.

"Con thi cha mẹ cũng thi"

.

Mỗi phụ huynh một tâm trạng…
(ĐNĐT) – “Giá như có thể vào trong đó (phòng thi) ngồi với con thì tốt quá, chứ ở ngoài này hồi hộp không chịu nổi”, một phụ huynh đưa con đi thi nói đùa với những người ngồi xung quanh trong một quán nước phía sau hội đồng thi THCS Trưng Vương. Có lẽ đối với họ, không sự chờ đợi nào dài và căng thẳng như những lần chờ con đi thi.

Sáng ngày 2-6, ngày đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009, thành phố Đà Nẵng thức dậy sớm hơn bình thường, tiết trời dịu mát buổi sớm như được làm nóng lên bởi hàng nghìn phụ huynh và học sinh đổ xuống đường. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết cha mẹ đều cho con ăn điểm tâm ở nhà để đảm bảo vệ sinh. Món xôi đậu nóng hổi vẫn chiếm đại đa số thực đơn, bên cạnh các loại đồ ăn nhanh như cháo, mì tôm, miến, phở gói, bánh mì.

Trước hội đồng thi THPT Phan Châu Trinh, sau khi đưa con đến tận cổng, dặn dò, động viên, dõi theo con vào bên trong, chị Trần Kim Hồng (đường Nguyễn Tri Phương) vẫn còn nấn ná đứng lại, lẩm bẩm một mình: “Tội nghiệp, tối qua trằn trọc không ngủ được, mong vào trong đó đừng ngủ gục”. Có lẽ chị Hồng cũng đã thao thức suốt đêm cùng con, vậy mà giờ vẫn “tỉnh ráo” vì quá lo lắng.

Dạo một quanh những quán nước gần địa điểm thi, có thể nhận thấy một điều, phụ huynh năm nay nắm khá chắc các đổi mới trong quy chế thi, nội dung thi của con mình. Giữa cái nắng gay gắt của buổi chiều, dọc các vỉa hè, nhiều phụ huynh nữ mang cả áo khoác, bao tay, bịt mặt ngồi tụm lại nói chuyện với nhau.

Gần hội đồng thi THPT Trần Phú, chị Lê Hà Anh bày tỏ lo lắng: “Học hành 12 năm trời mà thi không đỗ tốt nghiệp thì khổ, sang năm cải cách rồi chắc còn khó khăn hơn”.

Năm nay, việc không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 2 cũng tạo ra nhiều áp lực cho các ông bố, bà mẹ, nhưng nhiều người vẫn tỏ ra rất tâm lý. Anh Trần Thanh Hùng, có con thi ở hội đồng thi THPT Nguyễn Trãi, tâm sự: “Biết có nhiều thay đổi nên tôi động viên con nhiều hơn nhưng không gây sức ép nào với cháu, tôi vẫn luôn dặn cháu nếu có cái gì khó, mới mẻ thì cũng là tình hình chung, chỉ cần tự tin là vượt qua được”

Lấy mũ bảo hiểm làm ghế, đợi con thi.
Những người có con làm tốt bài thi môn Văn thì tỏ ra rất phấn khởi, khen đề hay và vừa sức, nhưng một số bà mẹ vẫn tỏ lo lắng: “Con mình học ban A, đề thi mở, đòi hỏi khả năng lập luận sáng tạo như vậy sợ nó không được điểm cao rồi, nó sợ nhất là môn Văn”.

Khác với các bà mẹ, những ông bố tỏ ra bình tĩnh, lạc quan hơn. Không chọn cách chờ đợi và lo lắng, họ có nhiều cách để thư giãn. Phía sau hội đồng thi THPT Trưng Vương, nhiều phụ huynh say sưa bên bàn cờ tướng, một số khác đọc báo và làm việc qua máy tính xách tay.

Tuy nhiên, nhiều ông bố khi được hỏi mới bộc lộ tâm sự thật. Bác Trần Đức Công (đường Hải Phòng) bộc bạch: “Cháu ở nhà ôn thi căng thẳng cả tháng nay nên gầy hẳn đi, thời tiết lại nóng bức, mong sao cháu đủ sức khỏe để vượt qua kỳ thi”.

Theo tư vấn của một bác sĩ tâm lý, các bậc phụ huynh dù lo lắng nhưng không nên tạo nhiều sức ép với con em mình. Trước buổi thi chỉ nên dặn dò một vài điều quan trọng, cần thiết, thêm một lời chúc hoặc động viên là đủ, không nên nói quá nhiều và dài dòng sẽ khiến cho tâm lý của học sinh bị ảnh hưởng. Phụ huynh cũng nên đưa con mình đến điểm thi sớm, cho các em gặp gỡ, trò chuyện với bạn bè, giúp các em có tâm trạng vui vẻ trước khi bước vào phòng thi.

Mỗi phụ huynh một tâm trạng riêng, cách thể hiện riêng. Giữa những buổi thi ngắn ngủi, họ gặp gỡ, tâm sự, mời nhau ly nước, chơi với nhau dăm ván cờ, từ lạ lẫm thành thân quen, gần gũi. Cái nắng oi nồng của ngày đầu hè như cũng dịu đi phần nào.

NGUYỆT QUẾ

;
.
.
.
.
.