.

Dạy con từ gia đình đến nhà trường

.

“Học làm trẻ con” đó là cách mà các bậc cha mẹ và nhiều thầy, cô giáo đang áp dụng để quản lý, giáo dục trẻ...

Gia đình nơm nớp chuyện giữ con

Để theo kịp sự phát triển tâm-sinh lý của học trò ngày nay, giáo trình nghiệp vụ sư phạm phải đổi mới.

Cách đây chưa lâu, người viết bài này cùng đi với một cặp vợ chồng tìm hai đứa trẻ lạc. Nhiều người chia nhau tìm suốt đêm ngoài phố trong vô vọng, lùng sục các tiệm Internet, thông báo trên truyền hình... Nói là lạc nhưng thực chất hai em (lớp 5 và lớp 6) tự trốn nhà vì một lời đe dọa của người lớn và sự rủ rê của bạn. Công việc làm ăn bận rộn, anh chị gửi con cho hàng xóm trông giúp. Thường bị người hàng xóm dọa sẽ nói ba đánh mỗi khi các em làm việc gì không phải, hai em mang chuyện tâm sự với cậu bạn cùng lớp thì được bạn “tư vấn” trốn đi để khỏi bị ăn đòn.

Một cô bé học sinh THCS lại về nhà với vết trầy xước trên má. Em nói là do vấp ngã. Qua bạn bè, cha mẹ em mới biết vết thương do một bạn cùng lớp đánh. Hù dọa thấy không xong, báo nhà trường sợ bạn trả thù, gia đình đành im lặng quan sát con từng buổi đi học hay tan trường.

Hai câu chuyện trên chỉ là số ít trong nhiều nỗi bận tâm của phụ huynh khi có con đến tuổi đi học. Con hư hay con chưa hư cũng đều khiến các bậc cha mẹ trẻ thắc thỏm. Có người lo lắng đến “khiếp” khi xung quanh con có nhiều cạm bẫy. Có người suốt ngày dán mắt vào con theo kiểu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Có người thì buông xuôi, đành sống chung với những điều mà họ đã tìm cách cấm con nhưng không thành công.

Một nữ bác sĩ tâm sự: “Dù ngoài giờ làm tại bệnh viện, tôi có nhiều cơ hội làm thêm với thu nhập rất khá nhưng không dám lao hết vào công việc. Lỡ con hư rồi có nhiều tiền cũng vô nghĩa”. Chị cho hay: “Hồi xưa, anh em tôi cứ ăn cơm xong là tự mặc quần áo, đeo cặp cuốc bộ đến trường. Giờ trường cách nhà vài bước nhưng phải đưa cháu đến tận cổng mới yên tâm”.

Nhà trường chạy theo học trò

Trong khi các bậc phụ huynh luôn thường trực suy nghĩ “chỉ đến trường mới yên tâm” thì hiện nay, để có thể không phụ lòng mong đợi của phụ huynh và xã hội, các thầy, cô giáo cũng vất vả không kém trong việc giáo dục học trò.

Gần đây, việc triển khai chương trình “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã tạo được không khí học tập sôi nổi, hứng khởi trong các trường học. Theo đó, cũng đặt ra cho các thầy, cô giáo những nhiệm vụ không hề nhỏ trong dạy và tiếp cận học trò. Cô Phạm Thị Anh, giáo viên chủ nhiệm lớp 2/11 Trường tiểu học Phù Đổng cho biết : “Những lý thuyết về nghiệp vụ sư phạm mà chúng tôi được học trước đây, bây giờ có nhiều phần phải thay đổi mới theo kịp sự phát triển trong tâm-sinh lý của các em. Học sinh bây giờ phần lớn là con một nên được cha mẹ nuông chiều. Đến lớp, chúng vẫn giữ cách ứng xử như ở nhà, muốn được người khác làm theo ý mình nên nhiều lúc nói các em đâu có nghe”.

 Một thực tế đang diễn ra ở trường học là thầy, cô phải “chạy theo” học trò. Ngoài nhiệm vụ dạy học trên lớp, họ còn phải thường xuyên cập nhật những thông tin ngoài lề như: Học sinh của mình đang quan tâm đến những gì? Điều gì ảnh hưởng nhiều nhất đến chúng? Về điều này, cô Anh cho biết thêm: “Có hiểu được suy nghĩ, lối sống của các em mới trò chuyện được với chúng. Trẻ con khi đã thân thiện được thì chúng sẽ sẵn sàng chia sẻ tất cả. Vì vậy, người thầy bây giờ muốn có học trò theo mình, trước hết phải là người bạn của các em”.

