.

Phân luồng học sinh THCS vào các trường nghề

.

Những năm qua, công tác phân luồng học sinh từ bậc trung học cơ sở (THCS) lên bậc trung học phổ thông (THPT)  tại Đà Nẵng được Sở Giáo dục-Đào tạo chú trọng và đạt kết quả cao so với các địa phương khác trong cả nước. Mục tiêu đến năm 2010 là tăng số học sinh tốt nghiệp THCS và bổ túc THCS vào học tại các trường trung học chuyên nghiệp (THCN) ở Đà Nẵng lên 11% so với 1,3% ở thời điểm năm 2003.

Phân luồng tốt học sinh tốt nghiệp THCS sẽ giảm áp lực đầu vào tại các trường THPT trên địa bàn thành phố.TRONG ẢNH: Học sinh tìm hiểu về công tác tuyển sinh các trường đại học, cao đẳng trong mùa tuyển sinh năm 2009.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp-Giáo dục thường xuyên thuộc Sở Giáo dục - Đào tạo thành phố cho biết, để có thể thực hiện mục tiêu này, ngành giáo dục thành phố chủ trương nâng cao nhận thức về công tác phân luồng học sinh sau THCS; tiếp tục quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo nghề hợp lý và ưu tiên phát triển các trung tâm, trường đào tạo nghề ở vùng ven, nhằm tạo cơ hội cho con em các gia đình lao động nông thôn và những vùng miền núi được tham gia học tập. Hiện nay, ngành triển khai xây dựng trường THPT kỹ thuật nhằm tạo điều kiện cho học sinh vừa học chương trình THPT vừa được giáo dục kỹ thuật tổng hợp qua các môn công nghệ.

Theo ông Dũng, số học sinh tham gia học tập loại hình này sẽ được hình thành những kỹ năng cơ bản theo ngành nghề thuộc các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, nông-lâm-ngư nghiệp và dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, để điều tiết lượng học sinh THCS và THPT, Sở sẽ tăng dần chỉ tiêu hàng năm cho các trường THCN tuyển sinh đầu vào là học sinh tốt nghiệp THCS, đồng thời thu hẹp tỷ lệ tuyển sinh đầu vào là học sinh tốt nghiệp THPT để đưa vào đào tạo nghề bậc cao.

Hiện nay, ngành giáo dục thành phố từng bước thực hiện chương trình đào tạo liên thông nhằm thu hút học sinh vào học ở các cơ sở đào tạo nghề theo hướng vừa học bổ túc trung học phổ thông vừa học trung học chuyên nghiệp, sau đó tiếp tục học cao đẳng công nghệ và đại học kỹ thuật. Để góp phần khuyến khích học sinh theo học với hình thức phân luồng này, ngành giáo dục sẽ tổ chức chương trình học bổng hỗ trợ một phần hoặc toàn phần, có chế độ miễn giảm học phí tại các cơ sở đào tạo nghề, xây dựng quỹ khuyến học hỗ trợ cho học sinh tham gia học nghề.

Mục đích chính của phân luồng học sinh là giảm sức ép học sinh từ bậc THCS “đổ dồn” vào các trường THPT, thay vào đó sẽ được phân phối đầu ra sau THCS ở các trường THCN và dạy nghề. Đây cũng là một hình thức nhằm đa dạng hóa các loại hình học tập, xây dựng “xã hội học tập” tại thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua.

Bài và ảnh: DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.