(ĐNĐT) - Từ sự thí điểm thành công của ngành giáo dục, Đà Nẵng đã mở rộng hình thức thi tuyển chức danh lãnh đạo ra nhiều đơn vị hành chính, sự nghiệp nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính.
>> Bài 2: Trò chuyện với một hiệu trưởng “đắc tuyển”
>> Bài 1: Lần đầu tiên thi tuyển cùng lúc 5 hiệu phó
Cách làm hoàn toàn mới mang tính đột phá
Ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cho hay, TP hiện đang áp dụng nhiều mô hình sáng tạo trong công tác cải cách hành chính (CCHC), nhất là trong cải cách thể chế hành chính, như quy định việc đánh giá, xếp hạng công tác CCHC hàng năm của các cơ quan, đơn vị; hình thành thói quen giao tiếp ngoại ngữ trong công sở; thi tuyển vào chức danh lãnh đạo; đào tạo chức danh lãnh đạo xã, phường; chế độ trách nhiệm của người đứng đầu trong CCHC…
Đà Nẵng đang mở rộng cải cách hành chính nhằm phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. |
Trong đó, cùng với mô hình “một cửa, một cửa liên thông”, việc tổ chức “thi tuyển vào chức danh lãnh đạo” đã có tác động đến thể chế. Đây là cách làm hoàn toàn mới mang tính đột phá, khác với phương pháp truyền thống là đề bạt, bổ nhiệm từ xét chọn và đề xuất của cơ quan, tổ chức để cơ quan có thẩm quyền quyết định. Qua thực tiễn cho thấy cách làm này đã có sự lan toả, được sự chấp nhận bước đầu của xã hội và trực tiếp tác động đến đội ngũ cán bộ, công chức.
Vì đây là việc làm mới, khác với cơ chế quản lý cán bộ hiện hành nên TP Đà Nẵng đã chọn khâu đột phá là một đơn vị sự nghiệp (do có cơ chế tự chủ hoạt động). Trong số các đơn vị sự nghiệp thì ngành được chọn là ngành giáo dục do tính chất quản lý không quá phức tạp, nặng về chuyên môn, nghề đào tạo gắn với công việc và cùng một loại trường có thể có nhiều đối tượng tham gia dự tuyển vì càng có nhiều số dư càng tốt.
Trong ngành giáo dục, trường đầu tiên được chọn thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo là trường THPT Phan Chu Trinh. Đây là một trong những trường có bề dày truyền thống bậc nhất ở Đà Nẵng, thu hút được sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội, là nơi mà có thể nhiều người muốn tham gia để thể hiện mình. Nói cách khác, đây là nơi có “tính hấp dẫn” cao để tiến hành thí điểm một việc chưa từng có trước đó. Vị trí được chọn là cấp phó hiệu trưởng, do lẽ cần một sự thể nghiệm an toàn, trong trường hợp không thành công thì cũng không gây tác động lớn.
Từ cuộc thi đầu tiên diễn ra hồi tháng 1-2007, đến nay ngành GD-ĐT Đà Nẵng đã liên tục tổ chức nhiều cuộc thi khác, không chỉ tuyển chọn hiệu phó mà cả hiệu trưởng, không chỉ với trường THPT bình thường mà cả trường THPT chuyên, không chỉ tổ chức thi tuyển hiệu trưởng, hiệu phó cho từng trường mà sắp tới còn tổ chức thi tuyển cùng lúc 5 phó hiệu trưởng cho 5 trường…
“Kết quả thành công kể trên được dư luận đồng tình ủng hộ, nhất là bản thân những người được tuyển chọn phát huy tốt khả năng của mình trên cương vị mới nên lãnh đạo TP đã cho phép tiếp tục thí điểm và mở rộng hơn cho các loại hình đơn vị sự nghiệp và hành chính!” – ông Đặng Công Ngữ nói.
Khởi đầu từ sự thí điểm của ngành giáo dục, đến nay ở Đà Nẵng đã có 25 chức danh được tuyển chọn bằng hình thức thi tuyển. Trong đó, cấp trưởng có 7 chức danh, cấp phó có 18 chức danh; đơn vị sự nghiệp có 18 chức danh, đơn vị hành chính có 7 chức danh. Để tuyển chọn được 25 chức danh này, đã có 102 người đăng ký dự tuyển, bình quân mỗi chức danh có hơn 4 người cạnh tranh. Trong đó có trường hợp 15 người cạnh tranh một chức danh phó hiệu trưởng ở quận Thanh Khê.