Hiện nay, mô hình hòm thư “Điều em muốn nói” được xem là “cơ quan ngôn luận” của các em tại trường học. Mặc dù những vấn đề  nói ra tuy không lớn, nhưng đã khiến các thầy, cô giáo không thể làm lơ. Tại Trường tiểu học Trần Quốc Toản, quận Sơn Trà, trong buổi sáng chào cờ ngày thứ hai hằng tuần, bao giờ cũng có phần các thầy, cô trong Ban giám hiệu công khai trả lời các thắc mắc, kiến nghị mà các em đã gửi lên. Khuyến khích các em nói và thể hiện mình là cách dạy đang được nhiều trường học trong thành phố lựa chọn và đem lại hiệu quả thiết thực cho công tác dạy-học.

Tuy nhiên, một trong những nhược điểm lớn nhất hiện nay trong giáo dục trẻ, đó là gia đình và nhà trường chưa thực sự tạo ra được sợi dây liên kết chặt chẽ. Nhiều phụ huynh trong năm học chỉ gặp thầy, cô giáo của con trong hai lần họp phụ huynh. Chính vì vậy mới xảy ra những trường hợp nhà trường đuổi học con nhưng gia đình vẫn không hay biết gì.

Hay như câu chuyện cô bé bị bạn đánh ở trên cho thấy nhà trường chưa thực sự là nơi để học sinh tin cậy. Phụ huynh và thầy cô giáo chưa có sự phối hợp kịp thời để cùng tìm ra giải pháp giúp đứa trẻ thoát khỏi hoang mang, lo sợ. Sự thờ ơ trong giáo dục, quản lý con của nhiều bậc phụ huynh cũng là một trong những nguyên nhân khiến các em trở nên khó dạy, ngay cả khi ở trong nhà trường. Thầy Nguyễn Hữu Đạt, Hiệu phó Trường tiểu học Phù Đổng, quận Hải Châu cho biết:
 
“Để giáo dục các em có hiệu quả, nhà trường rất cần đến sự phối hợp từ phía gia đình học sinh. Đồng thời cũng luôn xác định, trong trường không chỉ học sinh học mà ngay các thầy, cô giáo cũng không ngừng học tập, để không bị tụt hậu so với các em. Một ngôi trường thân thiện là nơi mà học sinh tích cực đến trường theo học, và có đủ mọi điều kiện để học sinh có thể phát huy tố chất của mình”.

 

Thạc sĩ BÙI VĂN VÂN, Trưởng khoa Tâm lý – Giáo dục, ĐH Sư phạm Đà Nẵng: Giáo dục ở gia đình

Thường là khi người ta khỏe, chẳng mấy ai đi khám bệnh. “Cơ thể” gia đình cũng vậy. Nhiều gia đình không quan tâm đến con  hoặc quan tâm không đúng mức để đến khi các em thể hiện sự lệch lạc trong lối sống mới lao vào chữa.

Hai hạn chế lớn nhất của giáo dục gia đình hiện nay là cha mẹ thiếu kiến thức sư phạm gia đình trong việc giáo dục con cái và quan tâm không đúng cách. Nhiều người vẫn nghĩ cho con đi học thêm, cho tiền tiêu, cho ăn ngon, mặc đẹp, trông con lớn lên hằng ngày là một sự dạy dỗ chu đáo. Nhưng như vậy, cha mẹ mới chỉ “cho” mà chưa thực hiện đúng chức năng của mình là “cùng chơi” và “hiểu” con.

Cần nói thêm rằng, sự mâu thuẫn trong cách dạy con giữa cha-mẹ, hay cha mẹ với ông bà khiến bé không biết nghe ai hoặc lấy đó làm cơ hội núp bóng người khác khi bé phạm lỗi.

Giáo dục gia đình là một hoạt động được diễn ra thường xuyên, liên tục. Không đợi đến lúc trẻ hư mới quản lý mà phải quan tâm ngay từ khi các bé còn nằm nôi. Thường thì phát hiện con hư, cha mẹ hay tỏ ra giận dữ. Như vậy là không đúng cách. Mà phải thật bình tĩnh để tìm hiểu nguyên nhân, giáo-dục-lại. Việc khen, chê, thưởng, phạt cũng rất quan trọng.

Khi con chưa hư nhưng bị bạn xấu bắt nạt hoặc rủ rê, phụ huynh nên trao đổi trực tiếp với những người có liên quan đến đứa trẻ đã tác động tới con mình. Không khuyến khích con đánh lại bạn; có thể nói thẳng sẽ báo cơ quan chức năng xử lý. Nhưng trước sau phụ huynh vẫn phải giữ thái độ nhẹ nhàng. Còn cấm là giải pháp bất lực, ít hiệu quả.

Thay vì cấm, nên tìm việc thay thế. Ban đầu trẻ chưa thích, cha mẹ lại tìm hoạt động khác dễ khiến trẻ thích hơn. Một cách nữa là hình thành vòng bạn bè để nhận sự hỗ trợ của các trẻ cùng trang lứa. Chẳng hạn, con có thói quen đi học muộn. Cha mẹ có thể nhờ những người bạn thân của con đến rủ đi học đúng giờ.

THU HOA (Thực hiện)

 

KHÁNH HÒA - THU HOA

;
.
.
.
.
.