.
TRƯỚC THỀM KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT 2009

Để công tác thanh tra, coi thi bảo đảm chất lượng

Thực hiện lộ trình “1 kỳ thi 2 mục tiêu”, nghĩa là sáp nhập 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng thành một kỳ thi duy nhất, kết quả của kỳ thi này vừa là căn cứ để xét tốt nghiệp THPT vừa là căn cứ để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Vì thế, kỳ thi tốt nghiệp THPT có thực sự nghiêm túc, các trường đại học, cao đẳng mới có thể tuyển được những thí sinh có kết quả thi thực chất.

Ý thức được điều này, để chuẩn bị cho lộ trình cải tiến hình thức thi, từ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương huy động cán bộ giảng viên từ các trường đại học, cao đẳng làm công tác thanh tra ủy quyền tại các điểm thi. Nếu như kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 1 năm 2007 có khoảng 5.700 thanh tra ủy quyền, trung bình mỗi điểm thi có hai thanh tra, thì trong năm 2008 số lượng thanh tra ủy quyền tăng lên 8.500 người.

Vì thế phạm vi bao quát của thanh tra đã tốt hơn. Từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2007 và  2008, có thể khẳng định vai trò của thanh tra ủy quyền rất quan trọng trong việc bảo đảm tính chất nghiêm túc của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhiều điểm “nóng” đã hạ nhiệt với sự phát huy vai trò của thanh tra ủy quyền. Nhận thức của phụ huynh và học sinh trong việc chấp hành nghiêm túc quy chế thi cũng được cải thiện rõ rệt.

Mặc dầu vậy, qua thực tế có thể thấy dù số lượng cán bộ làm công tác thanh tra đã tăng lên đáng kể nhưng chất lượng hoạt động giữa các đoàn thanh tra là không đồng đều. Theo đó, có điểm thi thanh tra làm chặt chẽ, gắt gao, có nơi còn tỏ ra dễ dãi. Theo quy định thì các đoàn thanh tra ủy quyền hoạt động độc lập, không nằm trong sự điều động, bố trí của Sở GD&ĐT bao gồm cả nơi ăn, chốn ở.

Tuy nhiên trên thực tế, ở một số hội đồng thi, đặc biệt là ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, thanh tra ủy quyền vẫn phụ thuộc đơn vị sở tại trong việc ăn, nghỉ trong suốt mấy ngày thi. Vì thế ở một số nơi, trong đội ngũ thanh tra xuất hiện tâm lý cả nể, thậm chí bị “đồng hóa” trước sự đón tiếp ân cần, niềm nở của hội đồng thi sở tại.
 
Bên cạnh đó, việc cử một số lượng lớn cán bộ, giáo viên của các trường đại học, cao đẳng làm thanh tra ủy quyền vào thời điểm cuối năm học cũng gây ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động giảng dạy của các trường đại học, cao đẳng. Nhiều trường đã chọn giải pháp cử giáo viên trợ giảng, giáo viên hợp đồng đi làm công tác thanh tra, nên chất lượng của đội ngũ thanh tra bị ảnh hưởng. Đây là vấn đề cần quan tâm khi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, với việc bổ sung một số điểm mới, số lượng thanh tra ủy quyền của Bộ có thể lên tới hơn 10.000 người.

Trong phòng thi, người trực tiếp giám sát, theo dõi quá trình làm bài của các thí sinh là cán bộ coi thi. Mặc dầu là khâu quan trọng nhưng trong các kỳ thi trước, coi thi lại là khâu có nhiều điều tiếng nhất. Những vụ “loạn thi” ở Hà Tây và Nghệ An trong các năm 2005, 2006 cũng xuất phát từ sự yếu kém về nghiệp vụ của cán bộ coi thi. Trong kỳ thi năm 2008, chất lượng cán bộ coi thi đã được chú trọng hơn. 100% giáo viên được đổi chéo giữa các hội đồng thi để bảo đảm tính khách quan.

Để công tác thanh tra và coi thi đáp ứng được yêu cầu trong việc bảo đảm cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 tuyệt đối an toàn, nghiêm túc, cần tăng cường số lượng nhưng cũng cần chú trọng chất lượng của đội ngũ thanh tra. Mặc dù huy động số lượng lớn nhưng vẫn phải bảo đảm tiêu chuẩn. Cần ưu tiên tuyển chọn những cán bộ, giáo viên có kinh nghiệm. Công tác tập huấn kỹ năng nghiệp vụ cho thanh tra cần phải được quan tâm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có kế hoạch phân bố các đoàn thanh tra ủy quyền từ sớm để các trường đại học, cao đẳng chủ động hơn trong việc bố trí thời gian giảng dạy ở trường cho số cán bộ, giảng viên làm nhiệm vụ. Bên cạnh các đoàn thanh tra ủy quyền “cắm chốt” tại các điểm thi, cần tăng cường các đoàn thanh tra lưu động, đột xuất, nhất là với các “điểm nóng” trong các kỳ thi trước. Một biện pháp quan trọng nữa là phải tăng cường hơn tính độc lập tự chủ của các đoàn thanh tra. Trừ những trường hợp bất khả kháng, cần hạn chế tối đa việc bố trí thanh tra ở trong nhà dân để tránh những mối quan hệ “dây mơ rễ má”.

Về công tác coi thi, cần tập huấn kỹ đối với giám thị, đặc biệt là đối tượng giáo viên THCS. Nên chăng, cán bộ coi thi cần trải qua một kỳ kiểm tra sát hạch về kỹ năng, nghiệp vụ coi thi. Giám thị cần nắm chắc những quy định cụ thể về các bước trong quy trình coi thi để hạn chế những sai sót không đáng có, nhất là những quy định, hướng dẫn về quy trình thi các môn trắc nghiệm.

Nếu năm 2010 chỉ còn một kỳ thi duy nhất như dự kiến, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 thực sự là bước tập dượt cần thiết. Cách tổ chức kỳ thi của ngành giáo dục đã chặt chẽ hơn khiến cho các lực lượng tham gia phải thực hiện tốt hơn trách nhiệm của mình, trong đó có lực lượng thanh tra và giám thị.
 
Những hạn chế, sai sót về công tác thanh tra và coi thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2008 cần được khắc phục, sửa chữa kịp thời, bởi trước mắt, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 đang đến rất gần.

Bùi Minh Tuấn

;
.
.
.
.
.