Những năm gần đây, hầu như năm nào đề tài cải cách sách giáo khoa cũng được bàn luận sôi nổi với ý kiến của nhiều chuyên gia, các giáo sư đầu ngành cũng như lãnh đạo Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, cho đến bây giờ, trước yêu cầu thực tế, việc cải tiến sách giáo khoa vẫn mang tính chất tạm thời, chưa đâu vào đâu.
Năm 2002, Bộ GD-ĐT bắt đầu tiến hành đổi mới chương trình (CT), sách giáo khoa (SGK), đến năm 2008 thay sách lớp 12 cuối cùng. Cũng trong năm 2008, Bộ GD-ĐT tổ chức “trưng cầu dân ý” về CT, SGK. Nhiều ý kiến cho rằng, SGK là tấm gương phản ánh CT, khi CT “có vấn đề” thì việc đính chính theo cách nào đi chăng nữa cũng gặp phải những bất cập và mang tính chất tình thế. Theo cách lập luận như thế thì giải - pháp - tình - thế đã tồn tại trong nền giáo dục Việt Nam từ bao nhiêu năm nay. Và thực tế, tháng 9-2008, Bộ GD-ĐT đã phải giải trình về việc có đến 129 điểm chỉnh sửa SGK từ lớp 1 đến lớp 11.
Con số 129 điểm chỉnh sửa là quá nhiều và vô hình trung biến các SGK đã được cải cách trở nên chắp vá. Theo đó, hơn 111.000 tờ chỉnh sửa SGK đã được chuyển đến các Sở GD-ĐT các địa phương. Điều này gây sự lãng phí rất lớn về tiền của, công sức và hơn nữa khiến dư luận xã hội hoài nghi về chất lượng của CT, SGK. Không phủ nhận việc SGK trong những năm gần đây có sự cải tiến, nhưng càng cải tiến thì CT vẫn bị phản ánh quá tải; sinh viên - học sinh vẫn bị phàn nàn thiếu tính chủ động, học nặng về lý thuyết hơn thực hành; giáo viên vẫn bị lâm vào tình trạng “cháy giáo án”.
Như thế, đây chưa phải là CT chuẩn, các bộ SGK hiện tại cũng chưa thể đáp ứng được yêu cầu dạy và học... Đó là chưa nói đến việc CT quá rối rắm, chẳng hạn như tổ chức CT phân ban THPT rồi lại bỏ, rồi trở lại. Chưa kể đến những bài học lịch sử, địa lý… trong các SGK quá nặng về con số, dữ liệu, sự kiện nên học sinh sau khi trả bài hoặc kết thúc một cấp học thì dường như cũng quên lãng bài học đó. Như thế thì làm sao kiến thức lịch sử, địa lý ngấm vào các em và trở thành những bài học nằm lòng, làm sao các em hiểu và yêu quê hương?
Báo Người Lao Động, số ra ngày 13-4-2009 có đăng bài “Nên có 2-3 bộ SGK” của GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, bàn về việc cần thiết của một CT, nhiều bộ SGK để xóa bỏ tính độc quyền và cũng để bảo đảm tính đa dạng trong giáo dục các bậc học ở Việt Nam. Song, GS Phạm Tất Dong cho rằng, cần thay đổi cả CT, SGK cùng với phương pháp quản lý, sư phạm bởi nếu không, những sáng kiến lẻ tẻ, nghĩ gì làm nấy, dễ trở nên chắp vá.
Theo GS Phạm Tất Dong, cần tránh ra quá nhiều SGK, với điều kiện của Việt Nam hiện nay chỉ nên có 2, tối đa là 3 bộ SGK và nên có các CT, SGK phù hợp với từng vùng, miền, nhất là đối với miền núi. Tuy nhiên, giá thành SGK bán trên thị trường phải thật rẻ, ở bậc phổ cập là miễn phí hoàn toàn, càng miễn phí nhiều, càng phổ cập nhanh và quan trọng hơn cả là phải xây dựng được khung chuẩn kiến thức cho từng lớp học, lứa tuổi. Còn Tiến sĩ khoa học Nguyễn Kế Hào, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, để thực hiện “một chương trình, nhiều bộ sách”, cần có một “tổng chỉ huy” là người đứng đầu ngành Giáo dục, đồng thời phải có tâm và tầm.
Việc xóa bỏ tính độc quyền dẫn đến SGK kém chất lượng có thể được xem là cần thiết, nếu có từ 2-3 bộ SGK để lựa chọn sẽ mang đến sự lành mạnh và tạo ra tính cạnh tranh cho những người biên soạn sách. Song, để làm tốt được điều này đòi hỏi vai trò “cầm chịch” rất quan trọng của Bộ GD-ĐT, tránh chuyện “đánh trống bỏ dùi”, gây lãng phí bao nhiêu tiền của Nhà nước. Nếu không, nền giáo dục Việt Nam vẫn còn rất xa mới theo kịp nền giáo dục ở nhiều nước trên thế giới.
BÌNH YÊN