.

Xứ sở của các trò chơi

.

(ĐNĐT) Bạn có muốn thử sức mình ở xứ sở nhảy nhót, xứ sở nô đùa, xứ sở du lịch, xứ sở thần đồng? Hay bạn có thể hóa thân thành một nàng công chúa trong một câu chuyện cổ tích... Điều kỳ diệu ấy sẽ thành hiện thực nếu bạn đến với Xứ sở trò chơi sau một ngày học tập căng thẳng...

 

Các em đang chơi trò chơi câu cá

Em Võ Quang Nhật Tiến, học sinh lớp 1/3 trường Tiểu học bán công năng khiếu thuộc nhà Thiếu nhi thành phố vừa bước ra từ nhà banh, mồ hôi nhễ nhại nhưng cười rất tươi, khoe “hôm nào sau buổi học em cũng được mẹ cho vào chơi một lúc. Em rất thích”. Lê Nhật Vy học sinh lớp 1/1 hồ hởi kể: “Em thích nhất đọc truyện và làm công chúa Bạch Tuyết. Chơi trong mấy cái nhà đó mát lắm”.

Khu vui chơi liên hợp mang tên “Xứ sở trò chơi” đang đóng tại Nhà thiếu nhi thành phố Đà Nẵng một tháng nay trở thành địa chỉ vui chơi quen thuộc của nhiều học sinh. Đến đây các em có thể tham gia rất nhiều trò chơi như: đi xe điện, câu cá... Có nhiều trò chơi mới, lạ, lần đầu tiên được đưa vào sử dụng như nhà hơi, nhà banh,  bowling, tập hoá thân thành những nhân vật nổi tiếng trong truyện cổ tích...

Với diện tích 200m2 , tổng số vốn đầu tư gần 800 triệu đồng, công suất phục vụ tối đa lên đến 500em/lượt chơi, “Xứ sở trò chơi” đã  mở ra một thế giới vui chơi - giải trí hấp dẫn cho thiếu nhi thành phố.  Để giúp các em có thể sử dụng khu vui chơi một cách thoải mái và an toàn nhất, ngoài những trang thiết bị hỗ trợ như: ghế đá, nệm xốp để ngồi, nước uống, phòng máy lạnh; còn có một đội ngũ nhân viên gần 10 người luôn túc trực thường xuyên trong ngày để hướng dẫn và quản lý mỗi lúc có em vào chơi. Ông Hồ Viết Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Bước Tiến, đơn vị thi công cho biết: “Trong quá trình xây dựng chúng tôi rất chú trọng đến tính an toàn và nhất là sự đa dạng, mới lạ của các trò chơi. Chúng tôi đã tham khảo nhiều mô hình  khu vui chơi lớn ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng như tìm kiếm trên mạng để hình thành nên Khu liên hợp này”

Không chỉ học sinh mà nhiều phụ huynh cũng không giấu được vui mừng khi con mình đã có được một điểm vui chơi lành mạnh và bổ ích. Chị Đặng Thị Duyên Lành, ở Thanh Khê cho biết: “Từ lúc có khu vui chơi này, chiều nào đi đón cháu cũng phải mất 30 phút ngồi đợi nó chơi xong mới về. Ở đây các cháu được chơi trong điều kiện an toàn, mát mẻ, giá cả hợp lý (từ 2.000 – 4.000 đồng/vé) nên mình cũng đỡ lo”.

Các em đến với xứ sở trò chơi

Nhưng từ lúc đưa vào hoạt động đến nay đã 1 tháng, trung bình một ngày khu vui chơi mới chỉ phục vụ 100 em/lượt chơi, còn quá ít so với công suất thực sự của nó.  Ông Nguyễn Nhẫn, Phó giám đốc Nhà Thiếu nhi thành phố Đà Nẵng cho biết: “Đây là thời điểm còn trong năm học nên dù mở cửa phực vụ cả ngày nhưng trên thực tế khu vui chơi mới chỉ hoạt động nhiều nhất từ 5 giờ đến 21giờ hàng ngày. Mặt khác, hiện nay vẫn còn rất nhiều phụ huynh chưa hình thành được thói quen dẫn con đi chơi”. Chị Trần Thị Ánh Loan, ở phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê bộc bệch: “Một ngày làm việc 8 tiếng ở cơ quan, hết giờ lại lo việc nhà, tối đến chỉ muốn ở nhà nghỉ ngơi nên rất ít dẫn bé đi chơi”. “Thời gian học thêm còn không có làm sao đi chơi cho được”, chị Lành phàn nàn. Thói quen dẫn con cái đến những điểm vui chơi giải trí hay hoạt động cùng con chưa có, nên nhiều phụ huynh coi nhẹ vấn đề này cũng là điều dễ hiểu. Việc hạn chế tuyên truyền, quảng bá trong thời gian đầu mở cửa cũng là nguyên nhân khiến khu vui chơi tuy được đầu tư hoành tráng nhưng vẫn chưa thực sự hút khách.

Khu vui chơi liên hợp hình thành, mùa hè này nhiều học sinh có thêm một địa chỉ để vui chơi, các em có điều kiện phát triển song song thể chất và trí tuệ. Tuy nhiên, một khu liên hợp là quá ít ỏi so với nhu cầu vui chơi của các em, nhất là thiếu nhi ở xa trung tâm thành phố và các vùng nông thôn.

 

Khánh Hoà

;
.
.
.
.
.