.

Trường học phải thân thiện!

.

Trong ngôn ngữ của Phật giáo, phải học điều mình không thích, phải ngồi cùng ai đó mà mình không ưa, phải sống trong môi trường mình bị dị ứng…, gọi chung là một trong những nguyên nhân gây ra khổ nạn (Samudaya Satya - Tập Đế, hay còn gọi là “Những điều tạo ra nỗi khổ?”). Nói như thế có nghĩa là, môi trường học tập thân thiện có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giáo dục, xác lập bản tính và nhân cách của con người.

 Ảnh M.H

Bộ GD-ĐT đề ra yêu cầu phải xây dựng “trường học thân thiện” cho học sinh-sinh viên. Thế nhưng, như thế nào là một trường học thân thiện (THTT) thì lại không hề có những tiêu chí rõ ràng. Vậy, thế nào là THTT?

Thứ nhất, đó phải là nơi học sinh thích đến, tự nguyện, tự nhiên. Không đến trường thấy nhớ, nghỉ học lâu thấy buồn. Nói cách khác, trường học đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời. Giáo dục đã trở thành mục đích sống, lẽ sống.

Thứ hai
, năm 1825, sau khi thôi giữ chức Tổng thống Hoa Kỳ, Thomas Jefferson - tác giả của bản Tuyên ngôn Độc lập nổi tiếng, sáng lập Trường Đại học Tổng hợp Virginia, đề ra một tiêu chuẩn thật giản dị: Ông cho rằng sinh viên được học những điều mình thích và không phải học những điều họ không thích phải trở thành nguyên tắc giáo dục. “Người lớn” phải hiểu rõ điều đó. Thứ ba, các mối liên hệ, quan hệ trong môi trường trường học như quan hệ thầy - trò, bè bạn, không gian cây xanh - phòng ốc - điều kiện học tập…, phải được thiết kế sao cho mỗi đứa trẻ “sống” trong đó thấy thoải mái, hạnh phúc.

Nhiều trường học Việt Nam không có tiêu chí thứ ba, chương trình đào tạo của nền giáo dục nước ta không đủ tiêu chí thứ hai và, phải thẳng thắn nói rằng, tiêu chí một luôn luôn là một sự bất cập.

Đà Nẵng là một trong những thành phố đi đầu cả nước về giáo dục - một trong những “địa chỉ” hiểu rõ tài năng, cách phát triển tài năng cũng như tạo điều kiện cho một “vườn ươm” đúng nghĩa đối với các tài năng trẻ. Có không ít những con số thuyết phục chứng minh một cách rõ ràng kết luận trên. Trong cấp học mầm non, số giáo viên có trình độ vượt trên chuẩn của Đà Nẵng là 67,1%; tiểu học là 76,3%; THCS là 62,8%...
 
Đó là những con số cực kỳ ấn tượng. Càng ấn tượng hơn nữa là kết quả thi đại học của học sinh Đà Nẵng trong năm qua được đánh giá là đứng đầu cả nước với 21,61% học sinh thi đỗ. Mới nhất, ngày 29-3-2009, Lễ khởi công xây dựng Trường tiểu học chất lượng cao Sky-line do Công ty L.I.F.E. tổ chức, đã được tiến hành suôn sẻ. Đây là trường học có chi phí đầu tư lên đến 80 tỷ đồng, xây dựng trên khuôn viên rộng 6.500m2 ở Nam Tuyên Sơn, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu.

Trường tiểu học này sẽ là mô hình đào tạo đầu tiên trên cả nước với giáo viên tiếng Anh được hỗ trợ trực tiếp từ Đại học Cambridge. Sắp tới, Đà Nẵng sẽ là một trong 4 thành phố được Bộ GD-ĐT đầu tư để phát triển mô hình Đại học Quốc tế. Gần hơn nữa, cuộc thi sinh viên giỏi vào ngày 12-4-2009 là một nguồn động viên thực sự đối với cách nghĩ, cách làm hướng tới “trường học thân thiện”…

Sự phát triển và ổn định của bất kỳ xã hội nào cũng cần phải có môi trường giáo dục thân thiện. Nếu người học chỉ lo đối phó, học để “qua cầu” thì người buộc phải “rút ván” chính là xã hội! Những trường điểm, trường chất lượng cao là điều cần, nhưng chúng không bao giờ đủ. Giáo dục phải đồng bộ, phải hướng đến những tiêu chí xã hội. Cả thành phốmột THTT chính là ước mơ đầy đủ, hạnh phúc nhất của mọi người!

Hà Văn Thịnh

;
.
.
.
.
.