, sinh hoạt ngoài trời. Từ những hoạt động này, nhiều học sinh cá biệt thấy được tinh thần của sự đoàn kết, chia sẻ, trở nên ngoan ngoãn hơn.

Theo cô T.T, một số HS cá biệt sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh đặc biệt, cha mẹ ly hôn hoặc gia đình không hạnh phúc. Từ đó các em trở nên bất cần, sự gần gũi trong “môi trường thân thiện” của học đường sẽ giúp các em lấy lại niềm tin trong cuộc sống. Thầy Phạm Đình Sơn, Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An cho rằng, đây là phương pháp học tập tích cực. Thầy và trò có thể cùng nhau đối thoại một cách cởi mở, dần dần hiểu nhau hơn. Làm nghề giáo không như những nghề khác, lòng yêu nghề và tri thức đồng thời phải đặt lên hàng đầu. Có thể không có học trò hư, mà do chúng ta chưa tìm được một phương pháp giáo dục tích cực hơn mà thôi.

Có cả nghìn lẻ một câu chuyện học đường, vì đó là nơi các em được dạy dỗ, gắn bó và thể hiện tính cách của mình. Chị Nguyễn Thị Sáu, có con gái đang học lớp 6 Trường THCS Nguyễn Huệ bày tỏ, tôi muốn nhà trường và xã hội quan tâm hơn đến các nhà giáo cả về tinh thần lẫn vật chất, để họ có thể toàn tâm, toàn ý dạy dỗ HS. Tôi cũng mong rằng, trong guồng quay của nền kinh tế thị trường và sự coi trọng đồng tiền trong xã hội ngày nay, mỗi thầy cô hãy luôn là tấm gương về đạo đức và lối sống, có sự chuẩn mực trong lời ăn tiếng nói, trang phục để HS lấy đó làm gương…

Tiểu Yến

;
.
.
.
.
.