.

Thi tuyển hiệu trưởng, hiệu phó ở Đà Nẵng - Bài 1: Lần đầu tiên thi tuyển cùng lúc 5 hiệu phó

.

(ĐNĐT) - Đà Nẵng là địa phương đi đầu trong việc thi tuyển vào các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, trong đó có ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT). Kết quả tốt đẹp qua 2 năm thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo cho các trường học là rất đáng ghi nhận, song, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra...

Tiếp tục mở rộng và đổi mới việc thi tuyển

Ông Đặng Thanh, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD-ĐT Đà Nẵng) cho biết, trong hai ngày 22 và 23-5-2009, tại Đà Nẵng sẽ diễn ra cuộc thi tuyển 5 Phó hiệu trưởng các trường THPT Trần Phú, Nguyễn Hiền, Thanh Khê, Tôn Thất Tùng và Hoàng Hoa Thám. Đây là sự kiện đánh dấu thêm một bước tiến mới của ngành giáo dục Đà Nẵng trong việc đổi mới công tác tổ chức cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bằng hình thức thi tuyển.

Theo ông Đặng Thanh, khác với những lần trước chỉ thi tuyển hiệu trưởng, hiệu phó cho từng trường, đợt thi sắp tới là lần đầu tiên tổ chức thi tuyển lãnh đạo cho cả 5 trường cùng lúc. Người dự thi có thể chọn bất cứ trường nào để làm đề án. Sau khi trúng tuyển, tùy theo yêu cầu công việc và kết quả chấm chọn mà có thể bổ nhiệm ở trường khác chứ không nhất thiết người dự thi làm đề án về trường nào thì bổ nhiệm ở trường đó.

Trường THPT Phan Chu Trinh là một trong những trường đã thi tuyển chức danh hiệu phó ở Đà Nẵng. Trong ảnh: Nữ sinh THPT Phan Chu Trinh đến trường. Ảnh: N.Đ

“Ngoài điểm lý thuyết như kiến thức về Luật Giáo dục, các quy định của ngành… thì việc chấm điểm đối với người dự thi chủ yếu tập trung vào năng lực quản lý. Công việc của một Phó hiệu trưởng thì ở trường nào cũng cơ bản giống nhau, đề án dự thi thể hiện phương pháp quản lý chung chứ không phải đi vào giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó. Vấn đề là cách thức tiếp cận công việc, năng lực quản lý thể hiện qua thi tuyển. Do vậy, việc mở rộng khả năng được bổ nhiệm chính là để chọn lọc và phát huy được cao nhất năng lực của người dự thi”, ông Đặng Thanh giải thích.

Ông cũng cho biết thêm, tiếp nối sự đổi mới từ cuộc thi tuyển chức danh Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được tổ chức vào tháng 12-2008, cuộc thi sắp tới sẽ có thêm nhiều điểm cải tiến đáng kể. Tuổi đời của người dự thi được hạ thấp xuống, từ 30 đến dưới 45 tuổi đối với nữ và từ 30 đến dưới 50 tuổi đối với nam (trước đây là dưới 50 đối với nữ và dưới 55 tuổi đối với nam) nhằm góp phần trẻ hoá đội ngữ cán bộ lãnh đạo các trường.

Đối tượng dự tuyển được mở rộng cho cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế hoặc hợp đồng lao động đang công tác tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trong và ngoài TP; cán bộ, viên chức, giáo viên giữ chức vụ từ Phó Trưởng phòng trở lên hoặc trong diện quy hoạch các chức danh cán bộ quản lý, đang công tác tại các trường đại học, trung cấp chuyên nghiệp, THPT và các cơ sở đào tạo trong, ngoài thành phố; tốt nghiệp đại học sư phạm chính quy, tập trung dài hạn ở các trường công lập.

Bên cạnh đó, hệ thống chấm điểm có đưa thêm tiêu chí về quá trình công tác và thành tích của người dự thi. Những người từng giữ các chức danh ở các cơ sở giáo dục, không chỉ ở cấp nhà trường mà ở cấp bộ môn, thành viên ban chấp hành các đoàn thể… hoặc có sáng kiến kinh nghiệm, thành tích đóng góp cho đơn vị đều điược cộng thêm điểm. Qua đó thể hiện sự đánh giá cao đối với những người có quá trình tham gia, cọ xát thực tế ở một tầm công việc nào đó tại các cơ sở giáo dục.

“Đề án về từng cuộc thi đều được Sở Nội vụ thẩm định, trình UBND TP phê chuẩn, sau đó công bố công khai cho mọi người đều biết. Đến chứng kiến cuộc thi, ngoài sự cổ vũ của cán bộ, giáo viên nơi người dự thi đang công tác còn có sự “thẩm định” của cán bộ, giáo viên ở nơi mà người dự thi muốn hướng đến. Điểm được chấm và công bố công khai tại chỗ. Do vậy, các kết quả thi tuyển nhận được sự đồng thuận cao của người dự thi, đặc biệt là của cán bộ, giáo viên ở nơi sẽ có lãnh đạo mới được bổ nhiệm thông qua cuộc thi”, ông Đặng Thanh nói.

