Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đồng ý về nguyên tắc cho phép thành lập Trường Đại học (ĐH) Quốc tế American Pacific University (APU) tại Đà Nẵng. Trường ĐH Quốc tế APU có mô hình đào tạo liên thông từ bậc tiểu học lên đến sau ĐH; những học sinh xuất sắc của APU sẽ có cơ hội tiếp cận với việc đào tạo tại các trường ĐH của Mỹ hoặc với các trường ĐH, các tập đoàn đào tạo quốc tế... Bên cạnh đó, trong định hướng phát triển đào tạo, Chính phủ cũng đồng ý chủ trương xây dựng 4 trường ĐH chuẩn quốc tế tại 4 thành phố lớn là: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Trong khi đó, sau hơn 10 năm chờ đợi, dự án Làng ĐH Đà Nẵng do ĐH Đà Nẵng làm chủ đầu tư, quản lý và điều hành với tổng vốn đầu tư khoảng 4 nghìn tỷ đồng cũng vừa chính thức khởi công. Dự án có tổng diện tích 300ha, chia làm 3 giai đoạn. Đến năm 2015, khi đi vào hoạt động, Làng ĐH này sẽ đạt quy mô đào tạo cho 100.000 sinh viên, đáp ứng nhu cầu đào tạo của các trường ĐH trên địa bàn thành phố.
Những dấu hiệu đó cho thấy, việc đẩy mạnh sự nghiệp đào tạo đã có dấu hiệu chuyển biến mới theo hướng chuẩn quốc tế nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực thực sự có chất lượng cao, đáp ứng được sự phát triển và hội nhập của Đà Nẵng cũng như các địa phương trong khu vực. Trước mắt là đào tạo đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động ngay trên chính “sân nhà”.
Bởi mới đây, Đà Nẵng đã quyết định vận động triển khai xây dựng khu công nghiệp công nghệ cao trên diện tích 1.200ha tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang. Bên cạnh đó, việc xây dựng nguồn nhân lực này cũng là bước chuẩn bị để thu hút đầu tư vào nền công nghiệp có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao, ít gây ô nhiễm môi trường trong một tương lai gần.
“Từ nay đến năm 2015, 2 thành phố lớn nhất Việt Nam là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh sẽ cần khoảng 4 triệu lao động chất lượng cao trong các lĩnh vực như: công nghệ thông tin, du lịch, đóng tàu và tài chính. Dựa vào mức độ và chất lượng đào tạo hiện nay, chỉ đáp ứng tối đa được 40-60% nhu cầu” |
Thứ nhất, là những lĩnh vực ngành nghề công nghệ cao chủ yếu tập trung ở ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, năng lượng và môi trường.
Thứ hai, về phương pháp đào tạo, nhân lực ở đây là đội ngũ có khả năng tư duy năng động, luôn sáng tạo và phát triển sản phẩm mới; vì vậy việc kết hợp giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học là không thể thiếu trong nhà trường.
Thời gian qua, ĐH Đà Nẵng đã mạnh dạn triển khai mô hình đào tạo và nghiên cứu khoa học theo hình thức các nhóm giảng dạy-nghiên cứu (TRT), có sự hỗ trợ từ các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu hiện đại và đào tạo cán bộ theo nhóm từ các chương trình đầu tư trọng điểm và có chiều sâu của Chính phủ.
Tiếp đó là chương trình đào tạo công nghệ thông tin trực tiếp bằng tiếng Anh cho các ngành hệ thống số, hệ thống tự động tích hợp hoặc dạy trực tiếp bằng tiếng Pháp (công nghệ thông tin, tin học công nghiệp, sản xuất tự động). 2 năm gần đây, các chương trình đào tạo khoa học máy tính, hệ thống tự động tích hợp, mạng thông tin cũng được ĐH Đà Nẵng liên kết đào tạo cao học với các trường ĐH nước ngoài dạy trực tiếp bằng tiếng Anh...
Việc đào tạo nhân lực chất lượng cao của ĐH Đà Nẵng cũng như các trung tâm đào tạo khác ở Đà Nẵng vẫn còn rất hạn chế do những yêu cầu, tiêu chí khác nên cũng chỉ mới ở dạng “ươm mầm”; và vẫn chưa đạt được “độ cao” như cần thiết. Trước thực trạng đó cũng như sau khi phân tích nhu cầu về đào tạo cho thời gian tới, GS.TSKH Bùi Văn Ga đưa ra những đề nghị mới:
Chính quyền thành phố cần nhanh chóng đưa ra dự báo nhu cầu nhân lực và ngành nghề đào tạo và tạo cơ chế phối hợp phân tầng đào tạo. “Kinh nghiệm phân tầng ĐH áp dụng tại ĐH Đà Nẵng trong mấy năm qua cho thấy kinh phí đầu tư hằng năm cho một sinh viên chương trình tiên tiến gấp từ 5-10 lần so với đầu tư bình quân hiện nay, ngoài trang thiết bị phục vụ giảng dạy và nghiên cứu có sẵn.
Trong khi Nhà nước chưa ban hành cơ cấu học phí mới dựa trên thực chi cho quá trình đào tạo, phần kinh phí gia tăng này cần được địa phương, doanh nghiệp và người học chia sẻ với nhà trường”- GS Ga đề nghị. Ông cũng kiến nghị sửa đổi quy chế đào tạo sau ĐH, trong đó chương trình đào tạo cao học phải được chia thành hai hướng: hướng nghiên cứu dành cho những người tiếp tục làm luận án tiến sĩ và hướng chuyên nghiệp dành cho những người muốn theo học trình độ sau ĐH để tham gia thị trường lao động.
ANH QUÂN