.
Thi tuyển hiệu trưởng, hiệu phó ở Đà Nẵng:

Bài 2: Trò chuyện với một hiệu trưởng “đắc tuyển”

.

(ĐNĐT) - Thầy Lê Trung Chinh, Hiệu trưởng trường THPT Thái Phiên (Đà Nẵng): “Khi dự thi, không mấy ai quan trọng chức quyền mà vì trách nhiệm chung với ngành, với sự nghiệp giáo dục”. 

        >> Bài 1: Lần đầu tiên thi tuyển cùng lúc 5 hiệu phó

Sau mười mấy năm công tác tại trường THPT Ông Ích Khiêm và khoảng 7 tháng công tác tại Văn phòng Sở GD-ĐT Đà Nẵng, thầy Lê Trung Chinh (ảnh) đã là một trong những người đầu tiên trúng tuyển tại kỳ thi tuyển hiệu trưởng, hiệu phó của ngành giáo dục Đà Nẵng và trở thành hiệu trưởng trường THPT Thái Phiên từ cách đây 2 năm. Nhìn lại chặng đường vừa qua, thầy Lê Trung Chinh đã dành cho ĐNĐT cuộc trao đổi:

Chất lượng giáo dục được nâng lên

Qua thời gian nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng trường THPT Thái Phiên sau khi được tuyển chọn qua thi tuyển, thầy thấy có thuận lợi và khó khăn gì trong công việc của mình?

Bất kỳ ai khi về công tác ở chỗ mới thì ban đầu cũng có khó khăn nhất định, nhất là những vướng mắc về mặt tâm lý đối với công việc mới, môi trường mới. Nhưng sau đó, được sự chỉ đạo của Sở GD-ĐT, sự tạo điều kiện giúp đỡ của đồng nghiệp trong trường thì mình cũng dần dần quen với công việc và hiện nay thì có thể nói mọi chuyện đã đi vào nề nếp và tiến triển tốt, không vướng mắc khó khăn nào cả.

So sánh giữa một lãnh đạo nhà trường được bổ nhiệm không qua thi tuyển với một lãnh đạo nhà trường được bổ nhiệm qua thi tuyển, thầy thấy có điều gì khác biệt hay không?

Cái này thì tôi cũng chưa dám đánh giá. Nếu bổ nhiệm đúng, người được bổ nhiệm có năng lực, trình độ và thể hiện được mình thì việc bổ nhiệm cũng là điều tốt.

Điều đáng nói qua thi tuyển là người dự tuyển có dịp tìm hiểu, nắm bắt hệ thống văn bản pháp quy, chức năng, nhiệm vụ, vị trí công tác và có cách nhìn mới về chức vụ sắp đảm nhiệm. Qua đó, người được bổ nhiệm chức vụ cán bộ quản lý nhà trường tiếp cận ngay với công việc, đáp ứng yêu cầu về công tác quản lý các hoạt động giáo dục ở trường học.

Qua 2 năm đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng trường THPT Thái Phiên, thầy thấy nhà trường có những sự chuyển biến như thế nào?

Qua 2 năm vừa rồi, có thể nói trường THPT Thái Phiên có những mặt tiến bộ. Chúng tôi không nói trước đó là như thế nào, nhưng tôi thấy những năm gần đây chất lượng giáo dục của nhà trường được nâng lên. Điều đó bắt nguồn từ nhiều yếu tố, trong đó chúng tôi ghi nhận sự cố gắng nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên. Về phía tôi thì cũng có thể nói là hoàn thành trách nhiệm.

Thầy có thể cho vài ví dụ cụ thể chứng tỏ chất lượng giáo dục của nhà trường được nâng lên trong 2 năm qua?

Tôi có thể ví dụ tỷ lệ tốt nghiệp năm học 2006 – 2007 là 86,9%, đến năm học 2007 - 2008 tăng lên 91,6%. Tỷ lệ đỗ đại học năm học 2007 – 2008 tăng hơn năm học 2006 – 2007 là 10%. Số học sinh giỏi cấp TP được nâng lên rõ rệt, năm 2007 – 2008 đoạt 55 giải, năm 2008 – 2009 đoạt 108 giải. Số giáo viên đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cũng được nâng lên…

"Vì trách nhiệm chung với ngành, với sự nghiệp giáo dục"

Theo thầy, để việc thi tuyển hiệu trưởng, hiệu phó đạt hiệu quả cao hơn nữa, để quá trình thực thi nhiệm vụ của người trúng tuyển được thuận lợi hơn nữa thì cần thiết có những sự thay đổi, bổ sung như thế nào?