Theo ông Đặng Công Ngữ, cơ chế tuyển chọn phải thật sự linh hoạt theo từng loại hình, từng vị trí chức danh và phụ thuộc vào điều kiện cụ thể ở mỗi đơn vị, nên trong quá trình xây dựng đề án thực tế cho thấy không thật sự giống nhau. Điều này không có nghĩa là mục tiêu khác nhau mà phụ thuộc vào cách nhìn, yêu cầu của từng cơ quan, đơn vị và vai trò của người thủ trưởng đơn vị với quyết tâm cao.
Cần có đầy đủ hành lang pháp lý cho việc thi tuyển
Với những kết quả tốt đẹp bước đầu đó, tại hội thảo các tỉnh miền Trung về “Chương trình CCHC cấp tỉnh: Hiện trạng và khuyến nghị” do Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng và Ban Dân chủ - Pháp luật (Mặt trận TQVN) tổ chức trong hai ngày 7 và 8-5 tại Đà Nẵng, ông Đặng Công Ngữ đã mạnh dạn tuyên bố:
“Đà Nẵng là địa phương đi đầu trong việc thi tuyển lãnh đạo vào các chức danh như lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp, lãnh đạo các phòng ban chuyên môn cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Cách làm này từng bước được khẳng định và có nhiều ưu điểm nên ngày càng có nhiều đơn vị chọn lựa. Những người thực sự có năng lực, đạo đức, trẻ có thể không còn phải “xếp hàng” chờ đợi như lâu nay. Người được tuyển chọn qua hình thức này chí ít cũng là người khá nhất trong số những người đã được lựa chọn và tuyển chọn, nên qua thời gian đã khẳng định được mình!”.
Tuy nhiên qua thực tế, lãnh đạo Sở Nội vụ Đà Nẵng nhận thấy vẫn còn có những hạn chế trong việc tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo các cơ sở giáo dục nói riêng, các đơn vị hành chính, sự nghiệp nói chung trên địa bàn TP. Trước hết là chưa thể chế được việc thi tuyển mà vẫn còn ở dạng thử nghiệm nên chưa thể có những ràng buộc để thực hiện.
Điểm đáng chú ý khác là nhiệm vụ, quyền hạn của các vị trí lãnh đạo quản lý phụ thuộc nhiều yếu tố. Do vậy, khi trình bày đề án thì rất tốt nhưng khi vào thực tế thì lại khó thể hiện, điều kiện chưa đảm bảo. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc thi tuyển chức danh lãnh đạo vẫn còn hạn chế.
Ông Đặng Công Ngữ nói: “Cách làm này vẫn đang gặp không ít trở ngại vì chưa được chế định trong công tác quản lý cán bộ, tính khoa học trong việc lựa chọn chưa được nghiên cứu và xác lập, hội đồng giám khảo chưa đủ cơ sở và những yếu tố cần thiết để tìm được người thực sự có tài năng… Do vậy, nhiều cơ quan còn ngại mở rộng đối tượng để tìm giải pháp an toàn; còn người tham gia dự tuyển trong đơn vị thì ngại xông pha vì họ ngại cả bản thân và sự nhìn nhận của xã hội, của đồng nghiệp!”.
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ Đà Nẵng, việc thi tuyển chức danh lãnh đạo cho các trường học nói riêng, các đơn vị hành chính, sự nghiệp nói chung đã thể hiện nhiều mặt tích cực, tiên tiến và đã được minh chứng từ kết quả thực hiện nên có thể áp dụng rộng rãi. Những vấn đề tồn tại hoặc thách thức như nêu trên cũng chỉ là những nhân tố chủ quan có thể khắc phục được. Tuy nhiên, muốn triển khai mạnh mẽ cần phải đầy đủ hành lang pháp lý, và Nhà nước phải có sự đầu tư thì mới có tính khả thi cao.
Cẩm An