Thời gian kết thúc năm học đã đến cũng là lúc học sinh (HS) ở các cấp học rục rịch chuẩn bị cho các buổi liên hoan chia tay. Nếu được tổ chức tốt, bảo đảm tính chất trang trọng, tiết kiệm, an toàn thì những buổi liên hoan chia tay sẽ là những kỷ niệm đẹp, đáng nhớ trong suốt quãng đời HS, nhất là với những HS cuối cấp. Tuy nhiên, trên thực tế hầu như không có năm nào là không xảy ra những sự cố đáng tiếc từ những cuộc liên hoan chia tay của HS. Từ đây đặt ra vấn đề về sự cần thiết của việc định hướng, kiểm soát chặt chẽ từ phía gia đình và nhà trường.
Những năm gần đây, khi điều kiện kinh tế được cải thiện, HS cũng có nhiều hình thức khác nhau trong việc tổ chức các buổi liên hoan chia tay: liên hoan tại lớp, “vui vẻ” tại nhà, tổ chức các buổi picnic, dã ngoại… Mức độ của các cuộc liên hoan cũng khác nhau: có liên hoan “nhẹ”, liên hoan “nặng”. Với các lớp cuối cấp, nhất là đối với HS lớp 12 thì thường kết hợp liên hoan “nhẹ” bằng hoa quả, bánh kẹo tại lớp và liên hoan “nặng” bằng việc tổ chức bữa cơm thân mật ở ngoài trường.
Điều đáng quan ngại là tình trạng HS sử dụng rượu, bia trong các cuộc liên hoan đang trở nên phổ biến, chủ yếu là bên ngoài trường học. Khi sử dụng rượu bia, với tâm lý dễ bốc đồng, nhiều em đã “vui tới bến”, dẫn đến việc không còn tự làm chủ được hành vi của bản thân. Hệ lụy có thể kéo theo là: gây tai nạn giao thông; nổi máu “anh hùng”, xích mích, gây gổ đánh nhau...
Chi phí cho mỗi cuộc liên hoan chia tay được tổ chức linh đình, “hoành tráng” cũng không phải là nhỏ, thông thường dao động trong khoảng 100.000 đồng đến 200.000 đồng/em. Với những HS con các gia đình có kinh tế khá giả thì không phải băn khoăn nhiều, nhưng với những HS gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn thì đây là một số tiền đáng kể.
Việc để cho HS tự do tổ chức các buổi liên hoan chia tay linh đình, tốn kém, không phù hợp một phần là do sự buông lỏng trong quản lý, định hướng của nhà trường, mặt khác còn do sự “tiếp tay” của các bậc phụ huynh. Một số nhà trường mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở mà thiếu những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt. Do vậy, chỉ hạn chế được tình trạng HS sử dụng rượu, bia và tổ chức liên hoan linh đình, tốn kém ở trong khu vực nhà trường, còn việc HS tổ chức liên hoan ở ngoài trường thì… thả cửa.
Về phía gia đình, nhiều bậc phụ huynh còn tỏ ra dễ dãi khi con xin tiền để góp liên hoan với suy nghĩ cho rằng: “Chúng nó học hành căng thẳng suốt cả năm, cuối năm học tạo điều kiện cho chúng vui vẻ, thư giãn với bạn bè một tí chắc cũng không sao”, nên sẵn sàng “móc hầu bao” cho con tiền góp liên hoan. Một số phụ huynh còn “thoáng” hơn khi đồng ý “đăng cai” tổ chức liên hoan cho lớp học của con ngay tại nhà mình và không ngăn cản khi các cháu sử dụng rượu, bia trong cuộc vui. Khi xảy ra những hậu quả đáng tiếc, có hối hận thì mọi sự đã quá muộn màng.
Để những cuộc liên hoan chia tay kết thúc năm học của HS thực sự có ý nghĩa, tránh tình trạng “quá mù ra mưa”, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất giữa nhà trường và hội phụ huynh HS. Theo đó, cần có sự định hướng, kiểm soát trong việc tổ chức các buổi liên hoan chia tay cuối năm của HS bảo đảm tính chất trang trọng, tiết kiệm, an toàn.
MINH TUẤN