Trong tiếng chiêng trống rền vang giữa hơn nghìn ngôi mộ xưa, gần nghìn học sinh đã có dịp “chạm” đến quá khứ hiển linh từ 150 năm trước. Ngọn lửa hào hùng của trận đầu đánh Pháp phút chốc bừng cháy trong lòng các em, thiêng liêng và gần gũi hơn bất cứ bài học lịch sử nào trên trang sách.
Từ tháng 4-2006, học sinh Trường tiểu học Diên Hồng (quận Cẩm Lệ) đã tham gia các hoạt động ngoại khóa về văn hóa - lịch sử địa phương. |
Đất, người và truyền thống
Các hoạt động “về nguồn” như thế đã được các trường học ở Đà Nẵng đưa vào chương trình giáo dục ngoài lớp học từ lâu, trước khi Bộ GD-ĐT phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” hồi tháng 3-2008. Tuy có muộn, nhưng chỉ thị này đã trở thành cú hích giúp nâng cao cả về chất lẫn lượng cho hoạt động của các trường về “chăm sóc công trình văn hóa, lịch sử ở địa phương, và tích cực chăm lo xây dựng các công trình công cộng, trồng cây, chăm sóc cho đường phố, ngõ xóm sạch sẽ” - một trong những nội dung của phong trào nói trên.
Thực hiện quy định của Bộ GD-ĐT về các tiết học văn học, lịch sử, địa lý địa phương, lâu nay Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng chỉ đạo các trường giảng dạy theo tài liệu do sở phát hành, trong đó giới thiệu các giá trị vật thể và phi vật thể tiêu biểu trên toàn thành phố. Khi triển khai “trường học thân thiện, học sinh tích cực”, các trường cần phải soạn lại tài liệu sát theo từng địa bàn quận, huyện để tăng tính “thân thiện” và “tích cực” đối với học sinh địa phương, ông Vũ Bá Bảo, Trưởng phòng GD-ĐT quận Sơn Trà bày tỏ quan điểm.
Dâng hoa đăng tại Nghĩa trủng Hòa Vang, học sinh Trường THPT Hòa Vang cảm thấy bài học ngoài đời thiêng liêng hơn trang sách. |
Ý tưởng này, theo ông Bảo, là rất khả thi khi đầu năm 2008 quận đã khởi động đề án “Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vùng biển quận Sơn Trà” và cuối năm đã in và lưu hành nội bộ tập tài liệu “Văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn quận Sơn Trà”. Tài liệu này đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho giáo viên phụ trách, bởi trong đó giới thiệu cụ thể về đất và người Sơn Trà, từ các địa chỉ văn hóa lịch sử cho đến các gương danh nhân, anh hùng liệt sĩ tiêu biểu trên địa bàn.
Ở đó, có cả những hình thức văn hóa văn nghệ, trò chơi, ẩm thực dân gian... Có lẽ nhờ những thuận lợi này mà ông Bảo mạnh dạn khẳng định: Xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” không mất quá nhiều thời gian và công sức như người ta nghĩ.
Nghe, thấy và chạm tay
Ở quận Cẩm Lệ, việc biên soạn tài liệu về văn hóa, lịch sử ở địa phương được tiến hành theo một hướng khác.
Cuối năm 2008, các trường trên địa bàn đã triển khai quay phim, sưu tầm bài viết, tranh ảnh... để xây dựng đĩa CD phục vụ giảng dạy về nội dung này, trong đó có thể kể đến CD “Di tích lịch sử văn hóa Đình làng Lỗ Giáng” của Trường THCS Nguyễn Thiện Thuật (phường Hòa Xuân). Từ tư liệu của các trường, với sự hỗ trợ của Phòng VHTT và Phòng LĐ-TB&XH quận, Phòng GD-ĐT quận đã tập hợp thành đĩa CD về lịch sử - văn học địa phương và in sao cung cấp cho các trường làm phương tiện giảng dạy.
Tuy nhiên, theo nhận xét của bà Trần Thị Phong, Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận, việc tìm hiểu, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa chỉ là bề chìm, việc nhận chăm sóc chúng mới là hoạt động mang lại nhiều hứng thú, sôi nổi cho cả thầy và trò.
Một trang web giả định về lịch sử, văn học địa phương của Phòng GD-ĐT quận Cẩm Lệ. |
Qua những chuyến đi thực tế, tùy theo kỹ năng của mình, các em vẽ tranh, sáng tác thơ ca, hò vè, biểu diễn hoạt cảnh... Có em thích tự mình trồng lại ở di tích một cây non, thỉnh thoảng đến chăm sóc và mong niềm tin yêu, sự trọng thị của mình đối với ngày hôm qua sẽ như cây lớn lên từng ngày.
Lâu nay, nhiều phong trào thi đua trong ngành giáo dục còn mang nặng tính hình thức mà thiếu sự bền vững sâu lắng. Xin đừng để hình thức giáo dục “về nguồn” bị tắt nguồn trong tâm hồn thơ trẻ. Học sinh sẽ càng cảm thấy yêu mến, tự hào hơn về mảnh đất mình đang sinh sống, học tập, nếu các em được nghe, thấy và chạm tay vào những di vật của cha ông để lại. Khi hồi quang của quá khứ được tái hiện ngay tại nơi diễn ra sự kiện ngày trước, chính là lúc thế hệ học trò hôm nay cảm thấy bài học ngoài đời thiêng liêng và gần gũi hơn bất cứ bài học lịch sử nào trên trang sách.
VĂN THÀNH LÊ