Tôi thấy hình thức thi hiện nay so với cách đây 2 năm cũng đã có nhiều đổi mới. Tuy nhiên cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, giáo viên hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thi tuyển nhằm tạo tâm lý thuận lợi cho người đi thi. Phải làm thế nào để người đi thi lẫn người ở những trường có nhu cầu tuyển cán bộ lãnh đạo đồng thuận với chủ trương chung của ngành và TP, từ đó tạo điều kiện cho người trúng tuyển hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thứ hai là nên bảo lưu kết quả thi tuyển đối với những người đạt kết quả cao, xứng đáng được bổ nhiệm nhưng vì chỉ tiêu ít nên chưa được chọn. Cần bảo lưu kết quả thi tuyển của những người như vậy để bổ nhiệm vào những lần sau chứ không nhất thiết là thi tuyển đợt nào thì chỉ bổ nhiệm vừa đủ số lượng của đợt đó. Nếu được bảo lưu kết quả thi tuyển sẽ tạo tâm lý thoải mái cho người dự thi vì sự cố gắng của họ điược ghi nhận, chứ như hiện nay thì cũng còn ức chế lắm.

Trong cuộc trao đổi gần đây với ĐNĐT, một cán bộ của Sở GD-ĐT Đà Nẵng có nói, một số cán bộ, giáo viên ngại thi tuyển vì công việc của cán bộ quản lý nhiều hơn, nặng hơn… Theo thầy thì hiện chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, giáo viên trúng tuyển về làm lãnh đạo ở các trường có tương xứng với công sức mà họ bỏ ra để thực hiện đúng theo đề án đã trình bày?

Với góc độ là một hiệu trưởng được bổ nhiệm thông qua thi tuyển, tôi thấy TP cũng có những chế độ đãi ngộ, nhưng thường thì những chế độ đãi ngộ đó ông hiệu trưởng… có rồi. Ví dụ hồi tôi thi, nếu có nhu cầu về nhà ở (chung cư), vợ chưa có công việc… thì sẽ được tạo điều kiện đáp ứng. Nhưng quả thực những cái đó thì người đi thi cũng đã cơ bản có rồi nên không cần đến. Khi thi đỗ rồi, chế độ chính sách của nhà nước thế nào thì ông hiệu trưởng, hiệu phó hưởng y như vậy thôi chứ chẳng hơn cái gì hết.

Như vậy liệu có tạo được động lực cho những người được bổ nhiệm qua thi tuyển khi mà họ phải gánh vác trách nhiệm nặng nề hơn?

Thực ra mà nói, đối với những người dự thi, được bổ nhiệm đã là một sự đãi ngộ, còn chẳng có ai sau khi thi đỗ lại cầm đơn đi xin cái này, cái nọ. Khi dự thi, không mấy ai quan trọng chuyện chức quyền mà vì trách nhiệm chung đối với ngành, với sự nghiệp giáo dục. Nhưng đã thi thì ai cũng muốn đậu, tâm lý chung vậy mà, còn đãi ngộ như thế nào thì nói chung tâm lý của anh em không tiện đòi hỏi.

Nói có chính sách đãi ngộ gì đối với người được bổ nhiệm qua thi tuyển trong quá trình thực thi nhiệm vụ thì tôi chưa nhận thấy. Mình làm hiệu trưởng cũng như bao hiệu trưởng khác thôi. Thứ nhất là bản thân không yêu cầu, thứ hai là cũng không biết rõ về chuyện đó lắm. Nếu có chính sách đãi ngộ như vậy thì sẽ góp phần động viên tinh thần của anh em. Nhưng điều đó Sở GD-ĐT có thể nghiên cứu, kiến nghị chứ bản thân anh em thì cũng ngại. Mình chưa làm được gì mà đã yêu cầu đãi ngộ thì cũng dở.

Cẩm An (thực hiện)
..........................................

Bài 3: Thi tuyển lãnh đạo trường học tạo đà cho CCHC
Từ sự thí điểm thành công của ngành giáo dục, Đà Nẵng đã mở rộng hình thức thi tuyển chức danh lãnh đạo ra nhiều đơn vị hành chính, sự nghiệp nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính.

;
.
.
.
.
.