Chọn được người tài, tạo điều kiện cho người trẻ thăng tiến

Theo ông Huỳnh Văn Hoa, Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, việc bổ nhiệm cán bộ quản lý giáo dục đã được tổ chức thường xuyên theo quy trình, thủ tục tại Quyết định 27/2003/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, để đổi mới công tác cán bộ, ngành GD-ĐT Đà Nẵng đã mạnh dạn đề xuất với UBND TP xây dựng đề án tổ chức thi tuyển để bổ nhiệm cán bộ trong ngành theo Quyết định 5954/QĐ-UBND (tháng 9-2006) của UBND TP Đà Nẵng ban hành đề án thực hiện thí điểm thi tuyển giám đốc, phó giám đốc (tương đương) của một số đơn vị sự nghiệp thuộc UBND TP Đà Nẵng.

Qua 2 năm thực hiện (chưa kể đợt thi tuyển sắp tổ chức vào ngày 22 và 23-5 tới), đã có 58 người tham gia dự thi. Qua đó, ngành GD-ĐT Đà Nẵng đã tuyển chọn, bổ nhiệm 21 cán bộ quản lý cho các trường học, gồm 2 hiệu trưởng và 3 phó hiệu trưởng trường THPT, 3 hiệu trưởng và 8 phó hiệu trưởng trường Tiểu học, 5 phó hiệu trưởng trường THCS.

“Đối tượng và số lượng dự thi là một yếu tố quyết định thành công của kỳ thi. Do làm tốt việc phổ biến, quán triệt nên chủ trương mới về thi tuyển chức danh lãnh đạo cho các trường học đã đến với tận cán bộ, giáo viên trong và ngoài ngành; giới thiệu được cán bộ, giáo viên đủ điều kiện tham gia dự thi, đặc biệt là quan tâm ưu tiên đối với cán bộ, giáo viên trẻ, có năng lực, nằm trong diện quy hoạch và tổ chức sơ tuyển đối tượng dự thi đảm bảo về số lượng, đáp ứng các điều kiện”, ông Huỳnh Văn Hoa nói.

Nhờ vậy, ở các kỳ thi, mỗi chức danh thi tuyển đều có ít nhất 3 ứng cử viên trở lên đăng ký dự tuyển. Cá biệt ở quận Thanh Khê đã có đến 15 ứng viên dự thi để tuyển chọn 1 chức danh phó hiệu trưởng cho một trường tiểu học. Ngoài việc có thể chọn hình thức thi tập trung một lần cho nhiều trường, một kinh nghiệm nữa được Sở GD-ĐT Đà Nẵng rút ra là dựa vào kết quả thi tuyển, không chỉ chọn người có kết quả cao nhất để bổ nhiệm mà còn có thể chọn tiếp những người có kết quả liền kề, đáp ứng các yêu cầu để bảo lưu, xem xét bổ nhiệm chức vụ khi có nhu cầu.

Theo đánh giá của ông Huỳnh Văn Hoa, việc thi tuyển thí điểm cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục của Đà Nẵng bước đầu đã cho kết quả tốt, cho thấy hình thức lựa chọn cán bộ lãnh đạo qua thi tuyển đã phát huy dân chủ, công khai, được sự nhất trí ủng hộ cao của các cấp chính quyền và đông đảo cán bộ, công chức, viên chức trong ngành, góp phần thay đổi quy trình, phương thức bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo các trường học, cơ sở giáo dục. Đồng thời giúp Thành uỷ, UBND TP Đà Nẵng có cơ sở xây dựng kế hoạch thi tuyển chức danh lãnh đạo các cấp, các ngành khác.

Ông Huỳnh Văn Hoa nhận định: “Qua tổ chức thi tuyển đã tuyển chọn được cán bộ, giáo viên có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức để bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý các đơn vị, trường học phù hợp với kết quả quy hoạch cán bộ của ngành. Đây là bước khởi đầu cho việc áp dụng mô hình lựa chọn người có đức, có tài, có năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành với trình độ chuyên môn cao vào vị trí lãnh đạo chủ chốt thông qua hình thức thi tuyển. Từ đó tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên nói chung, đặc biệt là giáo viên trẻ có cơ hội thăng tiến”.

Nội dung và hình thức thi tuyển gồm 3 phần: Người đăng ký dự tuyển phải thông qua kỳ thi tuyển bằng hình thức đánh giá qua các tiêu chí về quá trình công tác, trình độ đào tạo, thành tích đạt được.

Tiếp đó là phần thi viết về chức năng, nhiệm vụ của trường học, mô tả nhiệm vụ của người cán bộ quản lý và định hướng xây dựng, phát triển đơn vị.

Cuối cùng là phần bảo vệ công khai trước Hội đồng thi tuyển về đề án tổ chức hoạt động và phát triển của một đơn vị trường học.

Cẩm An
.................................

Bài 2: Trò chuyện với một hiệu trưởng “đắc tuyển”

Sau mười mấy năm công tác tại trường THPT Ông Ích Khiêm và khoảng 7 tháng công tác tại Văn phòng Sở GD-ĐT Đà Nẵng, thầy Lê Trung Chinh là một trong những người đầu tiên trúng tuyển tại kỳ thi tuyển hiệu trưởng, hiệu phó của ngành giáo dục Đà Nẵng và trở thành hiệu trưởng trường THPT Thái Phiên từ cách đây 2 năm. “Khi dự thi, không mấy ai quan trọng chức quyền mà vì trách nhiệm chung với ngành, với sự nghiệp giáo dục”, thầy Chinh nói.

;
.
.
.
.
.