.

Trăm dâu đổ đầu học phí

.

Ước tính, năm 2008, tổng số tiền học phí mà ĐH Đà Nẵng miễn, giảm cho sinh viên (SV) tăng gấp đôi so với năm 2006 với hơn 12 tỷ đồng. Trong số này, đối tượng được giảm 50% học phí áp dụng cho SV thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Nhà nước tăng đến chóng mặt. Điều đáng nói ở đây là có không ít trường hợp, mức thu nhập và điều kiện sinh hoạt của gia đình những SV này cao hơn nhiều lần so với chuẩn nghèo quốc gia lẫn chuẩn của địa phương. Điều này đã tạo nên sự mất công bằng trong thụ hưởng những chính sách đãi ngộ, hỗ trợ học tập.

Áp dụng theo chuẩn nghèo nào?

Chính sách giảm học phí tạo động lực tốt cho người đi học, nhưng cần rõ ràng, minh bạch hơn. (ảnh minh họa)

Ông Đoàn Anh Tuấn - Phó phòng Phụ trách Phòng Công tác sinh viên - ĐH Bách khoa cho biết: “Số lượng SV nộp hồ sơ thuộc diện hộ nghèo để được giảm 50% học phí của trường là quá nhiều. Đầu học kỳ 2 này, phòng đã tiếp nhận thêm 200 hồ sơ bổ sung, nâng số lượng SV hộ nghèo được giảm học phí của trường lên khoảng hơn 1.700 trường hợp”. Trong số này, chỉ có những SV ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị là có sổ hộ nghèo kèm theo còn hầu hết chỉ có giấy xác nhận của Sở LĐ-TB&XH.

Vừa phụ trách xét duyệt hồ sơ giảm học phí, vừa quản lý luôn cả KTX nên ông Tuấn phát hiện có nhiều SV hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nghèo thực sự, thậm chí phải ở lại KTX đón Tết Nguyên đán vì không có tiền về quê, nhưng lại không nằm trong diện được giảm học phí. Phòng Công tác sinh viên đã “xác minh” ngẫu nhiên 9 trường hợp sinh viên thuộc diện hộ nghèo tại địa bàn Đà Nẵng và phát hiện ra rằng có những gia đình thu nhập bình quân còn cao hơn cả chuẩn nghèo của địa phương (500.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị và 400.000/người/tháng ở khu vực nông thôn).

Thậm chí, gia đình em B.V.A (trú phường Hòa Minh - Liên Chiểu) hiện đang ở một ngôi nhà 2 tầng kiên cố, có 3 chiếc xe gắn máy; bản thân em A. cũng đi học bằng xe máy nhưng vẫn được giảm 50% học phí vì nằm trong diện hộ nghèo! Rõ ràng đã bắt đầu xuất hiện tình trạng sinh viên có hoàn cảnh gia đình thuộc diện nghèo thật sự nhưng lại không được hỗ trợ và ngược lại. “Chúng tôi sợ nhất là miễn, giảm học phí không đúng đối tượng, gây mất công bằng trong hưởng thụ giáo dục” - ông Tuấn cho biết.

PGS.TS Trần Văn Nam - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa băn khoăn: “Chính sách giảm học phí cho những SV thuộc đối tượng hộ nghèo sẽ giảm bớt cho gia đình các em một phần khó khăn, tạo động lực tốt để học tập. Nhưng chúng tôi đang rất lúng túng khi không biết phải nên áp dụng theo chuẩn nghèo do Chính phủ ban hành hay chuẩn nghèo của địa phương?

Hơn nữa, việc xét miễn, giảm học phí là theo từng năm học nên có sự gối đầu từ nửa năm trước sang đến nửa năm sau, trong khi bình xét hộ nghèo thường là theo năm tài chính hoặc 6 tháng một lần, nên cũng khó khăn trong khi làm hồ sơ miễn giảm. Thậm chí, để cho “gọn”, nhiều địa phương đã xác nhận để SV được giảm học phí trong năm học 2008 - 2009 nhưng như thế, vô hình trung, lại sai nguyên tắc. Sang học kỳ 2, khi nhà trường yêu cầu sinh viên nộp lại hồ sơ miễn giảm thì lại bị ta thán là gây khó dễ”.

Lãnh đạo ĐH Bách khoa đã có buổi làm việc với đại diện ngành LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng và đã nhận được cam kết: Sẽ rà soát lại danh sách những gia đình thuộc diện hộ nghèo, và cấp giấy chứng nhận hộ nghèo để miễn giảm học phí theo năm tài chính chứ không phải theo năm học như hiện nay.

Gánh nặng kinh phí

Ước tính năm học 2008-2009, số tiền miễn, giảm học phí của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng là 7 tỷ đồng, chiếm khoảng 30% nguồn thu từ học phí của nhà trường. Tổng số tiền miễn, giảm học phí năm học 2007-2008 của Trường CĐ Công nghệ (ĐH Đà Nẵng) là trên 1,3 tỷ đồng trong tổng số 5,3 tỷ đồng tổng nguồn thu học phí. Tỷ lệ miễn giảm của các trường thành viên khác như ĐH Ngoại ngữ, ĐH Kinh tế, CĐ Công nghệ thông tin... đều tăng đến chóng mặt. Như tỷ lệ miễn, giảm năm 2007 của Trường CĐ Công nghệ thông tin tăng 355% so với năm 2006, tỷ lệ này của năm 2008 tăng 120% so với năm 2007.

Theo tính toán sơ bộ của ĐH Đà Nẵng, tỷ lệ sinh viên được miễn, giảm học phí chiếm khoảng 25% tổng nguồn thu học phí của tất cả các trường thành viên. Trong khi đó, nguồn thu từ học phí của các trường ĐH, CĐ công lập còn được trích lập để cấp học bổng cho SV, bù tăng lương, trả giờ giảng, đầu tư cơ sở vật chất...

Trong điều kiện học phí không tăng và ngân sách Nhà nước cấp để chi thường xuyên cho các đơn vị giáo dục như ĐH Đà Nẵng chỉ tăng từ 1 - 2%/năm thì việc số SV thuộc diện miễn, giảm học phí ngày càng tăng như hiện nay sẽ là một gánh nặng cho các cơ sở giáo dục. Kinh phí để đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị, học liệu... sẽ không đáng kể. Đã có nhiều kiến nghị đề xuất trong lúc mức học phí chưa thể tăng, để bảo đảm chất lượng đào tạo, cần chuyển diện sinh viên miễn giảm học phí về các cơ quan chính sách xã hội tại địa phương chi trả.

Chưa kể có một thực tế là trong quá trình bình xét hộ nghèo tại nhiều địa phương, có nhiều hộ thuộc diện cận nghèo nhưng vẫn được bà con thống nhất đưa vào diện hộ nghèo, vì gia đình có người đau ốm triền miên hoặc có con em học đại học, để họ được phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí hoặc giảm 50% học phí cho con em học đại học. Sự việc này kéo dài nhiều năm và chỉ “bung ra” khi Chính phủ có chủ trương hỗ trợ tiền Tết cho người nghèo vừa qua. Chính vì vậy, Ban giám hiệu các trường đều mong muốn các địa phương khi xét duyệt phải chính xác hoặc nếu được, có thể cung cấp cho các trường danh sách hộ nghèo để đối chiếu.

Hiền Lương

 

;
.
.
.
.
.